Monday, January 2, 2012

NHẬN THỨC THIỆN VÀ ÁC DƯỚI CÁC GÓC ĐỘ KHÁC NHAU

Thạc sĩ Vũ Đức Huynh

Thiện và ác là hai từ của dân gian dành chỉ hai hiện tượng luôn hiện hữu trong cuộc sống, luôn xảy ra trong xử thế. Thiện và ác được biểu tả dưới nhiều hình thức như: ông thiện, ông ác ở một số nơi thờ cúng công cộng của một vài đạo, giáo.
Người dân thường căn cứ vào cách hành xử của con người trong cuộc sống hàng ngày hay trong xử lý một việc mà xếp người này vào loại người thiện, người kia vào loại người ác; việc này là việc thiện, việc kia là việc ác.
Quan niệm và cách phân loại thiện, ác trong dân gian chỉ nhìn thấy một cách đơn giản những hành vi bộc lộ, đặc trưng, rõ ràng về cái thiện và cái ác. Việc xếp loại của dân chúng về thiện và ác biểu hiện trong việc làm, của hành động, cách xử sự mới chỉ nhìn vào những hậu quả “nhãn tiền”, hậu quả trông thấy ngay trước mắt, mà chưa nhận thức được đầy đủ cái nghĩa của từ thiện và từ ác mà bản thân hai từ ấy quy nạp từ hai phạm trù đối lập trong cuộc sống.
Để nhận thức rõ thêm về thiện và ác, tôi xin đề cập trong nội dung tham luận 5 vấn đề cụ thể sau đây:
1. Khái niệm thiện và ác
2. Các biểu hiện của thiện và ác trong cuộc sống
3. Hiệu ứng của thiện và ác
4. Các tính chất của thiện và ác
5. Thiện ác dưới các góc nhìn khác nhau

 1. Khái niệm thiện và ác
Khái niệm “thiện” (good, virtue)1
Thiện là một phạm trù không những về ngữ nghĩa từ vựng “thiện” mà còn là một phạm trù thực tế trong hành động, trong hành vi, hành xử, trong việc làm, trong lời nói, cử chỉ được con người biểu hiện về cái thiện.
Về ngữ nghĩa “tính từ thiện chỉ phẩm chất, hành vi của con người tốt, lành, hợp với đạo đức”2.
Trong phạm vi ngữ nghĩa có cả một loạt các từ ghép: thiện cảm, thiện ý, thiện chí, thiện tình, thiện nhân, thiện tâm...
“- Thiện cảm chỉ tình cảm tốt, sự ưa thích đối với ai đó, bó hẹp nghĩa cảm tình trong quan hệ người với người.

- Thiện ý chỉ ý định tốt lành trong hành xử quan hệ với người khác (một ai đó có thiện ý giúp đỡ, tỏ rõ thiện ý).
- Thiện chí là suy nghĩ tốt và luôn mong muốn đi đến một kết quả tốt đẹp khi giải quyết một việc gì.
- Thiện nhân, một con người luôn có cử chỉ, hành động, việc làm tốt đối với mọi người trong cuộc sống, ...” 2
Qua một số ví dụ nêu trên, nhờ sự kết hợp với một từ khác thành một từ ghép tạo ra một nghĩa khu biệt biểu hiện “thiện”. Về mặt ngữ nghĩa, “thiện” là một phạm trù về tính tốt, lòng lành, người thảo thể hiện ra của một con người trong cuộc sống...
Về khía cạnh thực tế “thiện” là một phạm trù bao hàm hành động đa dạng, đa cách thức, đa kết quả; phạm vi hành xử rộng như: lời nói, cử chỉ muôn màu, muôn vẻ mà đôi khi con người không nghĩ rằng những điều đó cũng thuộc phạm trù “thiện”. Hành động giúp tiền cho người nghèo của các nhà hảo tâm, của các doanh nghiệp thường làm gọi là “công tác từ thiện” mới biểu hiện khái niệm “thiện”. Song ngay một lời động viên an ủi từ đáy lòng đối với một ai đó cũng là biểu hiện của “thiện”, vv...
Khái niệm Thiện là một phạm trù chẳng những trong khía cạnh ngữ nghĩa mà còn là một phạm trù thực tế ở khía cạnh hành động với đa dạng cách thức, việc làm, cử chỉ, lời nói... biểu hiện sự tốt lành, có tâm có đức, mang đầy đủ tính nhân bản của con người đối với con người, và xã hội này đối với xã hội khác, dân tộc này đối với dân tộc khác, đất nước này đối với đất nước khác, vv...
“Thiện” ở mỗi người và trong mọi người vừa ở phạm vi bản năng, vừa ở phạm vi bản ngã của từ “Người” ở cõi trần với muôn loài sinh vật cộng sinh trên trái đất.
 Khái niệm “Ác” (evil; the spirit of evil)1
Cũng như khái niệm “Thiện”, khái niệm “Ác” là một phạm trù trong cả ngữ nghĩa của từ này và cả trong thực tế biểu hiện cái “ác”.
Về khía cạnh ngữ nghĩa, “ác là một tính từ chỉ chung về tính cách của người hoặc một việc làm có những biểu hiện tỏ ra sẵn sàng gây hoặc thích gây đau khổ, tai hoạ cho người khác; có tác dụng xấu dẫn đến hậu quả không hay hoặc là ở mức độ khác thường gây ấn tượng mạnh”3.
Để biểu hiện ngữ nghĩa, từ ác được ghép với một từ khác cho một loạt từ: ác độc, ác cảm, ác bá, ác khẩu, ác hiểm, ác liệt, ác chiến, các thú, ác tính, ác mộng...
“- Ác cảm để chỉ một cảm giác không ưa giữa một người với người khác.
- Ác nghiệt là cách cư xử tàn tệ, khắt khe quá mức đến không thể chịu đựng nổi, không thể chấp nhận.
- Ác bá chỉ kẻ thường dựa vào quyền thế ức hiếp, đàn áp hành hạ con người.
- Ác độc cũng như độc ác, chỉ về một hành động thâm hiểm mà còn biểu hiện sự thích thú khi gây đau khổ cho người khác.
- Ác hiểm là một mưu mô nguy hiểm đáng sợ được sắp đặt trước để cố tình làm hại đối tượng”3.
Những thí dụ các biến thái từ vựng ở trên, ta thấy được ngữ nghĩa đa dạng, lột tả mọi thứ “ác” được biểu hiện không chỉ con người đối với con người mà còn là một chế độ đối với một chế độ, một đất nước đối với một đất nước, một khối nước đối với một nước v.v. Những kiểu “ác” này nằm trong cụm từ “Ác chiến” hay “cuộc chiến tranh ác liệt”, thậm chí “ác” ẩn dấu trong một hành động đầy tàn ác bi thương như “cuộc thánh chiến”, “khủng bố”, “đàn áp”, “dập tắt”, đôi khi lại là một ngữ bóng “làm cỏ”!
 Ngữ nghĩa về cái “Ác” không những chỉ ở một hành động thực mà còn thuộc khía cạnh tâm linh: “Thần ác”, “ ác ma”, “ác quỷ”...!
 Đôi khi cái ác ở trong nghĩa từ ảo huyền hư vô “ác mộng”. Một thứ ác vô hình vẫn làm con người hoảng sợ, lo buồn, tác hại dữ dội tới thần kinh, tâm trạng từ một giấc mơ dữ, thấy những điều kinh khiếp, rùng rợn tồn tại trong ký ức khi tỉnh giấc. Biểu tượng cái ác chỉ tai hoạ đã phải trải qua: “Cơn ác mộng” vân. vân.
Khái niệm “ác” trong hành động cũng là một phạm trù bao hàm mọi động thái, việc làm, cách hành xử... trong cuộc sống thực và cả trong đời sống tâm linh.
 Khái niệm “ác” không thuần tuý được nhận biết qua các hành động giết bỏ, bức hại, triệt hạ đối với con người, đối với các sinh vật mà nhiều hành vi, cách cư xử, lời nói tưởng trừng như vô hại chìm lặn khó nhận biết tạo thành “nghiệp ác”. Về khía cạnh này phải bằng nhận thức tâm linh mới thấu hiểu hết khái niệm ác.
 Khái niệm ác ở loài người tàng chứa trong các dục vọng thuộc bản ngã: tham của, tham quyền, tham chơi. Ba phạm trù chính trong bản ngã của con người tạo ra bao “thứ ác” và “nghiệp ác” cho đồng loại, cho muôn loài sinh vật ở cõi trần.
 Thiện khơi mầm ác, song ác có tính của thiện. Đây không chỉ là cái nhìn biện chứng mà cũng là cách nhìn của khoa học tâm linh.
 Ác là một khái niệm bao gồm không chỉ sự biểu thị ngữ nghĩa mà còn vạch rõ bản chất của hành động, một việc làm, một hành vi, một cử chỉ, một lời nói, biểu hiện thực và ảo bộc lộ tính tàn bạo, nham hiểm, độc địa, cay nghiệt, mê hoặc... trong phạm vi nhân bản của loài người và sinh bản của muôn loài sinh vật.
 Thiện, Ác là một cặp phạm trù luôn cùng tồn tại thúc đẩy sự tiến hoá tự thân và duy trì sự sống giống như mọi cặp phạm trù đối lập: lành dữ, phải trái, sấu đẹp, trắng đen, âm dương vân vân. Đó là sự vận động tất yếu của cuộc sống muôn hình vạn trạng, nhưng có chung một biểu hiện của bản năng và bản ngã của loài người, của mọi sinh vật sống trên Trái đất.

2. Biểu hiện của Thiện và Ác (Expression of good and Evil)Như đã nói ở phần khái niệm, Thiện và Ác là một cặp phạm trù bao hàm nhiều dạng thức. Từ những dạng thức đó soi vào thực tiễn để thấy được phần nào các biểu hiện Thiện và Ác. Trong nội dung có hạn, tôi chỉ đơn cử mang tính điển hình và đại diện cho từng khái niệm riêng biệt Thiện và Ác dưới đây.
 Biểu hiện của Thiện.
 Biểu hiện “Thiện” trong thực tế cuộc sống là vô cùng phong phú và đa dạng “Thiện” trong hành động, cái Thiện trong việc làm, cái Thiện trong suy nghĩ - ý định, trong hành vi - ý thức, trong cử chỉ, cái Thiện trong thái độ, trong phẩm cách và quan niệm. Cái Thiện còn được thể hiện trong văn học, nghệ thuật, phim ảnh và trò chơi, một hình thái mới của cái thiện trong thời đại Computer - thời đại @.
 Thiện biểu hiện trong hành động được nhận thấy rõ ràng cụ thể. Đó là các hoạt động từ thiện; “Ủng hộ người nghèo”, “Trái tim cho em”, “Khuyến học, khuyến tài”, “trợ giúp người khuyết tật”, “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” và biết bao phong trào phát động khác.
 Thiện trong việc làm như: bỏ tiền vào hòm quyên góp mỗi khi có thiên tai để giúp các nạn nhân, là những nhà hảo tâm, những mạnh thường quân tham gia các phong trào xây “nhà tình thương”, “nhà tình nghĩa”; là cung cấp các phương tiện sinh hoạt, lương thực, thực phẩm cho “trại trẻ mồ côi”, cho “nhà dưỡng lão”, “trường con em liệt sỹ” vân vân.
 Thiện trong hành đông, việc làm... dễ thấy, dễ biết hơn cái Thiện ẩn trong hành vi, ý định, ý thức, suy nghĩ... Những biểu hiện cái Thiện ẩn đôi khi không được con người để ý, lưu tâm và khó nhận thức được. Ví dụ khi thấy một tai nạn giao thông nghiêm trọng “nghĩ đến cần dừng lại đưa người bị nạn đi cấp cứu”. Như thế đã biểu hiện Thiện từ ý nghĩ dẫn đến hành động Thiện. Một lời cầu nguyện mong cho mọi việc tốt đẹp đối với một ai đó cũng chính là một biểu hiện của tấm lòng Thiện. Ngày nay phong trào “các tình nguyện viên” phát triển với nhiều mô hình phong phú mang đậm tính Thiện. Đó là các tình nguyện viên chăm sóc “Người già cô đơn”, “trẻ mồ côi tàn tật”, “góp sức kỳ thi” vân vân. Đó là những hành động Thiện trong tâm, trong suy nghĩ trong ý định Thiện. Chăm sóc một “người dưng nước lã” như người thân, như cha mẹ mình, con cái mình nếu không xuất phát từ “phẩm cách Thiện”, “quan niệm Thiện” làm sao có thể có hành vi và thái độ Thiện.
 Cái Thiện tiềm ẩn trong quan niệm là thật khó nhận thức. Đó là không pha các hoá chất đã cấm vào thực phẩm, không làm thuốc giả.v.v. vì quan niệm rằng các thứ có thể dẫn đến chết người.
 Trong văn học, nghệ thuật, phim ảnh... tác giả, đạo diễn, nghệ sỹ biểu hiện cái “tâm Thiện” được thể hiện qua các tác phẩm, qua cách diễn xuất khiến độc giả, khán thính giả hướng Thiện. Xuất phát từ cái “đức Thiện”, “tâm thiện” của chính họ, họ sáng tác các câu chuyện ngợi ca cái Thiện, các bài thơ, bài hát, vở kịch nêu cao cái Thiện.
 Khó nhận biết nhất là cái “Thiện” thể hiện trong các giáo lý, luật pháp hướng dẫn dân chúng vào con đường chính, con đường Thiện, con đường đúng, xây dựng một xã hội công bằng, bác ái, ấm no hạnh phúc.
 Để thực hiện được cái đích đó các nhà hoạch định chính sách, luật pháp, giáo lý đã mang “bản tính Thiện”, “ý thức Thiện”. Cái Thiện biểu hiện trong xã hội trong thế giới thời hội nhập: “Xóa bỏ quá khứ, hướng tới tương lai” giải quyết vấn đề “bằng thương lượng hoà bình”, bằng thoả hiệp... Đó là cách “hành xử Thiện”. Song ít người nhận thức thấy. Có vô vàn biểu hiện cái Thiện. Trước tiên “Thiện” xuất phát từ cái Thiện vô hình thuộc lĩnh vực tâm linh duy thức. Cái thiện hữu hình thuộc lĩnh vực thực hành duy thực. Mọi biểu hiện của cái Thiện đều có gốc tâm linh. Bởi con người thường tâm niệm trước khi làm một việc thiện là được thâm, tâm bình an, thư thái là làm phúc ở đời, là để phúc đức lại cho con cháu mai sau.
 Việc hình thành thói quen hành Thiện là tương đối khó. Bởi vì nếu một giây trước khi hành thiện mà thoáng nghĩ đến bản thân, đến tình huống, đến hiệu quả v.v. là sẽ cản trở cái ý định của bản thân.
 Tính chân thực của cái Thiện là lòng trắc ẩn thường tạo ra cái Thiện, súi dục con người ta hành Thiện!
 Trong quan niệm: “trau dồi tâm tư nơi y hành trong thuyết lý của Đạo Phật, Đức Phật dạy phải tư duy rằng: Thân tất cả chúng sinh cũng như thân ta thường đau khổ đói khát. Ta hãy thương yêu và chăm sóc chúng như chăm sóc con ta vậy”4 và “... hãy thương người đang bị bệnh khổ; hãy thương người đang buồn khổ; hãy thương người có tai nạn...”5. Tất cả phải xuất phát từ lòng trắc ẩn.
 Khơi dậy lòng trắc ẩn của con người sẽ tạo ra biết bao hành động Thiện, việc làm Thiện, hành vi Thiện, ý thức Thiện, lời nói Thiện.v.v
 Xã hội, con người đều hành Thiện sẽ làm cho cái Thiện lấn át cái Ác.
 Cái Thiện là một phần gốc của sự tồn tại.
 Cái Ác là một phần gốc của sự huỷ diệt! Thiện thì sinh, Ác thì diệt một cặp phạm trù đối lập mang tính thực tiễn hơn là tính thuyết lý.
 Để hiểu sâu hơn sự đối lập này ta cần xét thêm những biểu hiện của cái “Ác” trong con người, trong cuộc sống và trong xã hội một cách cụ thể sau đây:
 Biểu hiện của Ác (expression of evil)
 Biểu hiện cái “ác” cũng có quá nhiều dạng thức, quá nhiều tình cảnh và quá nhiều hiện trạng. Có thể phân thành hai loại biểu hiện về Ác:
 - Cái ác lộ liễu
 - Cái ác ảo ẩn
 Ác lộ liễu là cái ác dễ thấy, dễ nhận biết. Nó rõ ràng như giữa “thanh thiên bạch nhật”. Đó là cái ác trong hành động, một việc làm, trong hành vi, cách làm, cách xử sự... Người dân thường gọi rõ tên từng kiểu ác như: “một hành động ác”, “một việc làm ác”, “một mưu đồ ác”, “một lời nói ác”, v.v...
 Hành động giết người bằng nhiều kiểu, dù là kiểu gì thì việc tước đi mạng sống của đồng loại là một “hành động ác”. Nhận thức về cái ác kiểu này thường trái chiều. Cụ thể trước một án tử hình có quan niệm là “nợ máu phải trả bằng máu” hay “giết người đền mạng” “chết là đáng”. Ngược lại có quan điểm: “oan oan tương báo đến bao giờ mới dứt” hay “mở cho một con đường sống”, “lấy công chuộc tội”, “rộng lượng hải hà” và “ai cũng có quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc”. Trước một cách xử “ác” thường có hai quan niệm trái chiều xẩy ra.
 Lấy cái ác trị cái ác và lấy cái thiện để lui cái ác là hai quan điểm đã và đang còn tồn tại. Thực tế nhiều nước trên thế giới ngày nay đã không có án tử hình hoặc đã bỏ án tử hình để giảm bớt một hành động ác.
 “Việc làm ác” biểu hiện nhiều kiểu tồn tại trong đời sống xã hội. Biểu hiện ác giữa con người với một con người hay với một gia đình; thậm trí với cả một cộng đồng: như tạt axit, chặn cống thoát nước, phá vườn cây, bịt lối đi hay xả nước thải công nghiệp vào kênh, ngòi, sông, rạch v.v...!
 “Hành vi ác” là khó tưởng tượng, khó lý giải. Nó vừa là hành vi vô thức vừa có ý thức, ví dụ bọn trẻ ném đá đất vào tầu khách, tháo các thiết bị đường sắt, cắt cáp quang, giây điện thoại v.v... Hành vi ác của những kẻ buôn ma tuý, dụ dỗ hút chích, buôn bán xác thịt phụ nữ bằng nghề bán dâm, cave, bắt ép trẻ vị thành niên lao động khổ sai, đánh đập, ngược đãi; buôn bán các chất độc hại đem dùng cho thực phẩm; làm thuốc chữa bệnh giả vân vân và vân vân. Có kiểu ác ít được phanh phui lên án đó là những kiểu ác thuộc loại ảo ẩn.
 Một Điển hình là “ác ngôn” (lời nói ác) như: phao tin đồn thất thiệt, tin đồn nhảm; bịa đặt nặc danh để làm “thân bại danh liệt”, chửi bới, nguyền rủa một người, che dấu một mưu đồ nguy hiểm gây bao tai họa... là kiểu “cái ác” khó nhìn thấy. Ngay trong thời đại văn minh, những cái ác khốc hại nhất vẫn diễn ra nơi này, nơi kia. Đó là các cuộc chiến tranh, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, đàn áp, can thiệp bạo lực, lật đổ, bạo loạn gây ra chết chóc, tàn phá, ly tán, tàn tật, đói khát cho hàng triệu sinh linh ở nhiều đất nước!
 Ở thời computer, kẻ sản xuất các game độc hại, bạo lực đã ngầm tạo ra cái ác từ tâm địa ác độc của chúng... Suy nghĩ ác dẫn tới hành động ác, cách làm ác... Mọi biểu hiện của cái ác do vô thức hay có ý thức dù thuộc loại lộ liễu hay thuộc loại ảo ẩn khó nhận biết, khó ý thức đều gây ra bị thương!
 Tham vọng thường là nguyên nhân gây ra cái ác dưới nhiều hình thức.
 Một vấn đề cần được làm rõ khi bàn đến biểu hiện Thiện và Ác. Đó là tính biện chứng của cặp phạm trù này. Tính biện chứng thể hiện: trong cái ác lại tàng chứa cái thiện; cũng như vậy, trong cái thiện vẫn luôn có mầm cho cái ác.
 Để làm rõ cái ác lại ẩn chứa cái thiện ta xem xét một ví dụ thực tiễn là sử dụng con người, động vật làm vật thí nghiệm, thử nghiệm, kiểm nghiệm (những việc làm ác) nhằm tìm hiểu nguyên nhân gây ra một bệnh, một ổ dịch, qua đó để sản xuất thuốc chữa hữu hiệu hay chế một loại vacxin phòng bệnh. Một “việc làm ác” thật sự đấy, song nó đã tạo ra một hậu quả thiện. Đó là cứu được người bệnh, dập tắt một trận dịch, một ổ bệnh, cứu sống hàng trăm, hàng nghìn người hay làm cho hàng triệu người bình tâm, không phải lo sợ trước một bệnh hiểm nghèo, trước một trận dịch đe dọa. Đó là việc ác có thiện. Việc tạo ra bệnh, tạo ra cái chết cho một vật trong thí nghiệm (làm ác) để nghiên cứu một thứ thuốc, một loại vacxin để cứu sống một số đông đồng loại là một việc làm thiện, là rất cần có, là thực tiễn khoa học, là việc đặt lợi ích của đa số lên trên cái bất lợi của một thiểu số.
 Tính khoa học tất nhiên không tránh khỏi đối lập với quan niệm tâm linh về thiện và ác.
 Trong cái thiện có chứa mầm tạo ra cái ác, có rất nhiều hiện tượng, sự việc cho phép nhận biết được phần trái của hành động thiện, việc làm thiện, quan niệm thiện, hành vi thiện.
 Quan niệm thiện như: “lấy đức để trị dân” với việc áp dụng các chính sách mềm mỏng, luật pháp khoan dung, xử lý thiện tình, kỷ cương lỏng lẻo, đó là cách hành xử thiện sẽ dần dà dẫn đến trật tự xã hội rối loạn dần dần, pháp luật sẽ từng bước bị coi nhẹ. Nó khơi nguồn cho nhiều tật xấu xuất phát từ dục bản ngã vốn có của loài người do không bị kìm chế mà sinh ra tội ác.
 Về tu từ học: trong từ “con người” có chứa 2 ngữ “con” và “người”. “Con” ẩn chứa cả bản năng và bản ngã của động vật nằm trong “thất tình lục dục” của người. “Con” ngầm chỉ sự chủ đạo của tính ác, cái ác vẫn luôn còn trong loài người. “Người” là đại thể của “thiện” trong bản chất. Cái thiện chỉ đạo mọi hành động thiện, ý nghĩ thiện của loài người. “Người” có mọi đức tính cao quý, trí tuệ anh minh, hành xử nhân hậu đưa loài người đến vị thế độc tôn, độc trị đối với muôn loài sinh vật trên trái đất...
 Thiện và ác đối lập mà xen kẽ, tách biệt mà giao hòa như Thuyết Âm Dương: trong Âm có Dương và trong Dương có Âm để luôn giữ thế cân bằng cho sự phát triển. Thực tế, loài người luôn bất bình và phản đối các biểu hiện của cái Ác, đồng thời luôn cổ vũ, hoan nghênh, ngưỡng vọng những điều Thiện. Thiện luôn là tính nhân bản trước tiên, cần phát triển, cần cổ suý. Cái “thiện” có trước cái “ác” có sau.

 3. Hiệu ứng của cái thiện và cái ác
 Nhận thức về cái thiện, cái ác nói chung không khó. Thiện và ác luôn có hậu quả để lại. Nó hiện hữu và có thể có hiệu ứng tức thì trong khoảng thời gian ngắn hay hiệu ứng của nó diễn ra chậm chạm, âm ỉ mãi về sau rất nhiều. Người dân thường gọi “quả báo” hay được “hưởng âm phúc của ông bà” là những hiệu ứng thiện ác, biểu hiện cả quan điểm tâm linh, cả quan điểm xã hội. Hiệu ứng thiện, ác đã từ lâu được Đạo Phật đề cập và xác nhận. Hiệu ứng thiện, ác đã trở thành một phần của giáo lý dăn dạy các đệ tử, tín đồ của Đạo Phật.
 “... Sau khi Mục Kiều Liên trở về thuật lại cảnh khổ của mẹ, ngài đã cầu Phật dùng phương tiện để giải cứu. Phật dạy:
 - Mẹ ngươi nghiệp ác quá nặng, sức ngươi không thể cứu được. Ngươi phải làm lễ Vu Lan thiết đãi chư tăng:
 Sơn lâm thiền định
 Thọ hạ kinh hành
 Lục thông La Hán...6
 Mục đích của việc này là để giải hiệu ứng nghiệp ác mà mẹ Mục Kiều Liên đã tạo ở cõi Trần hay là:
“... trong Kinh Phật có dạy: Nếu nói tạo nghiệp thiện sẽ được phúc báo lành, tạo nghiệp ác bị quả báo khổ, thì Phật chấp nhận... tại sao nói làm ác chịu quả báo ác, làm thiện được hưởng quả báo thiện, thì Phật chấp nhận. Nói tạo nghiệp ác sau khi chết đọa địa ngục; làm lành sau khi chết sinh về cõi Trời thì Phật không chấp nhận. Phật có nói “Cận tử nghiệp và tích luỹ nghiệp”. Tích luỹ nghiệp là nghiệp chứa nhiều kíp đến giờ. Cận tử nghiệp là nghiệp tạo ra lúc sắp chết”7. Đó là sự chân chuyển của hiệu ứng. Qua hai trích dẫn từ giải thích của Đức Phật ở trên cho thấy rằng Đạo Phật rất thông định về luật nhân quả với những hiệu ứng rạch ròi, chi tiết. Hiệu ứng thiện, ác không chỉ tức thời “... vừa làm ác là thọ quả báo ác liền, hoặc vừa làm thiện thì thọ báo lành liền”8 mà còn hậu báo mãi đời sau cho con cháu...!
Đó là cách biện giải của Đạo Phật. Quan điểm khoa học về hiệu ứng thiện ác cũng nhất quán như vậy. Song có điểm khác biệt thiện ác về cách lý giải thực tiễn mang tính luật pháp và mang tính tâm lý, ý niệm của con người.
Tính thực tiễn luật pháp nghĩa là kẻ gây những trọng tội, ngay lập tức sẽ bị xử án tù, thậm chí tử hình! Người làm việc thiện, hành động thiện dù đó là ai, già hay trẻ, trai hay gái đều được: biểu dương, khen thưởng, tôn vinh, phong tặng tức thì dù người đó còn sống hay đã chết.
Với ý niệm và tâm lý dân gian, hiệu ứng xảy ra sau cho dù kẻ làm ác đã chết vẫn bị người đời nhắc tới, con cháu họ còn mặc cảm, bị mang ấn tượng xấu của mọi người, của chính quyền. Sự lưu tâm về việc làm ác, việc làm thiện của đời trước có thể để tiếng đến nhiều đời sau. Đó là ý niệm của hiệu ứng.
Hiệu ứng tâm lý tức thời của việc làm ác sẽ là tâm thần bất an, lo sợ... Làm thiện thì lương tâm sẽ thanh tịnh, phấn chấn, vui khỏe, hạnh phúc.
Hiệu ứng thiện, ác là rõ ràng dễ thấy. Những hiệu ứng “nhãn tiền” về thiện, ác có vô vàn ví dụ thực tế trong cuộc sống thời nào cũng có, đời nào cũng có, nước nào cũng có và dân tộc nào cũng có.
Những hiệu ứng chậm của thiện, ác không chỉ mang sắc thái tâm linh mà ngay cả tính thực tiễn duy thực, duy thức của con người, của xã hội.
Hiệu ứng thiện, ác theo quan niệm tâm linh về luật nhân quả là rõ ràng như đã trình bày. Song thiện, ác còn mang hiệu ứng lây nhiễm, lan truyền. Một việc thiện, một hành động thiện khi được phát hiện, được cổ suý tôn vinh, được các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền rộng tạo thành phong trào, noi gương làm theo, bắt chước nhau: “người người làm việc tiện, nhà nhà làm việc thiện”, phong trào “hiến máu nhân đạo” thu hút hàng vạn thanh niên, sinh viên trong các trường học, trong lực lượng vũ trang và trong dân chúng. Có gia đình, con cháu noi gương ông bà, cha mẹ cùng tham gia “hiến máu nhân đạo, hiến máu cứu người” nhiều lần và có “Hội những người thuộc nhóm máu hiếm” sẵn sàng tình nguyện hiến máu khi cần cho một bệnh nhân, một người bị tai nạn thuộc nhóm máu hiếm phải tiếp máu.
Hành động thiện, làm việc thiện của cá nhân tạo ra phong trào là một hiệu ứng tích cực, một hiệu ứng lan truyền, trong đời sống, trong xã hội.
Một hành vi ác, một mưu đồ ác, một cử chỉ ác, lời nói ác độc có khi có hiệu ứng lây nhiễm nếu bản thân không tự kiềm chế, không có nghị lực trước nhiều cám dỗ.
Các biểu hiện ác bị lây nhiễm có khi chỉ là từ vô thức đến có ý thức, từ đua đòi đến tự nguyện. Thậm trí nhà khoa học, bác sỹ đã cố tình phạm “việc làm ác” khi thấy người này thí nghiệm này, người kia thực hiện thí nghiệm kia, hầu hết những thí nghiệm độc ác xuất phát từ sự ganh đua điên rồ bởi các hoang tưởng phát minh của mình!
Một số bác sĩ Mỹ đã sử dụng tù nhân, gái mại dâm để cho nhiễm si đa. Năm 1951, CIA từng trộn thuốc gây ảo giác vào bột làm bánh mỳ cho một số người ăn để thí nghiệm. Thí nghiệm giả định người tù và cai ngục để tạo ra kẻ tâm thần luôn hoảng sợ và kẻ có hành động độc ác, nhằm xem xét quá trình biến đổi tâm lý diễn biến trong não bộ ở hai con người từ bình thường đến kẻ bạo tàn, đến người luôn sợ hãi. Năm 1952 có những thí nghiệm về vũ khí sinh học đối với con người. Kinh hoàng hơn năm 1920 có nhà khoa học còn dùng cả trẻ 9 tháng tuổi để thí nghiệm về sự nhận thức nỗi sợ hãi, diễn ra trong não trẻ như thế nào. (Những ví dụ vừa nêu trên lấy từ buổi phát thanh của đài Hà Nội phát hồi 16g15 ngày 29/9/2011 mà tôi tình cờ nghe được khi đang viết bài này vào đúng phần này!).
Hiệu ứng ác lây nhiễm từ các game-on-line mang tính bạo lực; từ buôn bán ma tuý, từ cách giết người trong phim ảnh, từ cách đầu độc trong truyện, tiểu thuyết bày vẽ cho!
“Ác ngôn” là thứ có hiệu ứng lây nhiễm rất vô tình, vô tư ít khi để ý: mẹ chửi rủa con, con chửi rủa cháu... Họ coi những điều chửi rủa là vô hại, là chẳng sao. Khi nóng giận, họ sẵn sàng rủa “mày đâm đầu vào xe mà chết đi” hay “hãy ra sông mà chết cho rảnh mắt tao, cho tiệt nòi tiệt giống vô tình bạc nghĩa nhà mày” v.v...
Theo quan điểm của khoa học tâm linh “ác ngôn” như vừa nói trên có hiệu ứng tâm linh nặng nề. Thật sự vô cùng tai hại, khi các câu chửi rủa như vậy đã tác động đến tâm lý. Và đôi khi còn dẫn đến việc tự vẫn của trẻ vì một câu nói trách móc chỉ vì con thi không đỗ; không được học sinh giỏi; thua bạn thua bè!
“Ngoa ngôn”, “ác ngôn” không kém gì các “việc làm ác”, “hành vi ác” nhưng lại thường ít được lưu tâm, ít được xem xét tính nghiêm trọng của nó!
Hiệu ứng của thiện và ác là đa dạng trong cuộc sống, trong gia đình, trong một cộng đồng và trong xã hội, đất nước.
 4. Tính chất của thiện, ác.
Xem xét về tính chất của thiện, ác để hiểu thêm về nguồn gốc thiện ác và cách nhìn nó dưới góc độ tâm linh.
Thiện ác có 6 tính đặc trưng:
- Tính nguyên có.
- Tính phổ biến.
- Tính đa dạng.
- Tính lan truyền.
- Tính tự phát.
- Tính chịu giáo dục.
* Tính nguyên có
Loài người có 6 dục vọng, đặc trưng, tiêu biểu mang tính phạm trù. Nó gồm 3 dục bản năng là: ăn uống, ngủ nghỉ và tình dục và 3 dục thuộc bản ngã là ham vui chơi; tham của cải; háo danh vị, quyền thế. Đi sâu vào từng dục vọng dù là dục vọng thuộc phạm trù bản năng hay thuộc phạm trù bản ngã của loài người khi được xem xét dưới góc độ thực tế hay tâm linh đều cho thấy đó là nguồn gốc của Thiện, Ác. Bất cứ người nào cũng có một số lớn các dục cơ bản trong 6 dục cơ bản nêu trên. Chính các dục ấy tạo nên các biểu hiện thiện và các biểu hiện ác ở mỗi con người.
Như vậy thiện, ác là tính nguyên có của loài người. Ác có trong “con”; thiện có trong “người” (đã đề cập ở phần hai).
* Tính phổ biến
Tính phổ biến chính là thiện và ác đều có ở mọi người thuộc mọi lứa tuổi, mọi giai tầng, mọi dân tộc, mọi đất nước. Tuy nhiên, những biểu hiện ở mỗi người, mỗi lứa tuổi... là khác nhau: “thiện nhiều thì ác ít và ác nhiều thì thiện ít”, “trẻ em tính bổn (bản) thiện”. Con người ta khi tuổi càng lớn càng có thêm biểu hiện của ác và thiện. Khi con người về già tính thiện lại tăng nhiều, tính ác triệt kiết dần. Đó hầu như là một quy luật tự nhiên vậy.
* Tính đa dạng
Trong phần biểu hiện của thiện, ác đã có rất nhiều ví dụ minh chứng. Từ những ví dụ đó đã nói lên tính đa dạng của thiện, ác. Thiện, ác thể hiện từng hành động, việc làm, hành vi, ý nghĩ, ý định, lời nói vân vân.
Tính đa dạng của thiện, ác là một thực tế trong bất kỳ một xã hội nào, một đất nước nào.
* Tính lan truyền
Thiện, ác có tính chất lan truyền, lây nhiễm; lan truyền thì thường thiên về thiện; lây nhiễm thì thường thiên về ác.
Lan truyền tính thiện không chỉ trong phạm vi gia đình mà còn thành một phong trào rộng lớn trong phạm vi cả nước v.v...
Ác lây nhiễm từ người này sang người khác (ngoa ngôn, ác ngôn) từ kẻ này sang kẻ khác (hành động ác, việc làm ác, hành vi ác...).
Tuy cái ác có lây nhiễm, song không bao giờ cái ác thành phong trào. Nó luôn bị lên án, bị pháp luật kìm chế, răn đe, ngăn cấm và chính con người cũng tự răn mình và luôn được dạy bảo, giáo dục tránh xa.
Tính lan truyền, lây nhiễm không phải là phổ biến, thường xuyên.
* Tính tự phát của thiện, ác
Khởi đầu của mọi biểu hiện thiện, ác đều là tự phát, bột phát trong con người.
Biểu hiện thiện do tự phát hay bột phát đầu tiên của một cá nhân hay một nhóm người có thể trở thành một phong trào tự giác làm, tự giác tham gia.
Biểu hiện ác cũng là tự phát của một cá nhân nào đó và có thể lây nhiễm đến người khác hay đến một nhóm.
* Tính chịu giáo dục
Tuy nhiên thiện, ác biểu hiện ở nhiều dạng thức do nhiều nguyên nhân vẫn bị ảnh hưởng của sự giáo dục. Nói cách khác mọi hình thức, mọi phương thức giáo dục có thể làm tăng thêm tính thiện và cải hóa cái ác. Các hình thức giáo dục có tác động rất lớn có hiệu quả và là công cụ làm cái thiện phát huy, phải từ bỏ cái ác; làm kẻ ác có thể hoàn lương.
 5. Nhận thức về thiện, ác dưới các góc nhìn khác nhau
 - Nhận thức qua góc nhìn tâm linh
Nhiều đền, phủ tín ngưỡng có đắp hình hoặc có tượng về hai ông: ông Thiện và ông Ác đặt hai bên cửa nơi thờ cúng.
Về khía cạnh tâm linh, ông Thiện và ông Ác ở đây mang ý nghĩa hiểu dụ và nhân bản, hoàn toàn khác quan niệm của con người về cái thiện và cái ác xảy ra hàng ngày trong đời sống xã hội.
Ông Thiện là rất thiện, đại diện cho mọi cái thiện của loài người, mặt khác, ông cũng là đại diện cho mảng hành thiện trong cuộc sống con người trong xã hội, đất nước. Ông Thiện ngâm khuyến con người nhận thức cái thiện và hành thiện.
Ông Ác không phải là biểu tượng của kẻ ác. Ông Ác lại chính là con người thiện, đại diện cho cái thiện để trừng trị cái ác, dăn đe cái ác, ngăn cặn cái ác. Đó là hình ảnh “Bao Công” ở đời thường.
Hình thức tâm linh được lộ tả qua hình hài, dáng điệu nét mặt dữ dằn để hình tượng hóa cái nghiêm mà không ác. Tính dăn đe hàm chứa trong hình tượng ông Ác ngầm giúp mọi người hướng thiện mỗi khi ai đó nhìn ông. Cái tâm linh thấm vào lòng người vào tâm khảm đầy sức giáo dục: đừng làm điều xấu, ông Ác sẽ coi chừng!
Ai đã từng nhìn ông Ác cũng tự ngẫm suy, dè dặt trong hành xử của bản thân.
Ông Ác trong đời thường như cán bộ công an, bộ đội. Thấy họ là thấy cần phải hướng thiện. Ý nghĩa tâm linh là vậy.
Quan niệm tôn giáo, bất cứ một ai trong đời đều đã có một lần phạm ác. Đạo Phật coi mọi sinh linh ở cõi Trần cần được sống, được bảo vệ. Không nên sát hại từ con kiến đến con người! Mọi động thái, hành vi lạm sát hay làm phương hại đến đời sống của các sinh linh đều được xem như đã “phạm ác”. Với quan niệm tâm linh khái niệm ác còn mở rộng đến những hành vi nhỏ nhặt nhất. Họ xem việc làm cho một người phải khóc, hay phải buồn khổ hoặc giả nói ra những lời bạc bẽo với người thân, với người hàng xóm láng giềng cũng đã phạm ác! “Kinh Phật dạy: Chúng sinh làm chủ tạo nghiệp (chữ Phan là Karma - động tác dấy khởi thiện, ác...) và thừa kế các cách nghiệp mà mình đã tạo...”9
Cũng theo góc độ tâm linh, người tự tạo nghiệp, là từ các dục vọng sui khiến: tham của có thể giết người cướp của, trộm cắp; tham danh có thể bất chấp luân thường; tham quyền dùng mưu mô độc địa hành động bạo tàn v.v...
“... Hãy nhìn đàn gà đang nô đùa, khi được ném cho nắm thóc liền xô xát ngay; bầy chó cùng mẹ âu yếm liếm láp cho nhau, nhưng chủ ném cho khúc xương là cắn nhau tức thì. Loài người thông minh hơn loài vật nhưng của cải, danh vọng, vật chất đã làm họ bất hòa...”10. Và cái ác nảy sinh từ đó.
 - Nhận thức thiện, ác dưới cách nhìn nhân thế.
Nhân thế xem thiện, ác là tính của từng người. Có người suốt đời chỉ làm các việc thiện. Họ chăm chú làm sao tránh xa cái ác, làm nhiều điều thiện để được an lành, hạnh phúc.
Có người coi việc ác, làm việc ác là đương nhiên, ít bận tâm vì tính bạo tàn độc ác vốn có trong con người họ, ý nghĩ của họ. Quan niệm “nhân xát vật” là đương nhiên, Thánh đã nói vậy, nên họ dương cao búa đập vào đầu con trâu cho quỵ chết, chọc tiết một con lợn, con chó là bình thường, thậm chí dùng dao phay chặt người thành nhiều khúc bỏ vào bao tải không ghê tay! v.v...
Nhân thế cho rằng là con người đương nhiên có người tính hiền lành, có người tính cục cằn thô bạo, có người tính tình ác độc, có người keo kiệt, có người dễ dãi... Mỗi người mỗi tính là “Trời” sinh ra vậy. Nhận thức thiện, ác theo “quan niệm nhân thế” đơn giản là như thế từ biểu hiện đến nguyên nhân, hết thảy đổ tại “Ông Trời”; Trời sinh ra, Trời sui khiến, Trời bắt tội, Trời cho vân vân và vân vân.
 - Nhận thức thiện, ác dưới cái nhìn mang tính khoa học.
Dưới góc độ khoa học, mọi hành động hành vi thiện, ác là xuất phát từ tâm lý và sự biến thái của tâm lý. Tâm lý là của con người trong con người. Với tâm lý cân bằng ổn định, con người sẽ thiện (thiện tâm) sẽ luôn nghĩ làm việc thiện, điều thiện, ít khi có ý nghĩ về cái ác.
Tâm lý biến thái sẽ coi việc làm ác là bình thường, là tất yếu, thậm trí còn thích thú khi làm các điều ác độc! Người biến thái tâm sinh lý không nghĩ đến thiện; nguy hại hơn, nó còn lôi kéo cả một cộng đồng một đất nước làm ác, tạo ra một chế độ tàn bạo khát máu! Đặc trưng thể hiện rõ ở thời chiếm hữu nô lệ tạo ra cảnh “buôn bán nô lệ”, “săn đầu người” vô cùng ác độc suốt những thế kỷ 14-15, phân ra người chủ, kẻ nô với bao tội ác.
Thảm thượng hơn, cuối nửa đầu thế kỷ 20, Hitller và bọn Quốc xã đã tạo ra chủ nghĩa phát xít bạo tàn, phân ra đẳng cấp giống người. Giống người thuộc loại “thượng đẳng” có quyền thống trị và lập lại trật tự thế giới! Giống người “hạ đẳng” là “loài ong thợ” ngu dốt phải bị trị và chịu sự sắp đặt.
Nhận thức thiện, ác dù dưới góc độ tâm linh, nhân thế hay khoa học đều phản ánh cái căn gốc của từ “con” và “người” mà loài người ở cõi Trần mặc nhiên đã chấp nhận “Con” biểu lộ tính ác. “Người” biểu lộ tính thiện. Con đặt trước là hình tượng của bản năng đặc trưng của mọi sinh linh. “Người” là hình tượng của bản ngã có phân hóa kẻ có, người không cái này cái kia, tạo ra thiện, ác ở cấp độ cao hơn, đa dạng, đa cách, đa hành vi v.v...
Thiện, ác là cặp phạm trù cả về ngữ nghĩa từ vựng, cả về biểu hiện thực tế thực tại.
Thiện nhiều hơn ác. Thiện thắng thì ác lui, nhưng sự tồn sinh thiện, ác dường như là một quy luật sinh tồn ở cõi Trần vậy./.


________________________________________
1 Viện ngôn ngữ: từ điển Anh Việt, NXB TP.HCM 1994, trang 710-544
2 Hoàng Phè: từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2009, tr766
3 Hoàng Phê: TĐ Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng 2009, tr 766
4 Thích Thông Lạc: Hành Thập Thiện và tứ vô Lượng tâm; NXB tôn giáo 2005, tr 68
5 Thích Thông Lạc: Hành Thập Thiện và tứ vô Lượng tâm; NXB tôn giáo 2005, tr 71
6 Thích Thanh Từ: Tu là chuyển nghiệp, Thành hội Phật giáo VN 1993, tr155
7 Thích Thanh Từ: Tu là chuyển nghiệp, Thành hội Phật giáo VN 1993, tr33
8 Thích Thanh Từ: Tu là chuyển nghiệp, Thành hội Phật giáo VN 1993, tr33
9 Thích Thanh Từ: Tu là chuyển nghiệp, Thành hội Phật giáo VN 1993, tr21
10 Spalding - Đinh Lai Thuý: Hành trình về Phương Đông, NXB thế giới 2009, tr.161.

No comments: