Sunday, June 29, 2008

ĐÚNG VÀ SAI

- Có những cái ta nghĩ là đúng, chắc gì đã đúng.
- Nghĩ là người sai, chắc gì đã sai.
- Cái ta nghĩ là đúng mà người cho là sai, chắc gì đã sai.
- Cái ta nghĩ là sai mà người cho là đúng, chắc gì đã đúng.

Đúng và sai còn tùy thuộc vào các yếu tố sau.
Phong tục tập quán: tôn giáo, tín ngưỡng
Luật lệ: mỗi quốc gia đều có luật lệ khác nhau.
Trình độ nhận thức: Ý thức hệ của mỗi cá nhân.
Thời gian: yếu tố quan trọng quyết định đúng sai.

Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, khi xem những quyển sách thuộc về KINH, LUẬT, LUẬN thì thường lấy sự khế hợp và tương đồng làm chuẩn. Có những đoạn tôi hiểu thì gạch ở phần dưới. Những đoạn hiểu hơi mập mờ thì cũng gạch nhưng thêm dấu hỏi (?) còn những đoạn không hiểu thì không dám nghĩ bàn và phải chờ thời gian. Vì vậy những đoạn không hiểu thì không thể nói đúng hay sai. Bởi vì kinh sách một chữ có rất nhiều nghĩa sâu tiềm ẩn ở bên trong, không thể dùng ý thức mà đo lường được. Những người học thiền thường lấy kinh sách do những người đi trước để lại mà đối chứng những sự hiểu biết của mình tức là sự khế hợp tư tưởng.

THIỆN VÀ ÁC

Về mặt tinh thần thì tâm lý chúng ta luôn biến đổi theo trạng thái giữa hai bên như là thiện ác, đúng sai, phải quấy, tốt xấu. Nói tóm lại cái gì có hai bên là chúng ta còn kẹt. Trong chúng ta những cái thiện cái ác luôn sẵn có tự bao giờ. Những cái suy nghĩ thiện ác là những dòng luôn biến đổi. Có lúc chúng ta suy nghĩ thiện, có lúc suy nghĩ ác. Có lúc ta làm điều thiện, có lúc làm điều ác. Cái thiện sẽ được dấy lên khi nhìn những cảnh thương tâm như là nhà cháy, lũ lụt, người khốn khổ, người nghèo… Cái ác sẽ được dấy lên khi có người xúc phạm đến quyền lợi, danh dự, tiền bạc, lòng tham và ích kỷ. Nói đến thiện và ác, theo quan điểm của tôi là nghĩ ác không nghĩ, việc ác không làm. Làm điều thiện rồi bỏ thiện, bởi chúng ta còn nghĩ đến thiện thì còn nuôi dưỡng cái mầm ác. Thí dụ như nếu ta giúp đỡ ai đó, mà nếu chẳng may vì một nghịch cảnh nào mà người thọ ơn bổng trở mặt thì ta sẽ nhớ đến cái thiện mà người đó đã thọ ơn mình, lúc đó cái ác sẽ trỗi dậy ngay. Vì vậy “còn chấp thiện sẽ thành ác.”

Sunday, June 15, 2008

NGUYÊN NHÂN PHẢN ỨNG TIÊU CỰC

- Theo bản năng tự nhiên, không hài lòng là phản ứng ngay, bởi gốc của nó là tham, sân, si.
- Không muốn người khác làm trái ý mình.
- Không nhận ra cái sai của mình mà luôn thấy mình là đúng.
- Không thấy được sự yếu kém của mình mà luôn thấy mình là hay.
- Thiếu ý thức về quan điểm đúng sai.’
- Chấp vào tiếng nói thì sanh phiền não.
- Chấp vào cảnh vật sanh tâm phân biệt.
- Mong cầu mà không được toại nguyện.

Nguyên nhân thì có rất nhiều nhưng chung quy chỉ có một

Bởi chúng ta:
CHẤP VÀO SỰ VẬT LÀ THẬT

Tóm tắt:

NGOẠI CẢNH VÀ NỘI TÂM: Ngoại cảnh tác động => Ý khởi => Khí chuyển => Hình động
Khi chúng ta khởi lên một ý niệm, chấp vào một sự vật thì khí chuyển. Khí chuyển sẽ tác động vào hệ thần kinh trung ương thì hình động.
Khí chuyển: khí này được tác động bởi hệ thống giác quan.
Hình động: bởi não bộ và hệ thần kinh trung ương.

Hệ thống giác quan gồm có 6:
Mắt: nhìn cảnh vật chấp vào cũ, mới, xấu, đẹp rồi sanh ra khen chê.
Tai: nghe tiếng chấp đúng sai, hay dở.
Mũi: ngửi mùi chấp thơm hôi.
Lưỡi: nếm vào chấp ngon dở sanh khen chê.
Xúc: chạm vào gây đau đớn hoặc dễ chịu.
Ý: mong cầu không được toại nguyện gây phiền não.

Vì vậy 6 trần cảnh bên ngoài tác động vào 6 căn bên trong sanh ra 6 thức phân biệt. Căn ở đây phải nói rõ hơn là não bộ, là tâm. Não bộ là nơi tiếp nhận, xử lý và tàng trữ thông tin bên ngoài đưa vào. Sáu trần tác động vào 6 căn, nếu chúng ta biết xử lý, biết suy nghĩ, biết quan sát bằng cái tâm không kẹt phân biệt trong đối đãi, không kẹt giữa hai bên thì tâm chúng ta bình. Chúng ta không kẹt, không dính, không mắc thì lục thông. Còn kẹt, còn dính, còn mắc thì lục tặc.

PHẢN ỨNG

PHẢN ỨNG TRONG PHÂN BIỆT
Trong công việc hằng ngày của chúng ta có những chuyện cần sự giúp đỡ của người khác. Có thể chúng ta nhờ những đứa con làm những công việc như nấu cơm, rửa chén, quét nhà, giặt đồ hay phụ giúp các việc linh tinh khác. Mà nếu chẳng may công việc làm không trọn vẹn, như lỡ làm bể cái chén, nấu cơm khét, quét nhà không sạch, giặt đồ không sạch thì chúng ta thường hay rầy la trong cơn nóng giận (tức là phản ứng tiêu cực) chứ chúng ta chưa có thật sự là dạy dỗ. Thử hỏi nếu chính chúng ta làm như thế thì ai rầy la ta hoặc là bạn mình, hay cha mẹ mình lỡ làm như thế thì mình có dám rầy la lớn tiếng hay không? Vì vậy cùng một sự việc mà sự phản ứng của chúng ta còn trong phân biệt. Chúng ta sợ bạn mình buồn, sợ cha mẹ mình buồn mà không dám phản ứng trong nội tâm. Vậy mà chúng ta quên rằng con mình cũng biết buồn. Trong sự phản ứng của ta nếu chẳng may gặp đứa ngỗ nghịch hay là lúc đó tâm lý bất an thì mọi việc thêm rắc rối và gây mất hòa khí của gia đình.

PHẢN ỨNG VÔ PHÂN BIỆT
Như đã nói ở trên, nếu chúng ta quan niệm rằng người lỡ làm cũng như mình lỡ làm thì mọi việc đều êm. Không phân biệt giữa mình với người. Mà đã không phân biệt thì không có phản ứng. Nếu có phản ứng thì trong tích cực vui vẻ chấp nhận chuyện xảy ra. Tâm trí ta được thanh thản nhẹ nhàng.

KHÔNG HÀI LÒNG, KHÔNG PHẢN ỨNG
Trên thực tế không hẳn không hài lòng đều có phản ứng. Có những lý do dẫn đến không có phản ứng. Chẳng hạn sự nhẫn nhịn và chịu đựng trong bực tức mà không dám nói ra. Vì muốn giữ gia đình được yên nên không phản ứng ngay chứ thật ra là đã có phản ứng rồi. Cố đè nén để không bộc lộ ra ngoài là sự ức chế tâm lý. Cố đè nén cũng không phải cách. Nếu như nhận thấy những khuyết điểm để cùng nhau thấu hiểu đúng sai thì chắc chắn gia đình rất hạnh phúc. Không hài lòng mà không phản ứng ngay cũng là điều tốt. Không phản ứng mà vẫn bị ức chế tâm lý thì vẫn là tiêu cực. Im lặng mà còn bực tức, nhẫn nhịn mà còn giận hờn, chịu đựng mà cố đè nén thì không phải là cách.

Sunday, June 1, 2008

NGOẠI CẢNH VÀ NỘI TÂM

Ngoại cảnh chi phối tinh thần. Nội tâm vọng tưởng triền miên. Ngoại cảnh tác động nội tâm. Nội tâm chạy theo ngoại cảnh. Cuộc sống hằng ngày là sự tiếp xúc giữa cá nhân và cá nhân. Trong giao tiếp có sự hài lòng và không hài lòng. Sự không hài lòng sẽ sinh ra phản ứng.
Không hài lòng => Phản ứng
Sự phản ứng nếu kém tế nhị và cộng thêm nóng giận dễ làm cho mọi việc thêm rắc rối, chẳng giải quyết được gì mà còn gây thêm bất hòa. Đó là phản ứng tiêu cực.
Không hài lòng => Phản ứng => Tiêu cực
Và ngược lại, nếu chúng ta xử trí tế nhị hơn, giảm cơn nóng giận thì sẽ xử trí mọi việc tốt đẹp hơn, kết quả tốt hơn.
Không hài lòng => Phản ứng => Tích cực
Nếu như chúng ta có được một nụ cười trước khi cơn giận đến thì mọi việc tốt đẹp biết bao nhiêu. “Hãy nhẫn nại ôn hòa” là một thái độ nghe rất hay nhưng khi tức giận khó thực hiện. Bởi khi đã tức giận rồi thì khó mà ôn hòa và nhẫn nại. Chỉ khi nào nhận ra được sự tức giận thì mới có nhẫn nại ôn hòa.
Trên thực tế không hẳn không hài lòng mới sinh ra phản ứng mà hài lòng cũng sinh ra phản ứng. Thí dụ như là trúng số, người thân lâu ngày mới gặp, nghe một câu chuyện hay, một câu nói hay mà mình tâm đắc, tất cả đều có phản ứng. Chỉ khác nhau ở chỗ thô và tế, tiêu cực hoặc tích cực mà thôi.

SÓNG VÀ BIỂN

Ý dụ cho sóng
Tâm dụ cho biển
Nếu như sóng và biển là hai thì tâm còn loạn động. Sóng không rời biển cũng như biển không rời sóng, chỉ cần sóng dừng là thấy biển. Cũng như tâm hết vọng thì chân hiện. Không kẹt đối đãi giữa hai bên. Trong không khởi, ngoài không nhiễm. Trở về tâm không tròn sáng lặng lẽ. Tâm không là tâm không chất chứa một sự vật chứ không phải là không có tâm. Đến chỗ tâm không thì chân hiện. Tâm bình thì thiên hạ thái bình. Tuy nhiên trong cuộc sống thường hằng của chúng ta muốn đạt đến chỗ tâm không không phải dễ. Bởi vì tâm của chúng ta thường là vọng, là tưởng, là ảo. Nói tóm lại còn quá nhiều tạp niệm, mà muốn khắc phục tạp niệm thì chúng ta phải có phương pháp. Chỉ có con đường của thiền là con đường duy nhất để chúng ta điều phục thân tâm.