Thursday, April 12, 2012

ĐỪNG RƠI VÀO MA NGHIỆP

Thích Thái Hòa

(TG&DT) - Tôn giáo không thể nào tự có, nếu con người không có niềm tin. Và Tôn giáo không thể nào chân chính, khi viện dẫn những quyền lực siêu nhiên để khủng bố con người và vinh danh Thần linh để giết hại con người và muôn thú.

Tôn giáo nào không bảo vệ và tôn trọng sự sống của con người và chúng sinh, mà trái lại khủng bố con người và giết người hàng loạt để vinh danh Thần linh, thì Tôn giáo ấy không phải là Tôn giáo của con người và chúng sinh; hoặc khi vị giáo chủ của Tôn giáo ấy ra đời, mà những tín đồ phụng thờ vị giáo chủ ấy, giết hại chúng sinh để hiến tế hay ăn mừng, thì Tôn giáo ấy cũng không phải là Tôn giáo của con người và cũng không có ân đức gì với chúng sinh khi vị ấy xuất hiện. Tôn giáo ấy chỉ là Tôn giáo của những kẻ thiếu nhân văn và cuồng tín.

Nó trở thành độc hại, cản trở bước tiến của thế giới con người về nơi chân thiện và vị tha. Đức tin cuồng tín và mù quáng thường dẫn sinh bạo động và chiến tranh.

Lịch sử của xã hội nhân loại đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ điều ấy. Những kẻ kinh doanh Tôn giáo xưa và nay, đều lợi dụng đức tin mù quáng và yếu hèn của tín đồ, để ru ngủ và mê hoặc bởi những điều hứa hẹn mơ hồ, huyễn hoặc, nhằm kiếm lợi nhuận hay kích động những tính chất bạo động nơi những người có đức tin Tôn giáo mù quáng, tạo nên những chiến tranh dân tộc, thuộc địa, ý thức hệ hay tín điều mà thủ lợi không phải là những người cầm súng ra chiến trường hay là những người tiêu thụ súng đạn, mà nơi những nhà chủ trương sản xuất súng đạn và cổ vũ chiến tranh dưới nhiều hình thức và danh nghĩa khác nhau để có lợi nhuận và quyền uy.

Triết học cũng không thể nào tự có, nếu con người không có tư duy. Nhưng những tư duy sai lầm, sẽ tạo thành một hệ thống triết học dẫn xã hội con người đến chỗ phá sản tri thức và nhân tính.

Người dân chất phác, những tư duy của họ chỉ nghĩ về cơm ăn áo mặc, nhà ở mà họ không có hệ thống triết học lý luận cho họ về nhà ở, áo mặc và cơm ăn. Vì vậy, ai cho họ nhà ở thì họ theo, ai cho họ cơm ăn, áo mặc thì họ cúi đầu và ai cho họ niềm tin thì họ thờ phụng.

Nhưng, người có lương tâm, thì không nên sử dụng những phương tiện cơm ăn, áo mặc, nhà ở, niềm tin mù quáng để dụ dỗ và mê hoặc lòng họ. Nói dối với trẻ thơ, thì tội lỗi gấp mười lần so với nói dối với người lớn! Và nói dối với nhân loại thì tội lỗi tăng lên gấp cả triệu lần so với sự tự lừa dối chính mình.

Và sự tự lừa dối chính mình, thì không có bất cứ khả năng nào để có thể tự cứu rỗi và cũng không ai có thể cứu rỗi nổi người tự lừa dối.

Văn hóa, học thuật và nghệ thuật cũng có gốc rễ từ nơi tư duy của con người. Tư duy sai lạc, thì văn hóa, học thuật, nghệ thuật biểu hiện từ tư duy ấy cũng chỉ là những sản phẩm phù phiếm, nửa vời, như những người ngồi bên nầy bán cầu mà khen ngợi hay chỉ trích những gì đang diễn ra ở bên kia bán cầu!

Những người ở bên nầy bán cầu chỉ trích hay khen ngợi những gì đang xảy ra ở bên kia bán cầu, họ nào đâu có biết là ở bên kia bán cầu đang sinh hoạt trong những thời điểm và những tư duy mà những múi giờ chuyển động của địa cầu đang hoàn toàn chênh lệch và trái ngược, vì vậy mà bên nầy mọi người đang ngủ thì bên kia mọi người đang thức, người đang thức có thể nói gì với người đang ngủ và người đang ngủ nghe và hiểu được gì từ những ngôn ngữ hay ý tứ của người đang thức!

Con người không có tư duy, thì chẳng có gì để gọi là văn hóa, học thuật và nghệ thuật cả.

Người có tư duy hữu ngã và ích kỷ, thường muốn đem tư duy của mình áp đặt lên tư duy của người khác và buộc người khác đi theo hướng tư duy của mình. Họ biến con người trở thành những con bò và họ tự biến họ trở thành những kẻ chăn bò và họ là kẻ chăn bò cho một người chủ duy nhất do họ tưởng tượng.

Tưởng tưởng về một ông chủ hay một bản ngã sẽ đưa con người đi tới với đời sống của tham lam, thù hận, bạo động, chiến tranh, thất vọng và khổ đau. Đây là chân lý, vì nó không riêng gì cho người bên này bán cầu hay bên kia bán cầu. Không riêng gì cho người có Tôn giáo hay không Tôn giáo. Không riêng gì cho người xưa hay người nay và không riêng gì cho kẻ trí thức hay người mông muội.

Hễ đứng ở đâu, ở thời điểm nào mà có tư duy hữu ngã và ích kỷ, thì có lòng tham, có sự sân hận, có mù quáng và nhất định chúng sẽ dẫn sinh tranh cãi, bạo động, chiến tranh, sợ hãi, thất vọng và khổ đau.

Nên, tư duy hữu ngã, sẽ tao ra nền văn hóa hữu ngã. Văn hóa hữu ngã chỉ là văn hóa của chiến tranh, mọi học thuật đi từ hữu ngã là để đầu độc thực hiện chiến tranh và mọi nghệ thuật đi từ hữu ngã chỉ là để kích động chiến tranh, nên khổ đau xẩy ra là điều tất yếu, không có gì để cho ta ngạc nhiên.

Ở nơi nào có “tự ngã” ở nơi đó có hận thù và chiến tranh. Hòa bình không bao giờ có mặt ở nơi những Tôn giáo hay nơi những nền văn hóa giáo dục, nghệ thuật, âm nhạc đề cao tự ngã với những tham vọng quyền năng, gom thu hết cả muôn dân về một đầu mối.

Bản chất của lòng tham là xấu và nó là thuộc tính tạo nên tội lỗi. Lòng tham càng lớn thì tính xấu càng nhiều và thủ đoạn càng lắm, cho dù nó có khoác lên bất cứ hình thức áo mão hay ngôn ngữ diễm lệ hoặc ca nhạc thánh thần nào.

Lòng tham là nguồn gốc của mọi tội lỗi và là nơi cất chứa của mọi thù hận và mù quáng! Phụng thờ và khiếp nhược trước thần linh, không phải là đi từ tính cách lễ phép của con người, mà đi từ nơi tính chất hèn yếu, ích kỷ và tham lam của nó.

Con người càng ích kỷ, thì họ càng đam mê thần linh và họ muốn vay mượn thần linh để thỏa mãn những nhu cầu ích kỷ của họ. Nhưng không có thần linh nào ở trên trời hay ở dưới đất có thể đáp ứng nổi lòng tham của con người. Con người có thể yếu đuối về thể chất, nhưng lòng tham của họ lại mãnh liệt và dẻo dai vô cực.

Thần linh thì không làm cho ai mê muội, nhưng mê muội là do tính ích kỷ nơi con người đối với thần linh. Thần linh là sự linh thiêng, trong sáng và linh hoạt của tinh thần. Thần linh như thế ai cũng có, loài nào cũng có và ngay cả nơi muôn vật cỏ cây cũng đều có. Có mà không có khả năng biểu hiện là do tính tham dục nơi tâm con người và chúng sinh hay do tính chất tiếp nhận hỗn tạp thiếu gạn lọc từ nơi các lưu mạch của mọi sự hiện hữu.

Người đệ tử của Phật, có ba pháp hành cần phải thực tập mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày để lọc đi những tạp nhiễm của thân tâm, khiến cho nguồn mạch sáng trong, linh tâm tinh duệ. Ba pháp hành ấy chính là Văn Tư Tu.

Văn là lắng nghe, để lọc những gì tạp nhiễm do nghe đem lại, khiến cho tâm không bị ô nhiễm bởi nghe. Ta thực tập hạnh lắng nghe như vậy, nhuần nhuyễn, tuệ giác sẽ sinh khởi trong đời sống của ta. Tuệ giác sinh khởi từ hạnh lắng nghe như vậy, gọi là văn tuệ.

Tư là chiêm nghiệm sau khi nghe, sau khi thấy và sau khi các quan năng tiếp xúc với các đối tượng, ta thấy điều gì có khả năng đem lại lợi ích thiết thực cho sự thực tập đời sống giải thoát, giác ngộ cho ta, cho người, cho đời nầy và đời sau, thì ta chọn lấy để thực tập, và nếu sau khi chiêm nghiệm, thấy nó phù hợp với thời cuộc và tương ưng với ngũ dục mà không lợi ích gì cho sự thực tập đời sống giải thoát, giác ngộ cho mình, cho người, cho đời nầy và đời sau, thì mình dứt khoát không làm. Tuệ giác sinh khởi từ hạnh chiêm nghiệm hay tư duy như vậy, gọi là tư tuệ.

Tu là ứng dụng những gì mình đã quyết tâm lựa chọn, sau khi đã trải qua hạnh lắng nghe và hạnh chiêm nghiệm. Tuệ giác sinh khởi từ sự tu tập, ứng dụng gọi là tu tuệ.

Thực tập các pháp môn Văn Tư Tu như thế mỗi ngày, tuệ giác ở nơi đời sống của ta sẽ phát sinh và tâm khoan dung độ lượng, không kỳ thị nơi ta cũng từ đó mà sinh khởi.

Bấy giờ, tâm ta tuy độ lượng, nhưng không để cho bất cứ ai lợi dụng tâm độ lượng của ta, mà làm những công việc phi độ lượng, ấy mới gọi là phẩm chất độ lượng do thực hành pháp môn Văn Tư Tu tựu thành; bấy giờ tâm ta tuy khoan dung, nhưng không để cho bất cứ ai lợi dụng tâm khoan dung của ta, để làm những công việc phi khoan dung, hại mình, hại người, ấy mới gọi là phẩm chất khoan dung do thực hành pháp môn Văn Tư Tu tựu thành; bấy giờ tâm ta tuy không phân biệt kỳ thị, nhưng ta thấy nhân quả không sai, chân ngụy rõ ràng, chính tà phân minh, thiện ác không xen tạp, khiến cho bất cứ ai không thể lợi dụng sự không kỳ thị phân biệt của ta, để làm những công việc kỳ thị phân biệt, ấy mới gọi là không kỳ thị phân biệt, do thực hành pháp môn Văn Tư Tu tựu thành.

Nếu thiếu sự thực tập miên mật đối với pháp môn Văn Tư Tu hay Chính Niệm Tỉnh Giác, thì tà niệm khởi sinh, khiến cho mọi việc làm hay sự tu tập của ta đều rơi vào tình trạng “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, hay như công án của một Thiền Sư đã nêu lên từ xưa để cảnh giác chúng ta “Đầu lọt, bụng lọt, đuôi không lọt”.

Vì vậy, chúng ta phải cẩn mật tu hành, luôn tỉnh giác đối với thân, thọ, tâm và pháp, qua các quan năng nhận thức, đừng lạm dụng ngôn từ, đừng lạm dụng các phương tiện tùy duyên hay ngoại giao, để rồi tự lừa dối chính mình mà rơi vào ma nghiệp!

Sunday, April 8, 2012

CÔNG ĐỨC CŨNG PHẢI HƠN NGƯỜI


Đã đến đền, chùa là phải làm công đức. Nhiều người đã có suy nghĩ như vậy. Thậm chí, theo một nhà nghiên cứu, có người khi được hỏi còn thốt lên: “Không công đức thì sợ thánh vật!”. Ngoài ra, còn có tâm lý đua tranh, thấy người ta công đức một, thì mình phải gấp đôi hoặc gấp ba.

Từ chuyện hiểu sai ý nghĩa thực sự của việc làm thiện nguyện này, nhiều hệ quả đáng tiếc đã xảy ra. Những ngày lễ, tết, tiền lẻ đặt giọt dầu vung khắp nơi. Làm công đức, nhưng lại muốn lưu danh trên “bảng vàng” là các tấm bia đá, lại có giấy chứng nhận tên tuổi cùng số tiền đã đóng góp.

Tréo ngoe đồ công quả

Bên cạnh việc công đức bằng tiền, nhiều nhà hảo tâm có thành ý tặng đền, chùa những đồ thờ cúng, hoành phi, câu đối... nhất là những đền chùa trong quá trình tu bổ. Tuy nhiên, vì nhiều ban quản lý chùa cũng như một số sư trụ trì không đưa ra yêu cầu về niêm luật, quy định, nên nhiều khi đồ cống tiến lại... dở khóc dở cười. Có những người tặng nghê, sư tử đá... cho chùa. Có chùa còn được tặng rất nhiều cây bonsai, ghế đá chi chít chữ quảng cáo cho doanh nghiệp, những đôi lục bình khổng lồ, rất kệch cỡm. Không ít phật tử từng choáng khi nhìn thấy đèn chùm phương Tây tại gian thờ Phật Quan Âm ở chùa Một Cột (Hà Nội), không liên quan cả về kiến trúc và văn hóa. Hỏi ra mới biết, không chỉ có một chùm, mà tới 5 chùm đèn như thế, do một phật tử dâng tặng.

Có đền lại được dân cung tiến rất nhiều vải, dẫn đến thừa mứa, không biết xử lý ra sao, đành chia nhỏ để phát cho khách thập phương, coi như lộc Thánh. Việc tiếp nhận đồ công quả không theo nguyên tắc đã phá vỡ hệ thống bài trí trong nội tự của di tích, khuôn viên. Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã chỉ ra rằng ở một số địa phương xảy ra hiện tượng nhiều nhà chùa, thủ nhang sửa đền, chùa đã được xếp hạng, mua sắm đồ thờ tự, tượng phật để mang vào di tích, từ đó dẫn đến sự biến dạng một số hạng mục của những di tích này. Cụ thể là: xây mới nhà 5 gian tại Lăng mẫu Liễu Hạnh (Phủ Dày - Nam Định), đặt tượng nghê đá tại Đền Gióng (Sóc Sơn - Hà Nội), dựng bia công đức trên lưng Rùa tại chùa Keo (Thái Bình), xây mới nhà trên đường xuống hang Cắc Cớ (Chùa Thầy - Hà Nội)…

PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, nhận định: Theo truyền thống, nếu đền, chùa cần được cung tiến hiện vật, chủ sở hữu, sư trụ trì... đều biết mình cần gì, họ sẽ loan báo trong cộng đồng. Người muốn cung tiến phải xin phép làng, nếu được đồng ý thì mới cung tiến và quá trình đóng góp đó có sự giám sát hết sức chặt chẽ của Ban quản lí di tích. Nhờ vậy, đồ tiến cúng theo đúng nhu cầu của đền, chùa, miếu mạo, không xảy ra chuyện sai khuôn mẫu văn hóa, nghi thức, cũng không bị thừa. Ông Quang cũng cho hay, người cung tiến trước đây hiểu rõ mình được những quyền lợi gì về tinh thần và hiểu tích đức phải thầm lặng, không được kể công, không được trương tên ra. “Có vẻ như ngày nay, ở một đôi chỗ, người làm công quả lại có quyền lớn hơn, có cảm giác như họ đang ban phát, tài trợ lại cho nhà đền”, ông Quang nhận xét.

Công đức cũng phải đúng cách

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: Chúng ta đang bị thiếu nghiêm trọng hiểu biết nghi thức truyền thống, bởi không được thực hành sau mấy chục năm trời cấm đoán vì cho đó là mê tín dị đoan. Cũng vì vậy, đến khi thay đổi chính sách, dù trăm hoa đua nở, nhưng đa số đều không nắm bắt các khuôn mẫu truyền thống, nên hành xử không theo cách nào cả. Ông nhấn mạnh, không chỉ cần thiết nâng cao hiểu biết của dân trí, mà cả “quan trí” nữa.

Trong khi đó, khía cạnh thế tục đang can thiệp vào quá lớn, khiến ý nghĩa nhân văn, đạo đức phai nhạt dần. Theo một thống kê không chính thức, trong số những người làm công đức, nhiều nhất là các tiểu thương, kế đến là doanh nghiệp, dân trung lưu đô thị, cán bộ công chức. Nhiều người thực hiện các nghi lễ tôn giáo theo tâm lý bầy đàn, đua tranh. Lợi dụng tâm lý đó của người đi lễ, nhiều nhà đền, nhà chùa coi di tích như một cỗ máy hái ra tiền. Một số BTC lễ hội lại đi xin tài trợ dựa trên nền tảng công đức, dẫn đến ý nghĩa của việc làm này bị biến chất. Một quan chức ngành văn hóa đã phải lên tiếng cảnh báo: Có ngôi chùa như một “công ty cúng bái”! Bộ trưởng Bộ VH- TT-DL Hoàng Tuấn Anh từng khẳng định: “Ở những nơi linh thiêng như đền chùa mà tồn tại tiêu cực thì đó là điều không chấp nhận được!”.

SỐNG ĐƠN GIẢN


Hoàng Phước Đại

Một thiền sư nổi tiếng người Việt Nam, kể lại câu chuyện về ý thức bảo vệ thiên nhiên của người dân tộc mà ông có dịp tiếp xúc.

Câu chuyện đại ý như sau:

Năm 1951, thiền sư đi cùng vài tu sĩ đến một ngọn núi xa xôi ở khu vực Đại Lào, thuộc tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam để xây dựng trung tâm thiền định. Vì không quen thuộc địa hình và công việc liên quan đến xây dựng thiền viện nên thiền sư đã nhờ một số người dân tộc giúp đỡ. Người dân tộc được thuê làm việc rất chăm chỉ. Nhà sư rất biết ơn về sự trợ giúp của họ. Nhưng sau khi làm việc được ba ngày, họ không đến nữa. Vì không có sự giúp đỡ của họ, công việc xây dựng bị ngừng trệ. Thiền sư đi tìm gặp và hỏi tại sao họ không đến giúp. Họ nói: "Tại sao chúng tôi phải quay lại làm sớm như vậy? Các thầy đã trả đủ tiền để chúng tôi sống trong một tháng rồi. Chúng tôi sẽ trở lại khi chúng tôi hết tiền mua gạo".

Nhiều người chỉ trích tập tục này của người dân tộc. Họ nói rằng người dân tộc rất lười biếng. Họ cho rằng người dân tộc sẽ sống cuộc sống hạnh phúc và thoải mái hơn người xuôi nếu họ chăm chỉ làm việc. Nhưng thiền sư lại đánh giá cao sự khôn ngoan của người dân tộc. Đó là lối sống trí tuệ, hơn hẳn quan điểm về cuộc sống của người văn minh đang đắm mình trong cuộc sống hiện đại và kinh tế tăng trưởng.

Người Thượng sống đơn giản. Họ không lưu trữ nhiều thức ăn, không có ngân hàng tài khoản. Nhưng họ có nhiều hơn sự thanh thản và bình an. Trong khi đó, chúng ta đã phải lao tâm khổ tứ để tìm kiếm hạnh phúc và tiện nghi hưởng thụ. Một số người luôn nghĩ rằng họ cần nhiều nhà, nhiều đất đai - một cái ở thành phố để đi làm, một cái ở thôn quê để nghĩ dưỡng và vài miếng đất để phòng thân. Trong thực tế, nếu sở hữu một ngôi nhà sang trọng, chúng ta cũng hiếm có thời gian để thưởng thức chúng. Ngay cả khi có thời gian, nhiều người lại không biết cách làm thế nào để ngồi thanh thản. Một số người luôn luôn tự tìm phút giây thanh thản thông qua những cuộc vui ở nhà hàng, nhà hát, hoặc bên bữa ăn tối, kỳ nghỉ nhưng thực tế lại làm cho mình mệt mỏi nhiều hơn.

Ngày nay, chúng ta đi đến một quán cà phê chỉ vì buồn, hoặc vì công việc, dự án kinh doanh, chứ không phải để cảm nhận bản thân mình. Chúng ta sở hữu một căn nhà hầu như không có thời gian để sống trong đó. Chúng ta rời khỏi nhà vào buổi sáng sớm sau một bữa ăn nhanh chóng và vội vã đến nơi làm việc. Sau đó, bạn trở về nhà mệt mỏi, ăn tối, xem tin tức, lên giường ngủ để ngày mai có thể dậy sớm làm việc. Trong khi đó, những người dân tộc bằng lòng sống trong căn nhà tre đơn giản, những túp lều lá cọ và giặt quần áo bằng tay. Họ từ chối nô lệ kinh tế. Họ sống đơn sơ, nhưng không phải dành thời gian, tiền bạc để đi khám những căn bệnh liên quan đến stress.

Người dân tộc trồng thực phẩm cho gia đình và trao đổi với người khác. Người dân tộc không làm tổn hại đến thiên nhiên. Họ sử dụng lượng gỗ đủ để xây dựng nhà ở, khai phá đủ quỹ đất để trồng cây. Bởi lối sống đơn giản, họ đã không tàn phá tài nguyên thiên nhiên, không gây ô nhiễm không khí, nước và đất. Việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên đều bị dân làng phạt thông qua các quy định của buôn làng. Ngày này, người hiện đại cũng phải biết học nét đẹp từ người dân tộc.

Chúng ta luôn nghĩ cách làm giàu và tiêu thụ cho bản thân nhưng không nghĩ đến những thiệt hại về môi trường. Chúng ta đang đi trên một con thuyền của hành tinh. Nếu không cố gắng giúp đỡ con thuyền đó, thì chúng ta cũng sẽ bị nhấn chìm bởi nạn hồng thủy, bão tố.

Tăng trưởng kinh tế là cần thiết để đem lại phúc lợi cho người dân, nhưng tăng trường tỷ lệ quá mức so với tỷ lệ hủy diệt môi trường đồng nghĩa với thất bại. Chúng ta là một phần của thiên nhiên, làm hại đến thiên nhiên có nghĩa là làm hại đến bản thân.

THẦY CÚNG LÊN NGÔI, PHƯƠNG TIỆN ĐỘ SANH BỊ LỢI DỤNG ĐỂ KIẾM TIỀN


Trong Phật giáo không có thầy cúng, nhưng do trong quá trình du nhập vào một vùng mới, vì tính dung hoà và giản dị, Phật giáo đã chấp nhận những hình thức cúng bái ngẫu tượng và phong tục thờ cúng địa phương, vì thế những loại hình cúng bái do nhu cầu xã hội bắt đầu bén rễ.

Thầy cúng mượn nhiều hình thức để thu hút sự chú ý và mở rộng dịch vụ tín ngưỡng thờ cúng và phương thức sinh nhai của mình một cách hiệu quả hơn, nên đã bỏ quên và bất chấp sự suy thoái đạo đức và tinh thần xuất gia giải thoát của một tu sĩ. Trong đó có nhiều hạng thầy cúng mang hình thức một tín ngưỡng địa phưong, hay của một tôn giáo khác, trong đó điển hình là của Phật giáo và Đạo giáo.

Trong nhiều thời kì đen tối của Phật giáo thì cũng do thầy cúng gây ra, khi họ đã đưa hình thức cúng vái vào công việc tâm linh để vận hành thế giới của họ thì sự đảo lộn xã hội là một điều chắc chắn, đạo đức cũng từ đó suy đồi, vì bản thân của sự cúng vái không giải quyết một sự thật nào cả, mặt dù có khi được xem là một hình thức nghi lễ tôn giáo hay an ủi người sống, tất cả điều bị lầm lẫn, lầm lẫn ở đây là vô tình đẩy xã hội rơi vào tay của tà giáo. Mà như chúng ta biết, ngày xưa khi xã hộị và trật tự xã hội bị rơi vào tà giáo thì kết quả xã hội ấy đầy thảm hại, mà con người trong xã hội ấy muốn vựt dậy cũng khó.

Hiện nay, thầy cúng hầu hết họ đều tập trung ở đô thị mà chẳng thèm đến vùng nông thôn nghèo khó, vì ở đó không có ai mời cúng. Đồng thời khi xã hội được bày biện bởi sự cúng cấp thì cũng sinh ra nhu cầu của nó, vì thế xã hội cũng chỉ cần thầy cúng là đủ. Vì vậy vai trò của chánh giáo dễ bị đánh tráo, hiểu nhầm và dễ bị kẻ lợi dụng gây tai hại cho xã hội và cho Phật giáo. Hãy nhìn vào Phật giáo Hàn quốc là một ví dụ điển hình, Phật giáo chính thống không đủ sức mạnh để đẩy lùi lực lượng thầy cúng ở đây, đã có gia đình và mọc rễ trong cảnh chùa chiền.

Hơn thế  nữa, hầu hết những chức sắc tôn giáo đều do họ  nắm giữ, bởi những lí do rất đơn giản mà  xã hội đã tạo nên, đó là giàu có về  tiền bạc, sở hữu về vật chất, truyền bá mê tín và những trang phục đắt tiền. Ngoài ra cũng hơn 90% chùa chiền đều do họ nắm giữ cương vị trú trì, để dễ dàng hoạt động phục vụ tín ngưỡng cúng vái.

Ở trong chùa, một tu sĩ mới nhập môn cần phải trải qua các thời kì  đi cúng, đến nỗi không cần học cũng biết nghề, vì sự lập đi lập lại quá nhiều, đến nỗi không còn thời gian để tu học và thực hành. Rồi từ đó họ nghĩ rằng đi cúng cũng là một cách hành trì. Thật nguy hại hết sức.

Thế  rồi Giáo hội khi cần đến cơ sở hạ  tầng để phục vụ cho giáo dục thì hỡi ôi không còn cơ sở nữa, mà muốn có cơ  sở mới thì không đơn giản tí nào. Một cơ sở Giáo hội do bởi một lí do khách quan tạo thành một ngôi chùa, thì từ đó không còn cơ hội để trở lại mục đích ban đầu mà trở thành một trung tâm phục vụ việc cúng vái, chánh điện làm nơi thờ các loại hình tín ngưỡng dân gian, nhà linh nhà cốt ngênh ngang, suốt ngày pháp hội, chẳng thấy một từ giáo lí, mặt dù đọc trong bài cúng thì ngôn từ bằng chữ tàu dù có ngụ ý Phật pháp cũng chỉ là bài ca bài thán sơ sài.

Lại nữa, khi xã hội được vận hành bởi mục đích vật chất thì sức mạnh của nó là tiền bạc, những thứ này vốn tự con người tạo ra chứ  không có tội gì cả, là phương tiện trao đổi, thể hiện tính văn minh của con người, thế nhưng nếu không biết cách sử dụng vật chất và tiền bạc, con người sẽ trở thành kẻ nô lệ. Trong bất cứ môi trường nào, kể cả trong tôn giáo, khi thầy cúng đã nắm toàn bộ cơ sở  vật chất, có sức mạnh về tiền bạc, có  chức có quyền thì dĩ nhiên sự điều hành của họ cũng theo thiên hướng cúng tế.

Một thực tế cho thấy, hầu hết các lễ hội trong Phật giáo đều một hình thức như nhau, thí dụ, một hội thảo khoa học cho Phật giáo hình thức chẳng khác mấy một đám tang của tu sĩ, hoặc một buổi lễ hội tín ngưỡng cũng chẳng khác mấy một lễ chẫn tế. Nội dung không có gì nêu bật ý nghĩa của tổ chức, ngược lại vai trò của “thầy cúng lên ngôi”. Vì trong chương trình của những buổi lễ này toàn là nghi với lễ, đón với rước, lọng che kèn trống om xòm. Mở đầu cho một buổi lễ như vậy bằng một lễ “hưng tác thượng đại tràng phan”, thì thật còn gì là một buổi hội thảo khoa học. Kết thúc chương trình là “đăng đàn chẩn tế”. Thử hỏi có ai đặt vấn đề này với Giáo hội với các chức sắc mà đã được gọi là “tôn sư”, nhưng thực tế họ là những “pháp sư” cúng dạo.

Một sự  thật cay đắng là khi đi tham dự lễ thì  cho dù là vị đó ở địa vị  nào cũng phải đến tham dự, hoặc bằng phương tiện tự túc, hoặc tập trung để cùng đi bằng phương tiện số đông, thế nhưng thầy cúng thì Giáo hội phải đón rước bằng xe hơi, đến từng chùa, lo tiếp  đón long trọng. Chờ cho những bậc thầy cúng này xong phần tiếp đón, vớ tất giày hia, mũ mão đường bệ, y áo gấm lụa, thừ thừ theo kèn trống rinh rang “quang lâm” thì cũng đã quá trưa, vừa mất thời gian, vừa tốn kém, vừa không có lợi gì cho việc tu tập giải thoát.

Trong thực tế, khi phát tâm xuất gia người tu sĩ Phật giáo mong muốn có được một cơ hội học hỏi và tu học cho mục đích giải thoát, thế nhưng do nhu cầu xã hội và hình thức cúng vái đã biến chuyển phẩm chất của họ, rồi họ bỏ học sang đi cúng, thấy lợi trước mắt chứ không thấy được giá trị của con đường giải thoát mà Đức Phật đã dạy. Có lúc không cần tu học mà bước vào con đường đi cúng lấy tiền, có lúc bỏ học để đi cúng, hoặc chuyển hẳn sang nghề đi cúng, nhưng họ không hề hay biết, hoặc không may mắn vào xuất gia với thấy cúng hoặc trong chùa chuyên đi cúng, vì vậy mục đích của họ dần dần bị biến tướng và quên hẳn lí tưởng giải thoát. Nhưng tệ hại nhất là hình thành một ý thức hệ đi cúng, có vai vế và có địa vị trong giáo hội tại địa phương. Đây là một trong những tai hại của Phật giáo, thậm chí làm cho vai trò tôn quí của sự giải thoát bị lu mờ, Phật giáo lâm vào cảnh thế tục hoá.

Sự lạm dụng hình thức cũng như các hoạt động của thầy cúng đã đi đến sự xáo trộn trật tự  trong Phật giáo. Việc đi cúng được họ gọi là làm Phật sự hay Pháp sự, đi cúng được cho là phương pháp hành, rồi từ đó chê bai hiềm khích tu sĩ biết học, biết tu và biết cố gắng bằng những ngôn từ miệt thị như “tiến sĩ” không bằng “tiến linh”, “đi tu không bằng đi cúng”… Còn trao đổi và nói chuyện thì ngôn ngữ của họ khỏi phải bàn…

Về từ  ngữ “thầy cúng”, Tự Điển Việt Nam của soạn giả Lê Ngọc Trụ giải thích là “tiếng gọi một cách mỉa mai những thầy chùa chuyên làm đám ăn tiền chứ không thiết gì đến kinh kệ, giáo lý nhà Phật”. Hiện nay thì số thầy cúng chiếm được chùa, cuộc sống hưởng thụ vật chất, trong lúc đó tu sĩ quan tâm đến đạo Pháp thì bị chèn ép, lại thiếu cơ sở để làm Phật sự. Thời gian dành cho việc tụng đọc kinh điển Phât giáo của những thầy cúng rất ít, họ toàn lợi dụng kinh điển của Đức Phật là “Phật sự siêu độ người chết”, cho rằng đây là Phật sự. Cho nên vừa nghe nói đến tiếng “Phật sự” là rất dễ sinh ra hiểu lầm. Những việc siêu độ vong linh này ở trong Phật giáo xuất hiện rất trễ ..., rất trễ, thời xưa ở Ấn Ðộ chẳng có, sau khi truyền đến Trung quốc, lúc ban đầu cũng chẳng có,, nhưng sau đó do ảnh hưởng Lão giáo mà phát triển và thịnh hành, rồi lan rộng sang Việt Nam.

Chúng ta cần nhận định rõ vấn đề này, bởi vì đây là một vai trò của Phật giáo, quyết không để mê tín tràn lan, vừa hại cho đạo mà cũng vừa ai cho đời. Một tu sĩ Phật giáo đã cạo bỏ râu tóc, mình mặc áo cà sa, là quyết định cuộc đời vì mục đích giải thoát và cứu độ chúng sinh, chứ không có hình thức mang hia đội mão, áo cà sa hoại sắc thô bố chứ không phải gấm tía hài son. Đừng ham danh lợi mà phải mượn nón này mũ nọ, hài son y tía, mà thu hút hoặc tô thêm uy nghi. Đức Phật dạy uy nghi có được là nhờ vào sự giữ gìn Giới luật, đức hạnh là nhờ vào sự trang nghiêm của hành vi đạo đức, chứ không có cái gì tô vẽ nên được.

Thiết nghĩ, Phật giáo vốn chẳng có những việc như thế, nhưng vì Đạo Phật là đạo từ bi, mà phương tiện để độ chúng sanh từ mê sang ngộ, mà Phật giáo từ buổi đầu đã chấp nhận những hình thức tín ngưỡng dân gian địa phương mà truyền bá chánh Pháp. Nhờ những hoạt động uyển chuyển như vậy mà Phật giáo dần dần dạy cho người dân biết được nhân quả, làm lành tránh dữ, ngõ hầu đem lại cuộc sống an lạc hạnh phúc cho người dân. Do đó, dù đạo Phật không chủ trương cúng bái, cầu xin, nhưng khi tới đại phương nào thì cũng tùy thuận chúng sinh mà làm lễ bái cho dân chúng, rồi sẽ nhân đó mà giảng giáo lý nhà Phật, rất minh bạch rõ ràng, rồi còn chỉ cho họ con đường đi đến giác ngộ giải thoát, và chứng đắt đồng với quả vị của Đức Phật.

Nhận thấy  đây là một vấn đề cần phải được xem xét, đề nghị Giáo hội cần phải rõ ràng trong vấn đề tu sĩ và thầy cúng, chớ có  lẫn lộn mà hại cho Phật giáo. Việc nghi lễ cũng là việc cần làm tuy nhiêm đừng để bị lạm dụng không những tai  hại cho Phật  giáo mà xã hội cũng bị ảnh hưởng lây. Cần phải đặt vai trò giáo dục Phật giáo và đào tạo Tăng tài, nâng cao vai trò ý thức việc đi cúng hoặc cấp phát chứng chỉ mới được đi cúng. Những cơ sở xưa là cơ sở của Giáo hội mà nay do các thầy cúng trú trì thì phải cần cử tu sĩ đến thay đổi hoặc làm các cơ sở phục vụ cho mục đích số đông. Việc làm cần thiết hơn nữa là cải cách nghi lễ, những yếu tố có thiên hướng đi xa với ý nghĩa thực tế thì bỏ, đưa các hình thức cầu nguyện đúng đắn.

LỢI DỤNG KHUNG CẢNH TRANG NGHIÊM CỦA NHÀ CHÙA BÁN PHẬT BẰNG NGỌC GIÁ... TRÊN TRỜI

Lợi dụng tâm lý tin vào sự may mắn nơi cửa Phật của khách thập phương, nhiều người lạm dụng khung cảnh trang nghiêm của nhà chùa để bán những vật phật phong thuỷ bằng ngọc, đá cẩm thạch, thạch anh... với giá cao để thu lời. 

Chi bạc triệu mua vòng ngọc chờ... kiểm định

Ngày rằm, tôi và cô bạn đến chùa Thiên Niên (đường lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội) vãn cảnh, đập vào mắt là cảnh tượng một đôi trai gái đang bày bán ngọc phong thuỷ ngay phía trong cổng chùa. Đồ nghề của họ chỉ là một chiếc bàn gỗ nhỏ và những món ngọc được bày bán trên đó. Người bán, kẻ mua tấp nập.

Thấy tôi ghé vào, người bán đon đả chào mời: "Mua lộc đầu năm đi em. Ngọc của chị bán có giấy kiểm định chất lượng đàng hoàng". Sau một hồi được đôi vợ chồng trẻ tư vấn, từng loại ngọc, hợp với từng mệnh, có khả năng chữa... bách bệnh, nhiều người đã không ngại móc hầu bao mua một vài món đồ phong thuỷ. Nhưng điều đáng nói, những món ngọc ấy được bán với giá "cắt cổ". Chỉ gần nửa tiếng đứng quan sát, tôi bắt gặp 4 vị khách đứng mua ngọc phong thuỷ. Nhẩm tính cũng lên tới hơn 20 triệu đồng.

Tôi quá ngạc nhiên và không thể mường tượng vì sao nhiều người lại có thể tiêu tiền không đắn đo. Anh Quang Minh (Ngã Tư Sở, Hà Nội) cầm trên tay 2 món ngọc với giá gần chục triệu đồng hớn hở nói: "Mua lộc ở chùa là may mắn nhất đấy. Ông Di lạc này tôi mua về trưng bày trên xe ô tô có giá 5,5 triệu đồng, Quan âm Bồ tát có giá 4,4 triệu đồng".

Thấy anh Minh có vẻ rất tin vào chuyện mua may nơi cửa Phật, tôi gặng hỏi: "Ngọc này ai dám chắc ngọc xịn?". Anh Minh quả quyết: "Ngọc có giấy kiểm định, họ lấy số điện thoại của tôi rồi, mấy hôm nữa họ mang giấy kiểm định đến tận nhà!?". Anh Minh còn nói với tôi rằng: "Cô mua ngọc lấy may. Nếu mua, người ta sẽ nhờ nhà chùa 'thỉnh' giúp, như thế ngọc mới có linh nghiệm".

Cẩn trọng với những lời rao

Đem câu chuyện ngọc, đá cẩm thạch, thạch anh... được rao bán tại các đình, chùa đến các chuyên gia đá quý, chúng tôi nhận được câu trả lời: "Đó chỉ là những chiêu lừa của những kẻ bịp bợm". Theo ông Hoàng Nguyên - nhà sưu tập ngọc tại Hà Nội, các sản phẩm được quảng cáo, như ngọc phỉ thuý đều có giá, từ vài chục triệu lên tới vài trăm triệu đồng chứ không có giá "bèo" như vẫn rao bán ở một số cổng chùa.

Theo cách phân tích của ông Nguyên, ngay cả những công ty lớn cũng quảng cáo chưa đúng sự thật. Những sản phẩm được gọi là phỉ thuý chỉ có thể có dính một chút phỉ thuý chứ không thể coi toàn bộ sản phẩm là có chất liệu từ phỉ thuý. Họ post lên mạng những tấm hình cẩm thạch na ná ngọc phỉ thuý. Khi những nhà chuyên môn lên tiếng thì họ bao biện hàng của công ty chúng tôi có màu tương tự như phỉ thuý. Còn những loại ngọc, phỉ thuý được bán ở các đền, chùa thì chất lượng... trên trời.

Từ câu chuyện ngọc phỉ thuý, ông Nguyên quả quyết các loại đá cẩm thạch, thạch anh ở chùa Thiên Niên quảng cáo hàng nhập đều là hàng rởm.

Vậy làm thế nào để biết được một sản phẩm có thực sự là ngọc, thạch anh, cẩm thạch hay không? Các chuyên gia cho rằng việc chơi ngọc rất khó, người chơi muốn có được một sản phẩm thực thụ thì cần có thời gian nghiên cứu và đôi khi phải trả giá bằng tiền bạc mới rút ra được các kinh nghiệm xương máu. Theo ông Nguyên, để biết chính xác chỉ có cách giám định bằng máy móc.

Nhiều người kinh doanh đá quý cũng đưa ra cảnh báo hiện trên thị trường đã xuất hiện loại ngọc được dùng công nghệ chiếu tia tạo màu và tạo ánh sáng trong cho sản phẩm, sau đó gắn cho chúng nhiều ngôn từ mỹ miều và thổi giá sản phẩm lên cao hàng chục, thậm chí hàng trăm lần giá trị thực.

Trên trang daquy.com, các chuyên gia tư vấn, với các loại đá quý, người mua nên có những hiểu biết nhất định ít nhất về giá  loại đá mình muốn mua. Có những loại đá giá trị rất bình thường như thạch anh trắng hay hồng, ám khói, caxêđôn hay thiên thạch. Bình thường ở đây nghĩa là bạn có thể bỏ ra một khoản tiền nhỏ mà vẫn có thể sở hữu nó chứ không phải chi ra cả chục triệu đồng. Các loại đá mắc tiền nhất gồm ruby, topal, saphire, emerald. Các loại đá nhân tạo có giá trị cực kỳ rẻ. Nếu bạn mua mặt dây chuyền thì 90% giá trị ở công người chế tạo ra mẫu đóỏ công thợ bạc, thợ inox làm khoen và tạo kiểu và lượng kim loại tạo nên viên đá. Một viên đá nhân tạo đẹp lung linh đủ màu sắc chỉ có giá từ 20.000 - 100.000 đồng.

Dễ là đồ rởm
Theo các chuyên gia, chứng nhận kiểm định của sản phẩm  là bằng chứng của việc sản phẩm đó được mua là hàng xịn hay rởm. Mỗi sản phẩm khi kiểm định sẽ mang một mã số nhất định. Khi bạn đưa mã số này đến các trung tâm họ sẽ cho bạn thêm các thông tin về đá quý, ví dụ màu sắc, độ trong, kiểu cắt và những phương pháp giám định được áp dụng. Do đó, nếu bạn thấy tất cả các sản phẩm của người bán đều mang cùng một mã số, thì rõ ràng họ đã dùng công nghệ làm giả vỉ ép kiểm định.

Saturday, April 7, 2012

ĐỪNG LÀM PHẬT KHÓC

Giao Hưởng

Đó là “tiền công đức” do thập phương bá tánh đến tiến cúng với mục đích cầu phước và nhằm để đóng góp xây dựng, trùng tu, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh như đền Hùng, chùa Hương chẳng hạn. Thế nhưng, những đồng tiền này có nhiều trường hợp bị thất thoát hoặc bị đánh cắp, bị sử dụng không đúng mục đích.

Việc xào xáo vì đồng tiền diễn ra hằng ngày ngoài xã hội là sự thường, nhưng ở đây đồng tiền đã chen vào chốn đền chùa thiêng liêng, vào các di tích của đất nước.
Đó là “tiền công đức” do thập phương bá tánh đến tiến cúng với mục đích cầu phước và nhằm để đóng góp xây dựng, trùng tu, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh như đền Hùng, chùa Hương chẳng hạn. Thế nhưng, những đồng tiền này có nhiều trường hợp bị thất thoát hoặc bị đánh cắp, bị sử dụng không đúng mục đích.

Đứng về mặt “đời”, “tiền công đức” là một loại công quỹ cần được công khai số thu và cách chi dùng rõ ràng. Nếu công quỹ này bị lạm dụng, mất mát, những vị có chức sắc trong công tác quản lý phải gánh trách nhiệm.

Đứng về mặt “đạo”, “tiền công đức” cúng dường vào các đền chùa phải được dùng vào việc ích lợi chung cho nhà chùa và xã hội, như tu bổ, sửa chữa đền điện, tăng phòng và tham gia từ thiện xã hội, giúp đỡ người nghèo khổ neo đơn, bệnh tật...

Song một số trường hợp cho thấy “tiền công đức” ấy từ hàng trăm nghìn, hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng, đã bị đánh cắp, như ở chùa Hàm Long mất tới 4 tỉ đồng, một cán bộ xã ở Hải Dương đã biển thủ tiền công đức ở khu di tích An Phụ 300 triệu đồng...

Trong nhà chùa thường nhắc câu Phật dạy đại ý “một hạt gạo của người đem đến cúng dường nặng như núi Tu Di - ăn gạo ấy tu hành không rõ đạo thì kiếp sau phải mang lông đội sừng mà trả”. Bốn tiếng “mang lông đội sừng” có nghĩa là phải đầu thai làm súc sinh, làm các loài vật như heo, gà, ngỗng, vịt (loài có lông) hoặc làm trâu, dê (loài có sừng) để trả nợ cho những thí chủ đã cúng dường “tiền công đức”.

Luật “đời” về việc biển thủ công quỹ tất nhiên phải bị xử lý, thậm chí bị khởi tố như trường hợp cán bộ xã ở Hải Dương nói trên. Còn về “đạo” có luật nhân quả bất biến, phải “mang lông đội sừng” vậy. Dù người đó là hòa thượng, là thượng tọa, là đại đức tu hành lâu năm mà xâm phạm “tiền công đức” vẫn rơi vào địa ngục như thường. Vì sao? Vì người tu hành vẫn phải chịu sự tác động của luật nhân quả. Và vì lẽ thập phương thí chủ đến cúng dường bằng vật thực như gạo cơm rau quả, dầu thắp thuốc men, hoặc bằng “tiền công đức” với mong muốn được sử dụng số tài vật ấy nhằm tạo chút phước báu cho mình. Nhưng khi biết tiền mình cúng dường bị rơi vào túi riêng của ai đó, hoặc bị mất mát, bị đánh cắp, bị xài phí ngoài mục đích, thì họ không buồn sao được. 

Nhưng nói cho cùng, họ cũng không buồn bằng đức Phật khi nghe Ma vương bảo rằng vào thời mạt pháp Ma vương sẽ cho quyến thuộc và đệ tử của mình cạo trọc đầu, mặc áo cà sa, giả dạng vào chùa tu hành để phá hoại Phật pháp, tựa như một loại trùng sống trong thân sư tử để “ăn thịt sư tử”. Nghe vậy, đức Phật từ bi im lặng và rơi nước mắt. Đó là lần đầu tiên chúng tôi được biết về nguyên do đức Phật đã khóc khi ngài còn tại thế. Đến nay, những hiện tượng không tốt liên quan đến “tiền công đức” khiến nhiều người lo lắng. Nếu là người quản lý di tích hãy có giải pháp chặt chẽ hơn nữa. Nếu là các vị chức sắc ở đền chùa, mong hãy đừng để “tiền công đức” đi sai mục đích phước thiện và hơn nữa - xin đừng làm Phật khóc...