Friday, November 11, 2011

THIỀN NĂNG LƯỢNG (PRANAYAMA)

"Trong chúng ta, mỗi người đều có khả năng đặc biệt do tạo hóa ban cho mà không biết khai mở và phát triển, để rồi phải chịu cảnh bệnh tật triền miên. Thật khổ thay cho cái kiếp làm người".

THIỀN NĂNG LƯỢNG (PRANAYAMA)
PRANA LÀ GÌ?
Prana là một từ trong tiếng Phạn, có nghĩa là sự sống, sự chuyển động, hoặc là sinh khí. Sinh khí Prana được xem như toàn bộ các dòng năng lượng sống. Xét về mặt khí chất, Prana là sức sống, là năng lượng cấu tạo, phối hợp các phân tử và liên kết chúng lại thành một cơ thể hoàn chỉnh. 

ĐỊNH NGHĨA VỀ PRANA
Ta không trực tiếp nhìn thấy gió, nhưng có thể nhìn cây cối đang chuyển động, ta biết là có gió. Prana cũng vô hình nhưng ta có thể cảm nhận được nó bằng cách quan sát sự chuyển động của thân THÔNG QUA SỰ TẬP LUYỆN THIỀN NĂNG LƯỢNG, bởi sự chuyển động của thân chính là sự hoạt động bên trong của dòng Prana. Prana, khi được kiểm soát một cách có ý thức, là nguồn sinh lực có tác dụng phục hồi và tái sinh mạnh mẽ. Khi đã kiểm soát được Prana, ta có thể dùng nó để phát triển bản thân, chữa khỏi bệnh cho mình và cho người khác.

CON NGƯỜI VÀ NGUỒN NĂNG LƯỢNG PRANA
Từ hàng ngàn năm nay, nhiều người có khả năng chữa bệnh huyền bí và một số nhà nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực tâm linh đã tập trung sự chú ý đặc biệt đến cái được gọi là nguồn năng lượng Prana. Theo thuật ngữ Ấn độ, Prana có nghĩa là nguyên lý năng lượng mà người xưa đã giả định là tất cả các dạng năng lượng và lực đều phát sinh từ đó. Còn thuyết cổ Đông Phương lại cho rằng Prana có biểu hiện trí tuệ và là phần không thể tách rời của tạo hóa. Ai làm chủ được Prana, sẽ làm chủ được thân xác cũng như tinh thần của mình và của người khác, bởi vì Prana là sự thị hiện khái quát hoá của năng lượng. Muốn được như vậy, trước hết ta phải biết cách làm cho cái Prana ở trong ta hoạt động một cách có hiệu quả nhất.

Pranayama là phương pháp tập luyện để điều khiển Prana theo ý muốn của mình. Pranayama không phải là hơi thở như nhiều người hiểu lầm, cũng như Pranayama không phải là vận dụng ý thức ra lệnh hệ thần kinh vận động làm cho cơ thể hoạt động. Prana là bản thể, là cốt lõi của lực cơ bắp, đã tạo nên sự co bóp của các cơ hô hấp, các phế nang qua sự trung gian của các dây thần kinh. Một khi ta làm chủ được Prana thị hiện trong hô hấp, tâm thức ta sẽ được tinh tế hơn, từng bước ta có thể cảm nhận được những lực vi tế là những dòng thần kinh chạy khắp thân ta.

Người luyện tập Pranayama sau khi đã được thành tựu, sẽ trở thành con người toàn năng, toàn tri. Những người chữa bệnh bằng đức tin, bằng tin thần, bằng thôi miên v.v... đều là những người tình cờ khám phá Prana và sử dụng nó mà họ không hề biết. Và nếu chúng ta tinh lọc, chắt gạn các lý thuyết hay lập luận của họ, cuối cùng bao giờ ta cũng thấy bóng dáng của Prana mà họ không hề hay biết bản chất. Tư duy là sự biểu thị vi tế của Prana trong ta, nhưng tư duy không phải là toàn bộ đời sống tâm thức của ta, đời sống ấy có phần vô thức hay bản năng [thần kinh thực vật] có phần hữu thức hay ý thức [thần kinh vận động]. Giữa hai phần này có một vùng giáp ranh còn bí ẩn đó là tiềm thức. Nhưng nó còn một phần nữa, là phần cao quý nhất, mạnh mẽ nhất, kỳ diệu nhất, siêu việt nhất mà nó thường chìm ngủ trong ta, đó là phần siêu thức.

Người luyện tập Pranayama khi đã có sự thành công nhất định nào đó, sẽ điều khiển được Prana theo ý muốn của mình, chẳng những ta có thể khống chế được bệnh tật và đau đớn của bản thân, mà còn cả người khác nữa. Theo quan niệm của trường phái Yoga thì "BỆNH TẬT LÀ DO MẤT QUÂN BÌNH TRONG PHÂN PHỐI PRANA". Vì vậy khi người tập đã làm chủ được Prana, là sẽ điều khiển được Prana, lập lại sự quân bình Prana trong cơ thể. Trên thực tế có những người thông qua phương pháp tập Pranayama, họ có thể điều khiển bằng ý chí hầu như toàn bộ cơ quan trong thân thể họ, trong khi những người khác không tập thì các cơ quan này không hoạt động hoặc hoạt động một cách máy móc.

Hiện nay các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực chữa bệnh không dùng thuốc đang nỗ lực thực nghiệm ứng dụng Prana dựa trên ý tưởng về sự tồn tại trường năng lượng vũ trụ mà thông qua sự tập luyện con người có thể cảm nhận được một cách khá cụ thể. Có nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề cảm nhận và ứng dụng Prana trong cuộc sống hằng ngày.
- Bản chất của Prana là gì?
- Tập luyện như thế nào để cảm nhận được Prana?
- Vì sao con người cần đến nó?
- Làm thế nào để kích hoạt Prana để chữa bệnh và tăng cường sức khỏe?
Cho đến nay chưa thể khẳng định được chắc chắn về bản chất đích thực của Prana. Việc tập luyện để cảm nhận và thu nạp Prana thường được tiến hành theo các mức độ khác nhau, từ thấp tới cao, từ đơn giản tới phức tạp. Người tập luyện trước hết phải có lòng tin vào sự tồn tại của Prana và tin vào khả năng của mình, đồng thời phải luôn duy trì đức tính kiên nhẫn trong thực hành.

Trích dẫn một số nghiên cứu của bác sĩ tâm thần và các bậc Thầy năng lượng.
Bác sĩ tâm thần Lee Sanella M.D. đã liệt kê và phân loại những hiện tượng xuất hiện trong lúc thực hành Thiền năng lượng.

- VỀ MẶT VẬN ĐỘNG:
Cơ thể chuyển động tự phát ở nhiều bộ phận, tuy nhiên người tập có thể tự ức chế. Những cử động này có khi nhẹ nhàng êm dịu, có khi là những cơn co giật hoặc rung chuyển.

- CẢM GIÁC ĐAU:
Có nhiều người kể về cảm giác đau ở đầu, sống lưng và tại nhiều vùng khác của cơ thể, xuất hiện đau thật bất ngờ và hết đau cũng thật nhanh chóng. Có người mô tả lại rằng dường như đau xảy ra khi ta cố tình cưỡng lại dòng khí đang lưu chuyển. Hoặc đau xảy ra khi dòng năng lượng đi qua những huyệt đạo chưa khai mở.

- SỰ GIÁC NGỘ VÀ NĂNG LỰC TINH THẦN:
Đây mới là mục đích thật sự của pháp môn thiền năng lượng, qua một thời gian dài thường xuyên tập luyện sẽ có sự xuất hiện những nhận thức siêu việt, trực giác nhạy bén và phát huy tiềm năng trí tuệ.

LỜI CỦA OSHO (trích từ cuốn Thiền động)
- NĂNG LƯỢNG CHUYỂN ĐỘNG
Khi năng lượng của bạn chuyển động, nó sẽ bắt đầu làm cho thân thể bạn chuyển động. Bạn hãy cho phép những chuyển động đó xảy ra một cách tự nhiên và nhớ rằng đừng bao giờ can thiệp vào cái đang xảy ra. Bạn hãy là nhân chứng cho chính bạn.

LỜI CỦA KHÍ CÔNG SƯ BÙI LONG THÀNH (trích từ Liệu trình A / khí công dưỡng sinh)
- CHÁNH NIỆM TĨNH GIÁC
Tuyệt đối không hôn trầm, mê muội. Luôn luôn nhận biết thân tâm mình trong lúc tập, giữ cho động tác luôn điều hòa, chậm rãi, ổn định, giữ cho tâm mình luôn trụ vào đề mục.

- CẢM NHẬN NĂNG LƯỢNG
Không nên đột ngột dừng lại khi có sự chuyển động của năng lượng. Mọi sự chuyển động phải thuận theo tự nhiên, do dòng khí bên trong chuyển động làm cho thân thể chuyển động.

- TRỊ BỆNH BẰNG NĂNG LƯỢNG
Sau khi đã cảm nhận được dòng năng lượng, bị bệnh gì thì niệm thầm liên tục trong đầu xin tự trị bệnh. Quán tưởng năng lượng chảy dồn về vùng bệnh, vùng bệnh sẽ có cảm giác tê, nóng, ngứa, nặng, ấm… Hoặc cơ thể xuất hiện các động tác tự trị bệnh như day, ấn, vỗ, chà, vuốt v.v... Ngoài tác dụng điều trị bệnh, tăng cường sức khỏe, thiền năng lượng còn tác dụng giải tỏa stress, cân bằng cảm xúc, kiểm soát hành vi.

LỜI CỦA NHÀ CẢM XẠ HỌC DƯ QUANG CHÂU

- PHÁT HUY TIỀM NĂNG TRÍ TUỆ
Mỗi người đều tiềm ẩn một sức mạnh đang ngủ yên. Phải biết làm cho nó tỉnh thức và sử dụng nguồn năng lượng đó. Trước tiên chúng ta phải nhận thức được nó, kiểm soát nó, làm chủ nó, sau đó đem sử dụng để khai thác có hiệu quả và để sống tốt hơn. 

TỔNG HỢP CÁC HIỆN TƯỢNG VÀ CẢM NHẬN KHI TẬP THIỀN NĂNG LƯỢNG [PRANAYAMA].

SỰ BIỂU THỊ CẢM GIÁC SINH LÝ.

Khi cảm nhận được dòng năng lượng, cơ thể sẽ xuất hiện nhiều cảm giác khác nhau. Dù cùng là một người, mỗi lúc cũng có thể xuất hiện những phản ứng khác nhau. Có những người cảm nhận được rõ rệt, có những người tương đối rõ rệt. Lại có người có sự phản ứng toàn thân, có người chỉ phản ứng ở một tạng phủ nào đó, cũng có người phản ứng ở khắp các tạng phủ và tứ chi, và có người chỉ phản ứng cục bộ v.v...

Cảm giác có tính đặc trưng và tính chất phản ứng của sinh lý, chính là ở chỗ KHÔNG GIỐNG NHAU. Trong cảm giác lạnh, có những lúc ta có cảm giác lạnh như băng giá, lạnh như gió bấc lạnh từ bao tử, lạnh nhè nhẹ như có mưa bụi bay quanh mình, lạnh đánh bò cạp, lạnh thấu xương v.v...Trong cảm giác nóng, có những lúc ta có cảm giác nóng oi bức, nóng hừng hực, nóng gió của sa mạc, nóng rang khắp châu thân v.v...

Trong cảm giác của sự chấn động, cũng có lúc ta kêu lên ối cha, giật nẩy mình, tim đập thình thịch, run bần bật v.v...Lại có trường hợp ở vùng tim cảm thấy nóng, hoặc thấy lạnh, có cảm giác như sợ hãi, nặng ngực, hơi thở dồn dập, cảm giác bị đè nén, cảm giác nặng nề, cảm giác như bị trói buộc v.v...Cũng có người thấy như đang trôi bồng bềnh, đang bay lên không trung, đang lạc vào tiên cảnh, như thân mình không còn nữa v.v...Những cảm giác đó rất rõ rệt, nó biểu hiện khi cơ thể con người đã tiến vào trạng thái bị kích động sẽ làm cho khí lực sung mãn.

PHẢN ỨNG QUA HÀNH VI CỦA CƠ THỂ

Cơ thể con người khi cảm nhận dòng năng lượng, thì có những chuyển động "TỰ PHÁT" không dự tính trước. Những sự chuyển động này có khi là nhẹ nhàng, êm dịu, có khi là những cơn co giật rung chuyển, có khi như múa hát ngũ cầm, có khi xuất hiện những động tác giống như THÁI CỰC QUYỀN. Nhảy, múa, đi những đường quyền võ thuật. Cơ thể có khi tự động được đưa vào tư thế HATHA YOGA và giữ ở tư thế nầy rất lâu. Cũng có lúc xuất hiện những động tác giống như DỊCH CÂN KINH [còn gọi là PHẤT THỦ LIỆU PHÁP]. Đôi lúc cũng có sự co giật từng chập, run rẩy, những động tác quay tròn, nghiêng ngả, ngồi xếp bằng chắp hai bàn tay trước ngực v.v... Những biểu hiện tổng hợp đó, đã ngầm cho ta biết là trong cơ thể con người có một hệ thống đặc biệt rất năng động, to lớn, đang tiềm tàng những bí ẩn còn chưa khám phá.

NHỮNG KIỂU HÔ HẤP KHÁC THƯỜNG

Khi năng lượng chuyển động sẽ xuất hiện nhiều kiểu thở khác nhau. Như là thở nhanh, thở chậm, thở kéo dài kết hợp với phình bụng hoặc thóp bụng, hoặc là ngưng thở. Thở phát ra âm thanh, thở há to miệng kết hợp với thè lưỡi và mở to đôi mắt. Có những kiểu thở bịt vào lỗ mũi luân phiên giống như các Yogis thường tập mà sách vỡ nói là PRANAYAMA. Thực ra thì nhiều người đã hiểu sai, và dịch sai từ PRANAYAMA. Chữ PRANA có nghĩa là năng lượng. Còn chữ YAMA có nghĩa là kiểm soát. Góp hai từ này với nhau thành chữ PRANAYAMA có nghĩa là KIỂM SOÁT NĂNG LƯỢNG. Như vậy PRANAYAMA là kiểm sóat năng lượng chứ không phải là tập thở như mọi người thường nghĩ. Từ nhận xét này ta biết rằng không cần phải học các kiểu hô hấp đặc biệt nào cả, mà tự thân khi năng lượng chuyển hóa nó sẽ " ĐIỀU KHIỂN HƠI THỞ MỘT CÁCH TỰ ĐỘNG".

NHỮNG CẢM XÚC BẤT THƯỜNG

Trong lúc cơ thể đang tràn ngập năng lượng, sẽ xuất hiện những phản ứng tâm lý rõ rệt như là khóc òa lên thật to, hoặc bật cười ha hả. Có thể xuất hiện các cảm xúc như là sợ hãi, lo lắng, bi ai, buồn khổ, vui sướng v.v...Vào những giai đoạn đầu, có thể có những cảm xúc như vậy, nhưng dần dần sau đó ở những giai đoạn sau cảm xúc nó sẽ bình lặng hơn. Ta cảm nhận như có sự ngọt ngào ở tim, tâm trạng phóng khoáng, tình cảm ổn định, tư duy nhạy bén, ngôn ngữ lưu loát, sự chú ý tập trung dễ dàng, trí nhớ tốt, tâm lý ổn định, cảm giác vui vẽ v.v...

CẢM GIÁC ĐAU

Khi cơ thể con người cảm nhận được dòng năng lượng, sẽ có những cảm giác như đau ở đầu, ở mắt, cột sống lưng và rất nhiều vùng khác của cơ thể. Nó xuất hiện những cơn đau rất bất ngờ, và hết đau cũng thật nhanh chóng. Có khi cơn đau đó do ta cố tình làm ngăn trở dòng năng lượng [khi dòng năng lượng đang tự nhiên chuyển động, ta lại dụng ý điều khiển dòng năng lượng theo ý của mình, hoặc dừng lại đột ngột] và cũng có khi cơn đau đó xảy ra khi dòng năng lượng đi qua vùng bệnh hay các huyệt đạo đang bị bế tắc.

PHƯƠNG PHÁP TẬP THIỀN NĂNG LƯỢNG [PRANAYAMA]
Bài tập này gồm có 7 phần:
1. Ổn định thân tâm
2. Cảm nhận năng lượng
3. Kích hoạt năng lượng
4. Thu năng lượng
5. Chuyển hóa năng lượng
6. Trị bệnh bằng năng lượng
7. Kết thúc

ỔN ĐỊNH THÂN TÂM
Tư thế chuẩn bị: Ngồi kiết già hoặc bán già. Đầu cổ và lưng thẳng, mắt khép nhẹ, miệng khép, lưỡi nằm ngang, 2 bàn tay mở ngữa, để trên đầu gối, ngón cái và ngón trỏ chạm nhẹ vào nhau.
- Niệm thầm: tôi đang cảm nhận toàn thân
- Tập trung ý lắng vào thân

CẢM NHẬN NĂNG LƯỢNG
Tư thế chuẩn bị: Ngồi kiết già hoặc bán già. Đầu cổ và lưng thẳng, mắt khép nhẹ, miệng khép, lưỡi nằm ngang, 5 ngón tay chạm nhẹ vào nhau, để trước ngực.
Thực hiện: Hướng sự chú ý lên 5 đầu ngón tay.
Niệm thầm: Tôi đang cảm nhận năng lượng.
Hiện tượng thường xuất hiện trong lúc cảm nhận năng lượng:
a. Cảm nhận có sự rung động nhẹ ở các đầu ngón tay
b. Có sự dao động nhẹ ở cột sống
c. Có những ý nghĩ, những suy nghĩ bỗng xuất hiện trong tâm trí, trong thiền học gọi là vọng tưởng, là tạp niệm. Đừng nhớ đến nó, đừng suy nghĩ theo nó mà hãy hướng sự chú ý lại trên 5 đầu ngón tay và tiếp tục niệm thầm “Tôi đang cảm nhận năng lượng.”

KÍCH HOẠT NĂNG LƯỢNG
- Từ từ dang hai bàn tay ra thật chậm và cảm nhận có dòng năng lượng đang đẩy hai bàn tay từ từ dang ra
- Từ từ khép hai bàn tay vào và cảm nhận có sức hút hai bàn tay vào nhau. Trong lúc khép hai bàn tay chạm vào nhau, thường thì không chính xác như lúc ban đầu. Lý do là tâm chưa được ổn định. Hãy điều chỉnh 5 ngón tay vào vị trí ban đầu.
CHÚ Ý:
- Bài tập này không nên dùng lực lúc dang tay ra, mà hãy cảm nhận lúc vừa khởi ý dang tay ra là cảm nhận được ngay có dòng năng lượng đang đẩy hai bàn tay ra.
- Lúc dang tay ra hai bên, 2 bàn tay cách xa từ 30-40cm hai chỏ xuôi theo hông.
- Hướng sự chú ý vào hai bàn tay lúc dang ra và khép vào.

THU NĂNG LƯỢNG
- Hai bàn tay từ từ dang ra, xoay lòng bàn tay ngửa hướng lên trên, tập trung vào huyệt Lao cung giữa lòng bàn tay.
- Niệm thầm: thu năng lượng
- Trong lúc thu năng lượng ta có cảm giác ấm ở huyệt Lao cung, có sự dao động nhẹ ở cột sống, hoặc hai bàn tay.

CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG
- Niệm thầm: năng lượng chuyển động
- Liên tục ám thị đến khi cảm nhận được sự chuyển động bởi năng lượng. Sự chuyển động thường xuất hiện ở hai cánh tay, ở cổ, ở cột sống. Hãy thuận theo tự nhiên và cảm nhận. Biết rõ sự chuyển động của thân. Đây là điểm quan trọng nhất trong bài tập thiền năng lượng. Và người tập bắt buộc phải tuân theo những điều sau:
o Trong lúc năng lượng chuyển động, ta không nên mong cầu hoặc tưởng tượng bất cứ điều gì.
o Vẫn tiếp tục niệm thầm: năng lượng chuyển động và biết rõ sự chuyển động và khi đã nhận biết thì điều kỳ diệu của thiền năng lượng bắt đầu xuất hiện.
o Không dừng lại đột ngột trong lúc năng lượng chuyển động.

TRỊ BỆNH BẰNG NĂNG LƯỢNG
- Trong lúc năng lượng chuyển động, có bệnh gì thì niệm thầm trị bệnh đó. Thí dụ như bệnh đau đầu, ta niệm thầm “năng lượng trị bệnh đau đầu.” Lúc đó sẽ xuất hiện hai trường hợp sau.
o Hai bàn tay dần dần chuyển đến vùng bệnh và tự nó trị bệnh như ấn, day, chà, vuốt, vỗ…
o Cảm nhận bên trong có những dòng điện hoặc cảm giác nóng, ấm, ngứa, tê, đau v.v...

KẾT THÚC

Niệm thầm: năng lượng dừng lại. Lặp đi lặp lại liên tục, liên tục cho đến khi nào cảm nhận dòng năng lượng chậm dần, chậm dần, chậm dần rồi từ từ dừng hẳn.
Điểm kết thúc của hai bàn tay thường ở hai đầu gối hoặc ở vùng bụng dưới
- Sau đó từ từ mở mắt ra.
- Mátxa ở mặt và phía sau gáy.
- Có sự lâng lâng, trống trải trong trí não sau khi kết thúc buổi tập thiền năng lượng.

TRƯỜNG HỢP NÀO KHÔNG CẢM NHẬN ĐƯỢC DÒNG NĂNG LƯỢNG
1. Chuẩn bị phần cảm nhận năng lượng chưa tốt, còn trương lực cơ trong lúc hai bàn tay chạm nhau để trước ngực.
2. Do căng thẳng hoặc quá nhiều ý nghĩ, suy nghĩ… làm không thể tập trung được.
3. Do nghi ngờ, không tin tưởng vào phương pháp
4. Đã từng tập qua nhiều phương pháp khác.
5. Thường xuyên mở mắt trong lúc tập luyện.

NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN KHI TẬP THIỀN NĂNG LƯỢNG

1. Không nên tập với những người chưa đủ kinh nghiệm hướng dẫn.
2. Không tập ở nơi khí âm nhiều, như nghĩa địa, bệnh viện, lò thiêu.
3. Không dừng lại đột ngột trong lúc năng lượng đang chuyển động.
4. Không cầu nguyện hay cầu xin bất cứ một tha lực nào trong lúc tập thiền năng lượng.

No comments: