Saturday, February 11, 2012

MỘT CÁCH NHÌN MỚI VỀ YOGA VÀ THIỀN

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI BẮT ĐẦU TẬP YOGA
Nếu bạn là người chưa từng tập Yoga bao giờ thì bạn phải lưu ý là không nên tập quá sức ngay buổi tập đầu tiên, nó sẽ làm cho bạn rất đau đớn và bạn sẽ từ bỏ, như vậy là bạn không còn cơ hội tiếp cận với Yoga. Có thể là sau một hoặc hai buổi tập đầu tiên, cơ thể bạn bị căng và nhức ở một vài nơi nào đó, chẳng hạn như là ở cột sống, ở cổ, vai...Tuy nhiên những cảm giác này sẽ dần dần giảm đi khi bạn tập luyện đều đặn hơn, thường xuyên hơn. Nên nhớ rằng không được tập bất cứ một động tác nào gây nên sự đau đớn cho bạn, hoặc học với tâm trạng quá nóng vội muốn mau thành công, hay mang tính ganh đua với bạn cùng lớp, hoặc cố gắng thực hiện những động tác khó để chứng tỏ bản năng v.v... Khi thực hiện một động tác mà cảm thấy quá đau thì lập tức giảm sức ép ngay, nếu huấn luyện viên tác động thêm vào tư thế mình đang tập, bạn phải biết từ chối sự hỗ trợ của vị thầy.


Ở đây tôi cũng muốn thảo luận đôi chút về các vị thầy dạy YOGA. Theo sự quan sát của tôi ở những lớp dạy Yoga, các thầy thường hay tạo thêm áp lực, tạo thêm sự căng giãn tối đa vào các học viên mỗi khi họ thực hiện một động tác, hình như là các vị thầy cho mình một cái quyền nào đó mà không cần hỏi người học viên đó họ có bằng lòng hay không? Có những học viên họ rất khó chịu khi người thầy đụng chạm vào da thịt họ, việc này người thầy có biết chăng? Trước khi chạm vào học viên, người thầy có xin phép được chạm hay không? Việc chạm vào học viên để điều chỉnh động tác theo ý muốn của người thầy rất thường dễ gây chấn thương cho học viên, bởi vì người thầy có biết được độ căng và giãn của học viên ở mức độ nào? Có những động tác chỉ cần căng giản hơn 1cm là có thể làm cho học viên đó tàn tật suốt đời. Lấy ví dụ như ở tư thế "kéo giãn cột sống", đối với người mới tập thường thì các cơ, khớp, và dây chằng còn rất cứng. Người tập thường cố gắng cúi người xuống phía trước để được giống như các bạn cùng lớp, khi không cúi xuống được thì người thầy thường "giúp đỡ" thêm bằng cách là đè lưng người học viên này xuống thêm nữa để cho đúng tư thế và kết quả là người học viên này sẽ bị đau.


Bạn đang thực hiện một asana, mà cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, nhịp tim rối loạn, hơi thở mất bình thường, bạn phải NGƯNG TẬP NGAY và báo với người Thầy nên chọn cho mình những động tác khác cho phù hợp với thể trạng của mình. Nếu chọn các tư thế dễ tập hơn, nhẹ nhàng hơn mà vẫn không giải quyết được tình trạng trên thì tốt nhất là bạn nên đi khám bác sĩ. Và một điều rất quan trọng đó là; trước khi  vào tập Yoga, "SỨC KHOẺ" của bạn phải hoàn toàn không có vấn đề gì, nghĩa là phải hoàn toàn khoẻ mạnh, như vậy tập Yoga mới có hiệu quả, còn nếu như có một số bệnh nào đó như là chấn thương cột sống sau một tai nạn, mổ cột sống đang trong thời gian phục hồi, bệnh cao huyết áp, tim mạch, thiếu máu não v.v... bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn. Nếu như bạn có những chứng bệnh trên, tôi khuyên bạn là đừng nên tập những động tác Yoga quá nặng, mà hãy tập những bài vật lý trị liệu, những bài này cũng rút ra từ Yoga, nhưng phương cách tập thì nhẹ nhàng hơn.


CÁC HIỆN TƯỢNG VÀ TRIỆU CHỨNG BẤT THƯỜNG TRONG LÚC TẬP YOGA


Sau một thời gian tập Yoga, trong người sẽ có những thay đổi nên cần phải thận trọng và luôn luôn quan sát để xem những thay đổi đó tốt hay xấu. Hãy xem dấu hiệu của sự thay đổi, ta sẽ biết ngay mình đang tập đúng hay không đúng.


HIỆU QUẢ.
  • Cảm nhận trong người khỏe mạnh hơn, ít bị những bệnh lặt vặt, ban đêm ngủ ngon giấc, da mặt mịn màng hơn mà không nhờ vào kem dưỡng da. [SỨC KHOẺ].
  • Càng ngày càng trầm tĩnh hơn, dễ kiểm soát được những cơn giận, dễ thông cảm những nỗi đau của người khác và tha thứ những lỗi lầm của người khác. [CẢM XÚC].
  • Càng ngày càng thông minh hơn, hiểu được những điều mà trước nay mình không hiểu, thông được những điều mà trước nay mình chưa thông... mà không phải thông qua kinh sách. [TRÍ TUỆ].
Với những hiện tượng tốt vừa kể trên, người tập Yoga sẽ có tinh thần vững vàng hơn để tiến bước trên đường tu tập.


KHÔNG HIỆU QUẢ


Nếu tập Yoga mà thấy trong người khác thường, như thường hay mỏi mệt, giấc ngủ chập chờn, ngủ không ngon giấc, trở nên gắt gỏng vô cớ, hay hồi hộp. Trên mặt xuất hiện ra những mụn độc mà trước nay mình không hề có, thì phải xem lại cách tập của mình, có thể là do tập quá nhiều những động tác nặng hay là tập quá sức. Nếu tập ít trở lại và những triệu chứng đó bớt đi, thì rõ ràng là có sự khuyết điểm trong tập luyện. Trong khi chưa tìm ra được nguyên nhân để bổ khuyết thì nên ngưng tập và tìm những người nào có nhiều kinh nghiệm trong Yoga để chỉ dẫn.
Bài tập luyện về mắt, nhìn chăm chú vào một điểm [trataka] và bài tập trồng chuối, là hai bài tập thường gây nên một vài biến chứng không tốt, như là mọc mụn độc ở mặt, hay là mắt bị kéo màng. Vì vậy khi tập Yoga phải rất thận trọng và luôn luôn xem xét lại mình, kiểm tra lại những kết quả để quyết định là nên tập hay nên ngưng.


KHÔNG KIÊN TRÌ, THƯỜNG CHÁN NẢN


Những mục đích tốt đẹp của cuộc đời, những ý định tốt cho tương lai, thường là không khó, nhưng bao giờ cũng cần phải có một thời gian dài để thực hiện. Nó khó là ở chỗ chúng ta làm thế nào giữ được sự kiên trì, kiên nhẫn để theo đuổi tới cùng phương pháp mà mình đã chọn.
Thường là khi bắt đầu làm một việc gì đó, lúc đầu thì rất hăng say và chăm chỉ, nhưng chỉ đến một lúc nào đó sẽ tự nhiên bỏ cuộc. Bản tính con người thường là như vậy, vì vậy khi tập Yoga ta cần phải biết cách chế ngự tính chán nản. Mỗi ngày tập vào giờ nào thì nhất định phải tập đúng giờ đó, không vì thấy chưa có kết quả mà bỏ dở sự tập. Tập Yoga thời gian phải tính bằng năm, hoặc nhiều hơn nữa. Sự kiên nhẫn sẽ giúp cho ta thành công trong cuộc đời, và sự thành công ấy đối với người kiên nhẫn không có gì là khó khăn lắm. Thời gian đối với chúng ta thật là quý báo, thời gian "không đứng đợi", nhìn qua nhìn lại chẳng mấy chốc thấy mình đã già, mà sự nghiệp để lại chỉ là con số không, rốt cuộc ta thấy ta không bằng một giọt nước, ta đã thất bại vì ta không chọn được mục đích để theo đuổi, hay là khi chọn được mục đích rồi lại không đủ kiên nhẫn để theo tới cùng, ta thường hay thay đổi ý định, hôm nay chọn mục đích này, ngày mai chọn mục đích khác. Các vĩ nhân là những người đã biết chọn một mục đích và theo đuổi mục đích đó cho đến lúc thành công. 


SỰ AN TOÀN TRONG KHI TẬP YOGA


Yoga không phải là đứng bằng đầu [động tác trồng chuối] hay vắt chân trên cổ [động tác bào thai]. Yoga không phải là uốn dẻo mà một người có thể thực hiện được tất cả các tư thế. Yoga không có phô trương, không phải là nơi để ta thể hiện bản lĩnh để được thầy khen hay được bạn bè ngưởng mộ, thán phục. Hãy lấy nguyên tắc hàng đầu trong việc tập luỵện Yoga, đó là "SỰ AN TOÀN". Điều quan trọng là bạn không nên có ý ganh đua với bạn cùng lớp [nếu tập chung với nhau], chỉ nên tập trong phạm vi cho phép của chính mình, cố gắng từ từ mở rộng giới hạn của cơ thể nhưng không vượt quá mức, và nhớ rằng trong chúng ta mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu, có những động tác rất dễ dàng với mình nhưng rất khó với người khác, và ngược lại có những động tác mình thực hiện rất khó nhưng đối với người khác rất dễ dàng [BẤT TOÀN].


Ngay cái điểm bất toàn này, tôi cũng rút ra một quan điểm sống. "NGƯỜI TRÍ CŨNG CÓ LÚC NGU, VÀ NGƯỜI NGU CÓ LÚC CŨNG CÓ TRÍ". Ngu và trí cũng là nhị nguyên, là đối đãi, nương tựa vào nhau mà xác lập, chẳng có gì là quan trọng. Không tôn sùng cái trí mà cũng chẳng khinh rẽ cái ngu.


KHÔNG TRANH ĐUA


Đừng bao giờ gắng sức thực hiện động tác giống như người khác hay như hình minh họa trong sách khi cơ thể chưa mềm dẻo. Trong lúc thực hiện động tác, không nên có sự tranh đua. Cũng nên biết rằng môi trường tập YOGA không phải là nơi để ta thể hiện khả năng hay bản lĩnh. Yoga không phải là môn thể dục thành tích hay huy chương, vì vậy không nên có sự hơn thua hay là so sánh mình với người khác. Hãy loại bỏ mọi sự "quyết tâm", quyết tâm phải hơn người khác, quyết tâm phải thành đạt được kết quả. Ở Yoga không có sự cạnh tranh, không có tranh đua. Không tranh đua với mình [tập quá sức] hay tranh đua với người khác [tranh hơn thua]. Yoga là một trường học thật tuyệt vời của đức tính kiên nhẫn và lòng tự chủ. Nó giúp cho ta từ bỏ mọi sự hơn, thua và thái độ thù địch, ngạo mạn với người khác.
Ở Mỹ hay ở nhiều nước trên thế giới, kể cả Việt Nam... Tập Yoga mà bị chấn thương cũng là do sự tranh đua này mà ra. Theo hiệp hội an toàn sản phẩm người tiêu dùng ở Mỹ, đã có hơn 5.000 người phải đi khám bác sĩ vì các chấn thương do tập Yoga trong năm 2007 và đã tiêu tốn gần 108 triệu đôla để điều trị.


ĐỘNG TÁC PHẢI CÂN BẰNG HAI BÊN


Khi tập Yoga, [asana] bạn nên nhớ là phải tập cân bằng hai bên. Có nghĩa là: khi tập một động tác cúi xuống phía trước thì phải có động tác đối xứng trở lại ngửa người ra phía sau, hoặc nghiêng lườn qua trái, sau đó là nghiêng lườn qua phải, hoặc vặn mình qua trái, sau đó là vặn mình qua phải, hoặc đứng một chân trái, sau đó đứng một chân phải v.v... Luôn luôn thực hành tư thế phải đồng đều cả hai bên. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu cơ bản của Yoga, về sau này ta có thể nâng lên thêm một bước nữa. Đó là những động tác liên hoàn kết thành một xâu chuỗi đi theo hệ thống kinh mạch, nó cũng giống như 12 động tác bài tập CHÀO MẶT TRỜI mà rất nhiều môn phái Yoga nào cũng có tập và xem đó như là bài của tổ nghiệp Yoga.
Theo sách vở ghi lại, Yoga có hơn 50.000 động tác, một con số thật nhiều... ấy vậy mà khi tập luyện thì chẳng có bao nhiêu. Những động tác đơn độc, hoàn toàn đơn điệu một cách nhàm chán, thiếu tính cách nghệ thuật. Phải đưa Yoga lên một tầm cao mới hơn hởi các vị thầy Yoga, trong âm nhạc chỉ có 7 nốt, mà các nhạc sĩ sáng tác hết bài này đến bài khác, thật là vô cùng... còn Yoga thì sao? Có hơn 50.000 động tác, mà mãi đến bây giờ chưa có một bài tập liên hoàn nào mới cả. Hãy động não lên đi các bậc thầy YOGA.


CĂNG CƠ BẤT ĐỘNG


Người tập luyện Yoga cần phải hiểu rằng "PHONG CÁCH TẬP YOGA RẤT QUAN TRỌNG". Phong cách đó là phải giữ sự chuyển động không được vội vàng, hối hả, không có những động tác lấy đà hoặc lấy trớn. Mà phải thật thong thả trong một trạng thái tinh thần ung dung, tự tại. Phải biết hoàn thành một cách chậm rãi, mềm mại, dịu dàng. Liên tục tạo ra sự căng giãn của cơ bắp, tiếp cận với giới hạn của khả năng, vốn là yêu cầu của việc thực hiện mỗi ASANA. Điểm quan trọng của Yoga đó là sự quan sát, cảm nhận, tập trung và cùng với hơi thở... Người ta thường nghĩ rằng các tư thế [ASANA] là đặc trưng của Yoga, đó là một sự sai lầm thật đáng tiếc. Nhiều người thường hay phô trương rằng mình tập được những động tác khó, các tư thế đặc biệt, để người khác thán phục. "ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ YOGA ĐÍCH THỰC".


Một người tập Yoga, trong khi giữ tư thế bất động, mà đầu óc của anh ta luôn bị phân tán bởi sự cần phải giữ thăng bằng của thân [động tác khó] như động tác ốc sên, con sếu, con bò cạp, con quạ, con công, trồng chuối v.v...Tiếp đến là gân cổ nổi lên, cặp mắt mở to và gương mặt không có được sự an lạc. Trong khi đó, một người ý thức từng cử chỉ và hành động từ lúc bắt đầu thực hiện động tác [tư thế chuẩn bị] rồi đến lộ trình chuyển động anh ta cũng ý thức, cho đến khi kết thúc giử yên tư thế bất động. Lúc giữ yên tư thế bất động, anh ta chú tâm vào hơi thở. Thở ra dài anh ta biết đang thở ra dài, hít vào ngắn anh ta biết đang hít vào ngắn. Thở ra thóp bụng vào, anh ta biết đang thóp bụng vào. Hít vào phình bụng ra, anh ta biết đang phình bụng ra. Anh ta ý thức được mình đang làm gì, và luôn giữ cho tâm và thân luôn an lạc "ĐÓ MỚI LÀ YOGA ĐÍCH THỰC".


Trong các buổi tập Yoga hãy luôn luôn CÓ MẶT TRONG [tâm, thân hợp nhất], hãy chú tâm vào mọi động tác, trong đó có [động và bất động]. Làm được như vậy là ta đã tạo được điều kiện, được thói quen, được khả năng, được bản lĩnh, để dể dàng đi vào thực hành phương pháp Thiền sau này, một phương pháp rất quan trọng ở đỉnh cao của YOGA.


ỨNG DỤNG "TỨ NIỆM XỨ" TRONG YOGA 


Trong kinh TỨ NIỆM XỨ [thân, thọ, tâm, pháp] Bốn lĩnh vực quan sát là phương pháp hành trì dùng trực giác để ghi nhận về các sự kiện xảy ra liên quan đến THÂN gồm có: Cảm nhận về hơi thở, các cử động của thân [chuyển động] các tư thế của thân [bất động] và các bộ phận ở trong thân. Đưa tâm hợp nhất với thân thông qua các chuyển động và bất động, nhằm giúp ta kiểm soát hoạt động của thân bằng sự tỉnh giác trong cuộc sống đời thường, đưa ta trở về với lối sống hiện tại. Thông thường khi ta làm một việc gì đó "THÂN TA CÓ MẶT, MÀ TÂM TA KHÔNG CÓ MẶT". Thí dụ như là ta cầm một món đồ vật đặt vào một chỗ nào đó, lúc đó tâm ta không có mặt, và điều gì sẽ xảy ra? Khi cần tìm lại món đồ vật đó, ta sẽ tìm kiếm một cách khổ sở và đầy căng thẳng. Còn như lúc đó tâm ta có mặt [tâm ghi nhận], ta sẽ tìm lại món đồ đó dễ dàng hơn.
Trong cuộc sống sinh hoạt của đời thường, trong lúc làm việc, có những lúc tâm trạng ta không được thoải mái với công việc, chúng ta thường hay bực bội và căng thẳng với công việc mình đang làm, đây là điều thường xảy ra mà chúng ta không biết phải khắc phục bằng cách nào. Vì vậy khi tập YOGA, biết hợp nhất giữa "tâm và thân", dần dần sẽ giúp cho ta ý thức từng cử chỉ, từng hành động của chính mình, và có được sự bình an trong mọi hoạt động. Khi chúng ta chú ý hay cảm nhận vào mỗi động tác của thân trong mọi hoạt động như đi, đứng, nằm, ngồi... thì sự định tâm của ta sẽ trở nên liên tục, đây là phương pháp rất có hiệu quả để phát triển khả năng sự tập trung, định tâm và trí tuệ, và cũng là bước đầu cơ bản để chuẩn bị cho việc Thiền định sau này. Người tập YOGA nên nhớ rằng, tư thế cũng rất cần thiết cho sức khỏe thể chất. Nhưng biết kết hợp với sự chú tâm, sẽ có hiệu quả hơn về mặt tinh thần.


CÓ SỰ TƯƠNG QUAN NÀO GIỮA YOGA VÀ THIỀN


Để tìm hiểu vấn đề này, ta cần phải hiểu YOGA là gì? và THIỀN là gì?
YOGA có nghĩa là ràng buộc các vật vào với nhau. Từ này có nguồn gốc từ tiếng PHẠN. Chữ "jujir" có nghĩa là chấp lại, nối lại. Nhưng sau đó có một ý nghĩa khác được gắn vào thuật ngữ này, cũng bắt nguồn từ gốc PHẠN. Chữ "juj" có nghĩa là kiểm soát ý thức.


Và một ý nghĩa khác nữa. Yoga có nghĩa là tương ứng, khế hợp, hòa hợp, hợp nhất... và cũng hàm chứa ý nghĩa là dung hợp, mặc tưởng, quy nhập, tương ứng, tập trung ý chí... hoặc là tâm và thân tương ứng với nhau đều có thể gọi là YOGA.


Thiền được hiểu một cách đơn giản là cảm nhận, biết rõ, quan sát đối tượng v.v... có rất nhiều phương pháp Thiền khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là giúp cho người tập luyện có thể tập trung chú ý vào một điểm nào đó ở trong hoặc ở ngoài cơ thể, tập trung vào một đề tài, một hình ảnh, một câu chú nhất định nào đó... nhằm đưa con người tiến dần vào trạng thái nhập tĩnh khi tâm không còn bất cứ một ý niệm nào.


Trở lại vấn đề "có sự tương quan nào giữa yoga và thiền". Việc này còn tùy thuộc vào giáo trình của một vị thầy, và phong cách thực hiện mỗi một ASANA. Khi thực hiện một ASANA ta phải thể hiện phong cách như thế nào? Trong lúc thực hiện một động tác có hợp nhất được giữa tâm với thân không? "Nếu hợp nhất được giữa tâm và thân thì Yoga chính là Thiền, và Thiền cũng là Yoga". Còn như không hợp nhất được, thì Yoga cũng giống như môn thể dục thông thường, chỉ có giá trị ở mặt sức khoẻ mà thôi.

YOGA... QUYỀN NĂNG VÀ PHÉP LẠ

Tập Yoga một thời gian dài, tự nhiên sẽ có những khả năng đặc biệt, dĩ nhiên là cần phải kiên trì Tập thiền định [SAMADHI]. Nếu chỉ tập riêng các ASANA thì không bao giờ có quyền năng hay phép lạ được. Nhưng mục đích của Yoga không phải là tìm quyền năng hay phép lạ, mà là giải thoát con người khỏi vòng sinh tử, luân hồi. Các phép lạ nhiều khi lại là một trở ngại cho người tập Yoga. Nếu họ chưa thoát khỏi bản ngã thích được người ta tôn sùng hoặc kính trọng, thì những quyền năng và phép lạ sẽ là những cám dỗ đưa họ đến các cuộc trình diễn và phô trương để tạo ra thanh danh hoặc danh tiếng... rồi từ đó có nhiều người trọng dụng, có tiếng tăm, nhiều tiền bạc... và nó sẽ đưa đến sa ngã cũng không xa lắm. Vì việc mãi mê chạy theo danh vọng sẽ làm mất nhiều thời giờ đáng lẽ dành vào việc tu thân. Vì vậy khi tập Yoga mà có những kinh nghiệm lạ thì nên coi chừng... để tránh sa ngã.


Khi tập Yoga đến độ làm chủ được thân xác, hơi thở, giác quan, cảm xúc và ý nghĩ, thì tự nhiên sẽ có phép lạ. Nhưng lòng ham muốn có phép lạ cũng giống như ngọn đèn treo trước gió. Ngọn đèn sáng nhờ tập Yoga mà có, nhưng có thể sẽ bị gió thổi tắt, làm cho người tập Yoga dễ sa ngã vào vực thẳm của sự ngu tối, và không thể đứng dậy để đi tiếp được nữa. Vậy nếu có phép lạ, người tập Yoga không nên dùng các phép ấy vào những mục đích ích kỷ hoặc làm giàu, tạo thanh danh, tạo thêm sự tín nhiệm để được tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, cũng cố địa vị. Cần cảnh giác, đừng để các phép lạ đó cám dỗ.


Các phép lạ thực ra chẳng có gì lạ cả, nó vẫn có trong mỗi con người chúng ta. Nó trở nên lạ là vì con người ta chạy theo văn minh vật chất, bị tiền bạc lôi cuốn, cám dỗ, nên chỉ biết có tiền mà không biết đến bản chất quý báu đang có sẳn ở trong mỗi con người.


Chúng ta hiện nay đang đứng trước hai ngã đường: Một bên là vật chất, với những danh vọng, tiền bạc, địa vị, uy quyền và hậu quả là sự tranh giành đấu đá lẫn nhau. Một bên là tinh thần với danh dự, liêm sỉ, hy sinh... và kết quả dĩ nhiên của nó là hạnh phúc lâu dài chung cho nhân loại. Con người sẽ tiến theo ngã nào, tùy thuộc vào vấn đề văn minh mà người ta ưa chuộng. VĂN MINH KHOA HỌC HAY VĂN MINH TÔN GIÁO?


Về vấn đề tâm linh, người châu Á chúng ta thường tự phụ có một đời sống tình cảm dồi dào, và tinh thần sâu sắc... nhưng tiếc thay chúng ta chưa khai thác đúng mức đời sống tinh thần ấy. Ước mong rằng văn minh tôn giáo tiến triển kịp thời với đà tiến triển của văn minh khoa học, và con người không còn tranh giành, giết chóc lẫn nhau vì những tham vọng, mà hãy đến với nhau như anh em, không phân biệt màu da, quốc gia, sắc tộc, tôn giáo... Thật mong lắm thay...mong lắm thay.


THIỀN CỦA YOGA


Đạo Phật xuất phát từ minh triết của Ấn độ. Thiền trong đạo Phật cũng bắt nguồn từ Yoga, đây là một sự thật hiển nhiên không cần phải mất nhiều thời giờ để tranh luận. Thời đó Yoga là một trong 6 trường phái Triết học nổi tiếng của Ấn độ. Yoga có những tông phái thực hành Thiền để đạt đến cứu cánh giải thoát. PATANJALI là người có công biên tập tất cả các tài liệu về Yoga trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Bây giờ khi nói đến Thiền, cũng có rất nhiều người liên tưởng đến Yoga. Ngoài Yoga rèn luyện khí lực và cơ thể vật chất là HATHA YOGA, còn có loại Yoga chuyên về luyện tâm, đó là RAJA YOGA. RAJA YOGA quan niệm rằng: Vật chất không tách rời ý thức, và ngược lại. Tâm và Vật là một thực tại thống nhất không thể tách rời. Theo quan điểm của PATANJALI thì: "SỰ TIẾN HOÁ CỦA TÂM, PHẢI BẮT ĐẦU BẰNG SỰ CHUYỂN HOÁ KHÍ LỰC CỦA CƠ THỂ," đây là giai đoạn thứ tư trong RAJA YOGA tức là PRANAYAMA. PRANAYAMA có nghĩa là kiểm soát dòng năng lượng hay là dòng khí đang lưu chuyển. Ở đây tôi cũng nói rõ thêm về PRANAYAMA. Hiện nay trên sách vỡ và trên mạng đều hiểu sai và viết sai hoàn toàn về PRANAYAMA, họ giải thích PRANAYAMA là cách tập luyện hô hấp hoặc luyện thở. Vui lòng xem bài TỔNG HỢP CÁC HIỆN TƯỢNG VÀ CẢM NHẬN KHI TẬP THIỀN NĂNG LƯỢNG [tức PRANAYAMA] và bài THIỀN NĂNG LƯỢNG [PRANAYAMA]. Từ PRANAYAMA sẽ phát sinh ra nhiều kỷ thuật Yoga khác như là: KUNDALINI YOGA, MANTRA YOGA, KRIYA YOGA, TANTRA YOGA, v.v...


Ngày xưa cách đây hơn 5000 năm, các đạo sư khi thiết lập một môn phái mới đều phải tập luyện PRANAYAMA một cách tinh thông nhất. Ngày nay các đạo sư chỉ tập hợp một vài ASANA của các trường phái Yoga mà đã vội lập ra môn phái mới, vì vậy sẽ không còn những bài tập chính thống mang truyền thống của Yoga. Ngày xưa học Yoga thì phải tầm sư học đạo, lạy thầy sói trán mà không biết thầy có nhận làm học trò hay không nhận. Ngày nay học YOGA mà cũng giống như học vi tính, học anh văn. Đóng tiền mới được học, còn không tiền thì đừng mong được học. Các thầy dạy YOGA mục đích là lợi nhuận, là kinh doanh, vì vậy làm sao có những phương pháp tối thượng để truyền lại cho đời sau. Người thầy dạy Yoga mà chỉ với mục đích kinh doanh và lợi nhuận như vậy, thì làm sao có được những phương pháp hay để ta theo học. Chưa nói đến là họ thổi phồng lên quá mức những cái mà họ làm chưa được hoặc không được, chẳng hạn như là làm giảm cân cấp tốc trong vòng một tuần lễ, hoặc là làm giảm căng thẳng trong một tháng v.v...


BƯỚC KHỞI ĐẦU HỌC ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT


Ngay từ thuở nhỏ, lúc 7 tuổi ngài đã theo học các đạo sĩ phái Bà La Môn, chẳng hạn như ông Tỳ xa mật đa la [VISVAMITRA] và ông tướng vỏ Sằn đề đề bà [KSAUTIDIVA]. Dần dần ngài thông hiểu khoa nghị luận và triết lý. Khi lớn lên ngài theo các học giả phái SỐ LUẬN để tu học, nên vô hình trung ngài cũng đã hấp thu hệ thống giáo lý này. Đây là một sự thật, không cần phải mất nhiều thời giờ để tranh cãi. Chẳng hạn như tư tưởng vô ngã hoặc phi tưởng phi phi tưởng xứ ở cõi vô sắc được Phật giáo nói đến đều thuộc giáo nghĩa của phái SỐ LUẬN. Trong kinh cũng đã nói rõ, đức Phật thuyết tứ thiền, tứ định v.v... đều thuộc giáo pháp YOGA. Đức Phật theo tiên nhân alalacalan đã nói đến vô sở hữu sứ định trong bốn định của cõi vô sắc. Theo uất-đà-la-la-ma-tử đã thuyết phi phi tưởng xứ. Nhưng đến đây ngài thấy vẫn chưa phải là cứu cánh, nên tìm cho mình một hướng đi riêng. Cuối cùng cái mà ngài đạt được là cã NGÃ và PHÁP đều diệt, chứng đắc rốt ráo CHÂN VÔ NGÃ và PHÁP VÔ NGÃ. Đến đây thì ta cũng đã biết rằng đạo Phật xuất phát từ đâu và do đâu mà có.


NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN THIỀN CỦA PHẬT GIÁO


Để trả lời vấn đề này, ta quay ngược thời gian trở về thời Ấn độ cổ. Ấn độ là một cổ quốc của nền văn hoá thế giới, dân tộc này mang rất nhiều tư tưởng thần bí, đặc biệt là ý nghĩa tôn giáo trong tư tưởng thần bí này. Nếu mở trang sử tôn giáo Ấn độ ra xem, chúng ta sẽ thấy hệ thống tôn giáo của nhân loại hầu như chi chít trong đó. Hoặc thành kính sùng bái thiên nhiên, hoặc mang tư tưởng sâu sắc, hoặc khổ hạnh nghiêm khắc để tìm cầu giải thoát, hoặc ham thích khoái lạc ở cõi trời v.v... tất cả đều thuộc tư tưởng mang tính tôn giáo. Trầm tư mặc tưởng là đặc tính của dân tộc nhả lợi an, người ta lúc nào cũng ưa thích trầm tư, tĩnh lự để tìm cầu niềm vui tối thượng. Trong quá trình phát triển, dân tộc này đã tiềm tàng một suối nguồn vô tận bởi tư tưởng THIỀN. Chính đức Phật Thích Ca là một phần của dân tộc nhả lợi an, đương nhiên là ngài cũng hấp thụ được đặc tính chất đặc biệt của dân tộc này.


Ấn độ là một đất nước không có THIỀN TÔNG, vì Ấn độ vốn không có một tông phái Thiền mang tính độc lập, nên không thể thiết lập được một danh từ nào trong lịch sử Thiền tông, mà chỉ có thể nói về nguồn gốc của THIỀN [tức DHYANA] một cách chung chung trong lịch sử Phật giáo Ấn độ. Ấn độ đã lấy từ DHYANA [tức thiền na] làm căn nguyên tư tưởng này để phát triển. DHYANA có nghĩa là "dòng chảy tâm trí vào một đối tượng" hoặc "chế ngự tâm tại một chỗ".


Trong tư tưởng triết học của người Ấn độ cổ đại, nhiều học phái ra đời và phát huy mạnh mẽ. Khảo cứu về niên đại ra đời của 6 phái đại triết học này thì mỗi phái đều có mỗi thuyết khác nhau, nhưng tư tưởng của chúng đều bắt nguồn từ triết học ưu ba ni sao thổ [UPANISHAD]. Vì thời đại triết học UPANISHAD rất xem trọng phép THIỀN QUÁN, nhưng thời đại tư tưởng trung kỳ của triết học UPANISHAD thì Thiền na lại bao quát cả phái DU GIÀ [YOGA]. DU GIÀ có nghĩa là tương ứng, hợp nhất, hoà hợp, khế hợp... cũng có nghĩa là THIỀN ĐỊNH. Trong 6 phái đại triết học này, thì phái DU GIÀ tức Yoga sau này được Đức Phật triển khai. Thiền của Đức Phật thông qua sự an toạ, tu duy mà ngài hoát nhiên đại ngộ. Nói về căn nguyên của Phật giáo thì Đức Phật chứng được tam muội [SAMADHI] cũng nhờ vào Thiền na [tức DHYANA].


CẢM NHẬN VỀ THIỀN


Thiền là một trạng thái tâm thức không thể định nghĩa, không thể miêu tả, mà phải do tự mỗi người thực nghiệm. Trong nghĩa này Thiền không nhất thiết phải liên hệ với bất cứ tôn giáo nào, kể cả Phật giáo. Trạng thái tâm thức vừa nói trên đã được các vị thánh nhân xưa nay của mọi nơi trên thế giới, mọi thời đại và văn hóa khác nhau trực nhận và miêu tả bằng nhiều cách.


Thiền giúp con người khám phá bản thể thật sự của mình đang mỗi lúc hiện diện. Người học Thiền không cần phải tin theo bất cứ một tôn giáo nào, hoặc là phải theo một tôn giáo nào. Mà thông qua sự tập luyện, phát triển tâm linh của chính mình để cảm nhận được sự thay đổi của bản thân, và từ đó sẽ trở thành con người hoàn toàn đổi mới từ tinh thần đến thể xác.


Thiền không phải là những lý luận được chỉ dạy hoặc dựa vào tín ngưởng của một tôn giáo nào để đắc quả. Thiền vượt trên cả lý tính và tín ngưởng, hướng vào những thực nghiệm, trải nghiệm và đại giác tâm linh của chính mình mà phát sinh trí tuệ, giác ngộ, giải thoát.


Thiền là sống, là sáng tạo, luôn luôn mới mẻ tinh khôi, không nằm trong một khuôn khổ chết hay một ước lệ nào. Thiền là mình tự thể nghiệm, đọc luận giải của người khác thường làm cho ta khó hiểu. Vào Thiền phải buông bỏ những kiến thức vay mượn ở bên ngoài để phát triển trí vô sư, trí tự nhiên nơi mỗi con người. Đây là con đường thể nghiệm chân lý trực tiếp nơi chính mình, không qua trung gian của ý thức, suy luận. 


HỌC THIỀN CÓ CẦN PHẢI ĐỌC THÊM SÁCH VỠ KHÔNG?


Trả lời rằng: KHÔNG CẦNCẦN
. Học thiền là học một "PHƯƠNG PHÁP ĐỂ HÀNH THIỀN", chứ không phải là học "NHỮNG CÁI CHỨNG ĐẮC CỦA VỊ THẦY", dù những chứng đắc ấy là của một vị Phật, hoặc của những vị Tổ sau này. Điều sai lầm của những người "tu Thiền" ngày nay là họ thường đem kinh sách THIỀN ra để mà bàn luận và giảng giải xuyên qua sự hiểu biết của mình, ở trong Phật giáo gọi đó là hý luận, hay là sở tri chướng.
. Việc đọc sách sẽ giúp cho ta có thêm kiến thức, chứ không thể giúp cho ta có thêm kinh nghiệm. Khi kiến thức quá nhiều sẽ làm cho ta tưởng là đã có kinh nghiệm. Chính cái kiến thức này sẽ làm lu mờ cái trí vô sư của người tu Thiền. Nói chuyện về Thiền mà cứ mượn của người khác để nói... ở trong văn học gọi là đạo văn, ở trong âm nhạc gọi là đạo nhạc.
. Những thiên tài văn học, họ không bao giờ đọc một tác phẩm của bất kỳ một nhà văn nào, những thiên tài về âm nhạc, họ không cần nghe bất cứ một đoạn nhạc nào của bất kỳ một nhạc sĩ nổi tiếng nào. "Và cần đọc sách là khi ta đã giác ngộ, khi ấy sách chỉ là chứng minh, hoặc ấn chứng cho sự giác ngộ của ta mà thôi."
NHƯ VẬY MỚI LÀ NGƯỜI GIÁC NGỘ.

CHÂN DUNG MỘT ĐẠO SƯ ĐẮC ĐẠO

Đối với những ai mới bắt đầu học: Yoga, Thiền, Năng lượng, Cảm xạ, Khí công, Nhân điện, v.v... và rất nhiều phương pháp khác, họ thường không thể nào phân biệt được một đạo sư đắc đạo hay chưa đắc đạo. Khi được học với người đắc đạo thì sự thành công là điều dễ hiểu. Còn nếu gặp phải người chưa đắc đạo hướng dẫn, có khi cả thầy và trò đều rơi xuống vực sâu, bởi vì ngay cả chính thầy cũng còn đang mày mò [đi mà chưa đến]. Dạng thầy như vậy rất nhiều. Vậy thì " CÓ TIÊU CHUẨN NÀO ĐỂ ĐÁNH GIÁ ĐƯỢC THẦY ĐẮC ĐẠO HOẶC CHƯA ĐẮC ĐẠO"? 


  NGƯỜI CHƯA ĐẮC ĐẠO LÀ NGƯỜI CÒN TRONG VÒNG "TRANH CHẤP NHỊ NGUYÊN," CÒN KẸT TRONG SO SÁNH, ĐỐI ĐÃI


- Khi bạn nghe một vị thầy nào đó nói rằng phương pháp của mình rất hay, hoặc tôn giáo của mình rất hay, thường chê bai phương pháp của người khác hoặc tôn giáo của người khác, thì phải hiểu ngay là người này chưa đắc đạo.


Thí dụ, họ nói "thiền của mình là chính pháp," còn thiền của các phương pháp khác hay tôn giáo khác là tà pháp, tà ma, ngoại đạo. Ngay ý này đã nói lên sự chê bai, khinh rẻ... Người này không xứng đáng làm thầy để cho ta theo học, dù đang được nhiều người kính trọng.


- Nguời chưa đắc đạo là người rất sợ học trò hoặc tín đồ của mình theo phương pháp khác hay tôn giáo khác. Họ không dám khuyến khích học trò của mình tìm hiểu thêm những cái hay của người khác mà ngược lại họ khuyến khích đệ tử phát triển ra nhiều thêm phương pháp của mình.


- Ngày nay có rất nhiều thầy, có nhiều môn phái hoặc có nhiều phương pháp Thiền. Phần đông còn đang ở dạng tu luyện chứ chưa có đắc quả vị của Phật, họ chỉ dừng lại ở mức độ phát triển trí tuệ hoặc văn tuệ mà đã vội ra thuyết pháp, thu phục những tín đồ, thay vì hãy dành thời gian cho việc tu tập có lẽ hay hơn, dạng thầy như vậy hiện nay rất nhiều. Đời người quá ngắn ngủi, sao họ không dành thời gian tu luyện ở một kiếp này để đắc quả, nếu chờ qua kiếp sau nữa để tiếp tục tu luyện thì không biết là có được không? Hay là mãi mê trôi theo dòng sanh tử, luân hồi.


- Đem câu chuyện trên, trao đổi với một vài người, thì họ lại nói rằng "nếu không thuyết pháp, thì ai là người hướng dẫn Phật pháp cho chúng sinh". Chuyện đó anh khỏi phải lo cho con bò trắng răng. Anh không thuyết pháp thì vẫn có người khác thay cho anh, còn riêng anh, hãy lo tu tập để có kết quả ngay ở một kiếp này. Ngày xưa đức Phật đã giác ngộ rồi sau đó mới đi thuyết pháp, ngày nay tu Thiền mới sáng sáng một chút là đã đi thuyết pháp rồi.


- Người thầy đắc đạo là người thầy nhìn rõ được căn cơ của từng người và đề xuất ra một phương pháp tu tập thích hợp với người đó, giúp cho người đó được tiến bộ nhanh hơn, giống như một thầy thuốc giỏi, tuỳ theo bệnh mà cho thuốc. Chứ không phải như các quý thầy ngày nay, cứ Phật tử nào họ cũng dạy niệm Phật, hay là tập sổ tức hoặc theo dõi hơi thở.

1 comment:

vanmylan said...

Rất hay, rất sâu. Xin Cám ơn đã truyền đạt