Wednesday, May 2, 2012

BỖNG DƯNG MUỐN... ĐI TU


Bùi Hiền
Giới trẻ ở Hà Nội đang có xu hướng lên chùa tu thiền với mong muốn cho tâm tĩnh lặng và thảnh thơi.
Thiền cho tâm an ổn, thanh tịnh
Những người chưa biết đến đạo Phật đều nghĩ “chỉ có thất tình, chán công việc mới đi tu”, đi tu là phải vào chùa xuống tóc, phải hạn chế nhiều điều so với cuộc sống đời thường.
Đó là một quan niệm không chính xác, chưa hiểu hết về Phật. Theo đạo Phật thì tu chính là dần sửa mình, là tu thân tích đức, tu tâm dưỡng tính, chỉ làm cho mỗi người tốt lên chứ không gây thiệt thòi gì.
Bạn Trần Minh Trang (Ngân hàng Á Châu) cho hay: “Làm trong ngành tài chính với nhiều áp lực nên lúc nào cũng mệt mỏi và căng thẳng nhưng từ ngày tu thiền mình cảm thấy thảnh thơi, giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực. Đặc biệt, tu thiền đã giúp mình hạn chế được sự nóng giận, tham lam ích kỷ và nhất là dẹp được si mê”.
Ở Hà Nội hiện có gần 10 địa chỉ tu thiền được sinh hoạt dưới hình thức câu lạc bộ Phật tử rồi mở rộng như Đoàn Thanh niên Phật tử (TNPT) chùa Quán Sứ, Đoàn TNPT Về Nguồn chùa Đình Quán, Đoàn TNPT chùa Lý Triều Quốc Sư, Đoàn TNPT Trần Thái Tông Thiền viện Sùng Phúc...
“Sau một thời gian dài sinh hoạt ở chùa Đình Quán, tôi đã tự tin lên rất nhiều. Không sợ đối mặt với những điều không hay sẽ xảy đến với mình. Nhờ tu thiền mà tôi tìm thấy sự yên tĩnh trong tâm hồn, không còn cáu gắt, nổi nóng và lo nghĩ như trước nữa” - chị Hoàng Phương Thảo (Từ Liêm - Hà Nội) tâm sự.
Theo chị Thảo, đến chùa ngoài việc được nghe các Sư Thầy hướng dẫn tu thiền, còn được nghe giảng về Phật pháp, được giải đáp những khúc mắc trong cuộc sống và trao đổi kiến thức để thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, đồng thời tạo sợi dây kết nối chặt chẽ trong cộng đồng Phật tử nói chung, tình đạo hữu nói riêng.
Từ tu thiền đến sự giác ngộ
Nhịp sống hiện đại ngày càng gấp gáp khiến con người nhiều lúc cảm thấy “hụt hơi”. Sau một đợt bận rộn, chật vật để mưu sinh, nhiều người trẻ bắt đầu cảm thấy dường như cơ thể không còn biết “nghe lời”.
Đại đức Thích Thiện Tài (Quản chúng tại Thiền viện Sùng Phúc) chia sẻ: “Khi con người có dấu hiệu của sự không làm chủ được suy nghĩ, bản thân mà cứ mải mê lao theo những mục đích không nằm trong những nhu cầu căn bản nhất như: ăn, ngủ, mặc, ở... rồi đau khổ vì chính những điều phù phiếm đó, ấy là khi ta cần tìm đến tu thiền”.
“Tu thiền là một phương pháp tu luyện bản thân theo tinh thần Phật giáo, để cái tâm không tán loạn, không còn tham, sân, si... Đặc biệt là tu thiền còn để tâm bình, khí hòa, biết chắt lọc những điều hay dở” - Đại đức Thiện Tài khẳng định.
Trong xã hội ngày càng nhiễu loạn giữa các luồng thông tin, tu thiền theo Phật giáo cũng đang là cách mà nhiều phụ huynh đang hướng cho con cái họ để tiếp nhận được sự an lạc.
Người biết tu thiền sẽ biết nhìn nhận một cách thấu đáo về bản thân mình, không xét nét lỗi lầm của người khác mà chỉ tập trung hoàn thiện bản thân nhằm đạt được cái đích cuối cùng. Đó là trí thông minh tuệ giác và cái tâm thanh tịnh, an bình.

CÕI ÂM VÀ VẤN ĐỀ NGOẠI CẢM


Thời gian gần đây, báo chí có đưa tin về việc các nhà ngoại cảm đi tìm mộ liệt sĩ và tiếp xúc được với người “cõi âm”. Phật giáo giải thích hiện tượng này thế nào? Quan điểm của Phật giáo là thần thức sau khi chết tối đa là 49 ngày thì tái sanh vào một thế giới tương ứng với nghiệp thức. Nếu đã tái sanh vào cõi khác thì “ai” tiếp xúc với các nhà ngoại cảm? Tại sao có những người chết cách nay hàng trăm năm vẫn tiếp xúc được với các nhà ngoại cảm? “Cõi âm” mà các nhà ngoại cảm tiếp xúc được nằm ở đâu trong lục đạo.
Việc các nhà ngoại cảm tìm được hài cốt của những người chết nhờ tiếp xúc với người “cõi âm” được báo chí công bố gần đây là điều có thật và rất đáng trân trọng. Thực ra, khả năng ngoại cảm của con người được biết đến từ thời xa xưa. Các nước trên thế giới, từ lâu, đã nghiên cứu và ứng dụng ngoại cảm vào nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó có cả quân sự.
Và các nhà khoa học Việt Nam, từ khoảng 15 năm nay, đã bắt đầu nghiên cứu một cách nghiêm túc về các hiện tượng đặc biệt của con người, trong đó có ngoại cảm. Tiên phong trong lĩnh vực này là các cơ quan như Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, Trung tâm Bảo trợ Văn hóa truyền thống và Bộ môn Cận tâm lý Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người.
Trước hết, Phật giáo không hề có quan niệm về một dạng sống được gọi là “cõi âm”. Thế giới quan của Phật giáo là vô lượng vô biên thế giới, hằng hà sa số thế giới, trong đó có thế giới Ta bà gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Hai cõi Sắc và Vô sắc là cõi giới của thiền định. Cõi Dục gồm lục đạo là các loài Trời, A tu la, Người, Ngạ quỷ, Súc sanh và Địa ngục. Cõi âm hoặc âm phủ chỉ là quan niệm dân gian dùng để chỉ thế giới của người chết đối lập với cõi người sống (cõi dương).
Đối với các bậc chân sư Phật giáo đã chứng đạo, khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm là chuyện bình thường, không có gì xa lạ cả. Những thiền sư, nhờ tu tập thiền định mà thành tựu Tam minh và Lục thông. Trong đó, khả năng của các nhà ngoại cảm hiện nay có thể xem như là một phần nhỏ của Thiên nhãn thông (năng lực thấy rõ mọi thứ, không ngăn ngại), Thiên nhĩ thông (năng lực nghe được tất cả các dạng âm thanh) và Tha tâm thông (năng lực biết được tâm ý của người cùng các chúng sanh khác).
Chỉ có điều, các hành giả Phật giáo hiếm khi tuyên bố về thần thông, bởi thần thông thường thành tựu trước trí tuệ (chứng đắc Tứ thiền đã có năng lực của Ngũ thông, trừ Lậu tận thông) và chấp thủ hay lạm dụng vào thần thông sẽ chướng ngại giải thoát tối hậu. Vì vậy, các hành giả Phật giáo khi có sở đắc về thần thông thì đa phần thường im lặng. Đối với giới khoa học, Thiếu tướng Chu Phác, Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, khá am tường Phật giáo khi nhận định: “Việc ‘thấy’ của các nhà ngoại cảm xét dưới góc độ khoa học hiện đại thực ra là hiện tượng Thiên nhãn thông, một trong mười lợi ích của thiền định”.
Sau khi chết, thần thức thường trải qua giai đoạn trung gian, chuyển tiếp trước khi tái sanh. Khoảng thời gian cho giai đoạn mang thân trung ấm này tối đa là 49 ngày, ngoại trừ hai trường hợp cực thiện và cực ác thì tái sanh ngay lập tức vào cõi Trời hay cõi Địa ngục. Tuy nhiên, còn có trường hợp đặc biệt của thân trung ấm do chết đột ngột (đột tử) và chết một cách oan ức thì thần thức hoặc “không biết” mình đã chết, hoặc do oán hận ngút ngàn mà cận tử nghiệp bám chặt, chấp thủ kiên cố vào trạng huống “hiện tại”, được gọi là các “oan hồn”, cần phải khai thị (giải nghiệp) mới có thể chuyển kiếp, tái sanh.
Ngoài các thân trung ấm, những “oan hồn”, các nhà ngoại cảm còn tiếp xúc được với những chúng sanh trong loài Ngạ quỷ. Nhà ngoại cảm Bích Hằng đã nói rất chính xác: “Thế giới người âm rất đa dạng, phong phú, chia thành nhiều giai tầng”. Chúng sanh loài Ngạ quỷ chiếm nhiều nhất so với các loài khác trong lục đạo. Những đối tượng mà con người gọi là “ma, quỷ, thần linh nói chung…” đều thuộc “những giai tầng” của loài Ngạ quỷ này.
Như vậy, “cõi âm” mà các nhà ngoại cảm tiếp xúc được bao gồm các chúng sanh đang ở giai đoạn thân trung ấm, các “oan hồn” và loài Ngạ quỷ. Nhà ngoại cảm Bích Hằng cũng nói rõ là “tôi chưa thấy địa ngục của người cõi âm bao giờ”, bởi chỉ những người tạo các ác nghiệp và các bậc Đại Bồ tát có đầy đủ thần lực mới vào được địa ngục mà thôi.
Hiện nay, các nhà ngoại cảm thường tìm kiếm hài cốt theo hai hướng.
Khuynh hướng thứ nhất là các nhà ngoại cảm “thấy” được hài cốt, vẽ lại sơ đồ chi tiết khu vực ấy và hướng dẫn thân nhân tìm kiếm. Trường hợp này nhà ngoại cảm chỉ sử dụng khả năng “thiên nhãn thông” của mình để tìm kiếm và phát hiện hài cốt mà không cần trợ giúp của “chủ nhân” chính hài cốt ấy. Bởi hầu hết những hài cốt này chỉ là phần thân xác vật chất đơn thuần (địa đại-đất), còn thần thức đã theo nghiệp tái sanh.
Tuy nhiên, vì các nhà ngoại cảm chưa thành tựu Đại định (tam muội) nên năng lực “thấy” của họ thường chập chờn. Tùy thuộc vào cấp độ định tâm hay trạng thái tâm của họ khi làm việc mà “thấy mờ hoặc tỏ” khác nhau, phải điều chỉnh nhiều lần mới tìm ra vị trí chính xác của hài cốt. Năng lực thấy rõ không có gì ngăn ngại này của các nhà ngoại cảm còn được vận dụng để tìm kiếm khoáng sản, thăm dò lòng đất (ngành mỏ-địa chất), khả năng khám, chữa bệnh (ngành y khoa) v.v… hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, khai thác và ứng dụng.
Khuynh hướng thứ hai thì ngược lại, nhà ngoại cảm tiếp xúc với người “cõi âm” và họ chỉ cho nhà ngoại cảm thấy hài cốt của chính họ hoặc những người khác. Trường hợp này, sự trợ giúp của người “cõi âm” vô cùng cần thiết, do đó nhà ngoại cảm và thân nhân phải có lòng thành. Vì người “cõi âm” biết được tâm ý của chúng ta cho nên nếu lòng không trong sáng, tâm không thành khẩn, làm việc vì danh lợi thì sẽ thất bại. Những chúng sanh mang thân trung ấm, những “oan hồn” và loài ngạ quỷ đều có thể tiếp xúc được với nhà ngoại cảm để truyền thông những thông tin cần thiết.
Ở đây, trường hợp đặc biệt cần lưu tâm là các “oan hồn”. Như đã nói những người chết “bất đắc kỳ tử”, chết trong oán hận tột cùng rất khó tái sanh. Mặc dù phần lớn các luận sư Phật giáo đều cho rằng thời gian thích hợp cho tái sanh của thân trung ấm thường tối đa là 49 ngày nhưng “oan hồn” là một ngoại lệ. Theo luận sư Pháp Cứu (Dharmatrata), tác giả Tạp A tỳ đàm tâm luận (Samyutara Abhidharmahridaya) thì thân trung ấm tồn tại không hạn chế thời gian nếu nhân duyên chưa đủ để đầu thai (xem thêm Đại cương luận Câu xá, tác giả Thích Thiện Siêu, NXB Tôn Giáo, 2000, tr.109).
Kế thừa quan điểm này, về sau vị chân sư Phật giáo Tây Tạng Sogyal Rinpoche, bằng tuệ giác chứng ngộ của mình, trong Tạng thư sống chết (Thích nữ Trí Hải dịch) khẳng định: “Toàn thể trung ấm tái sanh kéo dài trung bình 49 ngày, và ít nhất là một tuần. Nhưng cũng còn tùy, giống như hiện tại có người sống tới trăm tuổi, trong khi kẻ khác chết non. Một số lại còn bị kẹt trong thế giới trung gian để thành ma quỷ (18- Bardo tái sanh)” hay “Những người đã có cái chết kinh khủng hay đột ngột rất cần được giúp đỡ. Những nạn nhân của ám sát, tự sát, tai nạn, chiến tranh, thường rất dễ rơi vào sợ hãi đau đớn, hoặc ở mãi trong kinh nghiệm khủng khiếp về cái chết của họ, do đó không thể tiến đến giai đoạn tái sanh (19- Giúp đỡ sau khi chết)”. Vì những lý do trên, có những trường hợp tuy đã chết rất lâu nhưng vẫn chưa được tái sanh.
Phần lớn những người “cõi âm” mà nhà ngoại cảm tiếp xúc, mô tả hình dáng, tính cách của họ đúng như dáng vẻ, tâm trạng lúc chết đều ở trong trường hợp này. Chính việc thần thức “ở mãi trong kinh nghiệm khủng khiếp về cái chết”, “bị kẹt trong thế giới trung gian” (lời của Sogyal Rinpoche), sự chấp thủ kiên cố, bám chặt vào trạng huống “hiện tại” trước khi chết đã tạo ra một dạng sống gọi là “oan hồn”. Do đó, Phật giáo thường lập đàn tràng Giải oan bạt độ và Chẩn tế âm linh cô hồn. Giải oan là tháo gỡ sự chấp thủ, khai thị cho “oan hồn” hiểu giáo pháp mà buông xả, tỉnh ngộ để tái sanh. Chẩn tế là ban phát thực phẩm cho loài ngạ quỷ được no đủ, đồng thời khuyến hóa họ hồi tâm hướng thiện để sớm chuyển nghiệp, siêu thăng.
Như vậy, thế giới “cõi âm” vô cùng đa dạng và phức tạp, những nhà ngoại cảm nhờ có nhân duyên đặc biệt nên tiếp xúc được với họ, giúp họ truyền thông với con người. “Thông điệp” của người “cõi âm” cũng không ngoài tình thương, sự trân trọng, quan tâm lẫn nhau và đề cao các giá trị đạo đức, tâm linh. Chính những tâm tư của người “cõi âm”, nhất là các “oan hồn” đã góp phần tạo nên khí vận quốc gia, hồn thiêng sông núi. Do đó, việc cầu nguyện cho âm siêu dương thái theo pháp thức Phật giáo là điều cần làm.
Ngày nay, các nhà khoa học đang nỗ lực khám phá hiện tượng ngoại cảm theo hướng trường sinh học hay năng lượng sinh học. Tuy nhiên, nếu chỉ thiên về nghiên cứu “vật chất” thì sẽ khó tiếp cận trọn vẹn vấn đề, bởi “sắc tức thị không, không tức thị sắc” (Tâm kinh). Đó là chưa kể đến hoạt dụng của tâm thức A lại da bao trùm khắp cả pháp giới, siêu việt cả tâm lẫn vật, theo Duy thức học, chỉ có tu tập thiền định mới có thể khai mở và thành tựu kho tàng tuệ giác này.

(Theo Giác Ngộ)

Thursday, April 12, 2012

ĐỪNG RƠI VÀO MA NGHIỆP

Thích Thái Hòa

(TG&DT) - Tôn giáo không thể nào tự có, nếu con người không có niềm tin. Và Tôn giáo không thể nào chân chính, khi viện dẫn những quyền lực siêu nhiên để khủng bố con người và vinh danh Thần linh để giết hại con người và muôn thú.

Tôn giáo nào không bảo vệ và tôn trọng sự sống của con người và chúng sinh, mà trái lại khủng bố con người và giết người hàng loạt để vinh danh Thần linh, thì Tôn giáo ấy không phải là Tôn giáo của con người và chúng sinh; hoặc khi vị giáo chủ của Tôn giáo ấy ra đời, mà những tín đồ phụng thờ vị giáo chủ ấy, giết hại chúng sinh để hiến tế hay ăn mừng, thì Tôn giáo ấy cũng không phải là Tôn giáo của con người và cũng không có ân đức gì với chúng sinh khi vị ấy xuất hiện. Tôn giáo ấy chỉ là Tôn giáo của những kẻ thiếu nhân văn và cuồng tín.

Nó trở thành độc hại, cản trở bước tiến của thế giới con người về nơi chân thiện và vị tha. Đức tin cuồng tín và mù quáng thường dẫn sinh bạo động và chiến tranh.

Lịch sử của xã hội nhân loại đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ điều ấy. Những kẻ kinh doanh Tôn giáo xưa và nay, đều lợi dụng đức tin mù quáng và yếu hèn của tín đồ, để ru ngủ và mê hoặc bởi những điều hứa hẹn mơ hồ, huyễn hoặc, nhằm kiếm lợi nhuận hay kích động những tính chất bạo động nơi những người có đức tin Tôn giáo mù quáng, tạo nên những chiến tranh dân tộc, thuộc địa, ý thức hệ hay tín điều mà thủ lợi không phải là những người cầm súng ra chiến trường hay là những người tiêu thụ súng đạn, mà nơi những nhà chủ trương sản xuất súng đạn và cổ vũ chiến tranh dưới nhiều hình thức và danh nghĩa khác nhau để có lợi nhuận và quyền uy.

Triết học cũng không thể nào tự có, nếu con người không có tư duy. Nhưng những tư duy sai lầm, sẽ tạo thành một hệ thống triết học dẫn xã hội con người đến chỗ phá sản tri thức và nhân tính.

Người dân chất phác, những tư duy của họ chỉ nghĩ về cơm ăn áo mặc, nhà ở mà họ không có hệ thống triết học lý luận cho họ về nhà ở, áo mặc và cơm ăn. Vì vậy, ai cho họ nhà ở thì họ theo, ai cho họ cơm ăn, áo mặc thì họ cúi đầu và ai cho họ niềm tin thì họ thờ phụng.

Nhưng, người có lương tâm, thì không nên sử dụng những phương tiện cơm ăn, áo mặc, nhà ở, niềm tin mù quáng để dụ dỗ và mê hoặc lòng họ. Nói dối với trẻ thơ, thì tội lỗi gấp mười lần so với nói dối với người lớn! Và nói dối với nhân loại thì tội lỗi tăng lên gấp cả triệu lần so với sự tự lừa dối chính mình.

Và sự tự lừa dối chính mình, thì không có bất cứ khả năng nào để có thể tự cứu rỗi và cũng không ai có thể cứu rỗi nổi người tự lừa dối.

Văn hóa, học thuật và nghệ thuật cũng có gốc rễ từ nơi tư duy của con người. Tư duy sai lạc, thì văn hóa, học thuật, nghệ thuật biểu hiện từ tư duy ấy cũng chỉ là những sản phẩm phù phiếm, nửa vời, như những người ngồi bên nầy bán cầu mà khen ngợi hay chỉ trích những gì đang diễn ra ở bên kia bán cầu!

Những người ở bên nầy bán cầu chỉ trích hay khen ngợi những gì đang xảy ra ở bên kia bán cầu, họ nào đâu có biết là ở bên kia bán cầu đang sinh hoạt trong những thời điểm và những tư duy mà những múi giờ chuyển động của địa cầu đang hoàn toàn chênh lệch và trái ngược, vì vậy mà bên nầy mọi người đang ngủ thì bên kia mọi người đang thức, người đang thức có thể nói gì với người đang ngủ và người đang ngủ nghe và hiểu được gì từ những ngôn ngữ hay ý tứ của người đang thức!

Con người không có tư duy, thì chẳng có gì để gọi là văn hóa, học thuật và nghệ thuật cả.

Người có tư duy hữu ngã và ích kỷ, thường muốn đem tư duy của mình áp đặt lên tư duy của người khác và buộc người khác đi theo hướng tư duy của mình. Họ biến con người trở thành những con bò và họ tự biến họ trở thành những kẻ chăn bò và họ là kẻ chăn bò cho một người chủ duy nhất do họ tưởng tượng.

Tưởng tưởng về một ông chủ hay một bản ngã sẽ đưa con người đi tới với đời sống của tham lam, thù hận, bạo động, chiến tranh, thất vọng và khổ đau. Đây là chân lý, vì nó không riêng gì cho người bên này bán cầu hay bên kia bán cầu. Không riêng gì cho người có Tôn giáo hay không Tôn giáo. Không riêng gì cho người xưa hay người nay và không riêng gì cho kẻ trí thức hay người mông muội.

Hễ đứng ở đâu, ở thời điểm nào mà có tư duy hữu ngã và ích kỷ, thì có lòng tham, có sự sân hận, có mù quáng và nhất định chúng sẽ dẫn sinh tranh cãi, bạo động, chiến tranh, sợ hãi, thất vọng và khổ đau.

Nên, tư duy hữu ngã, sẽ tao ra nền văn hóa hữu ngã. Văn hóa hữu ngã chỉ là văn hóa của chiến tranh, mọi học thuật đi từ hữu ngã là để đầu độc thực hiện chiến tranh và mọi nghệ thuật đi từ hữu ngã chỉ là để kích động chiến tranh, nên khổ đau xẩy ra là điều tất yếu, không có gì để cho ta ngạc nhiên.

Ở nơi nào có “tự ngã” ở nơi đó có hận thù và chiến tranh. Hòa bình không bao giờ có mặt ở nơi những Tôn giáo hay nơi những nền văn hóa giáo dục, nghệ thuật, âm nhạc đề cao tự ngã với những tham vọng quyền năng, gom thu hết cả muôn dân về một đầu mối.

Bản chất của lòng tham là xấu và nó là thuộc tính tạo nên tội lỗi. Lòng tham càng lớn thì tính xấu càng nhiều và thủ đoạn càng lắm, cho dù nó có khoác lên bất cứ hình thức áo mão hay ngôn ngữ diễm lệ hoặc ca nhạc thánh thần nào.

Lòng tham là nguồn gốc của mọi tội lỗi và là nơi cất chứa của mọi thù hận và mù quáng! Phụng thờ và khiếp nhược trước thần linh, không phải là đi từ tính cách lễ phép của con người, mà đi từ nơi tính chất hèn yếu, ích kỷ và tham lam của nó.

Con người càng ích kỷ, thì họ càng đam mê thần linh và họ muốn vay mượn thần linh để thỏa mãn những nhu cầu ích kỷ của họ. Nhưng không có thần linh nào ở trên trời hay ở dưới đất có thể đáp ứng nổi lòng tham của con người. Con người có thể yếu đuối về thể chất, nhưng lòng tham của họ lại mãnh liệt và dẻo dai vô cực.

Thần linh thì không làm cho ai mê muội, nhưng mê muội là do tính ích kỷ nơi con người đối với thần linh. Thần linh là sự linh thiêng, trong sáng và linh hoạt của tinh thần. Thần linh như thế ai cũng có, loài nào cũng có và ngay cả nơi muôn vật cỏ cây cũng đều có. Có mà không có khả năng biểu hiện là do tính tham dục nơi tâm con người và chúng sinh hay do tính chất tiếp nhận hỗn tạp thiếu gạn lọc từ nơi các lưu mạch của mọi sự hiện hữu.

Người đệ tử của Phật, có ba pháp hành cần phải thực tập mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày để lọc đi những tạp nhiễm của thân tâm, khiến cho nguồn mạch sáng trong, linh tâm tinh duệ. Ba pháp hành ấy chính là Văn Tư Tu.

Văn là lắng nghe, để lọc những gì tạp nhiễm do nghe đem lại, khiến cho tâm không bị ô nhiễm bởi nghe. Ta thực tập hạnh lắng nghe như vậy, nhuần nhuyễn, tuệ giác sẽ sinh khởi trong đời sống của ta. Tuệ giác sinh khởi từ hạnh lắng nghe như vậy, gọi là văn tuệ.

Tư là chiêm nghiệm sau khi nghe, sau khi thấy và sau khi các quan năng tiếp xúc với các đối tượng, ta thấy điều gì có khả năng đem lại lợi ích thiết thực cho sự thực tập đời sống giải thoát, giác ngộ cho ta, cho người, cho đời nầy và đời sau, thì ta chọn lấy để thực tập, và nếu sau khi chiêm nghiệm, thấy nó phù hợp với thời cuộc và tương ưng với ngũ dục mà không lợi ích gì cho sự thực tập đời sống giải thoát, giác ngộ cho mình, cho người, cho đời nầy và đời sau, thì mình dứt khoát không làm. Tuệ giác sinh khởi từ hạnh chiêm nghiệm hay tư duy như vậy, gọi là tư tuệ.

Tu là ứng dụng những gì mình đã quyết tâm lựa chọn, sau khi đã trải qua hạnh lắng nghe và hạnh chiêm nghiệm. Tuệ giác sinh khởi từ sự tu tập, ứng dụng gọi là tu tuệ.

Thực tập các pháp môn Văn Tư Tu như thế mỗi ngày, tuệ giác ở nơi đời sống của ta sẽ phát sinh và tâm khoan dung độ lượng, không kỳ thị nơi ta cũng từ đó mà sinh khởi.

Bấy giờ, tâm ta tuy độ lượng, nhưng không để cho bất cứ ai lợi dụng tâm độ lượng của ta, mà làm những công việc phi độ lượng, ấy mới gọi là phẩm chất độ lượng do thực hành pháp môn Văn Tư Tu tựu thành; bấy giờ tâm ta tuy khoan dung, nhưng không để cho bất cứ ai lợi dụng tâm khoan dung của ta, để làm những công việc phi khoan dung, hại mình, hại người, ấy mới gọi là phẩm chất khoan dung do thực hành pháp môn Văn Tư Tu tựu thành; bấy giờ tâm ta tuy không phân biệt kỳ thị, nhưng ta thấy nhân quả không sai, chân ngụy rõ ràng, chính tà phân minh, thiện ác không xen tạp, khiến cho bất cứ ai không thể lợi dụng sự không kỳ thị phân biệt của ta, để làm những công việc kỳ thị phân biệt, ấy mới gọi là không kỳ thị phân biệt, do thực hành pháp môn Văn Tư Tu tựu thành.

Nếu thiếu sự thực tập miên mật đối với pháp môn Văn Tư Tu hay Chính Niệm Tỉnh Giác, thì tà niệm khởi sinh, khiến cho mọi việc làm hay sự tu tập của ta đều rơi vào tình trạng “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, hay như công án của một Thiền Sư đã nêu lên từ xưa để cảnh giác chúng ta “Đầu lọt, bụng lọt, đuôi không lọt”.

Vì vậy, chúng ta phải cẩn mật tu hành, luôn tỉnh giác đối với thân, thọ, tâm và pháp, qua các quan năng nhận thức, đừng lạm dụng ngôn từ, đừng lạm dụng các phương tiện tùy duyên hay ngoại giao, để rồi tự lừa dối chính mình mà rơi vào ma nghiệp!

Sunday, April 8, 2012

CÔNG ĐỨC CŨNG PHẢI HƠN NGƯỜI


Đã đến đền, chùa là phải làm công đức. Nhiều người đã có suy nghĩ như vậy. Thậm chí, theo một nhà nghiên cứu, có người khi được hỏi còn thốt lên: “Không công đức thì sợ thánh vật!”. Ngoài ra, còn có tâm lý đua tranh, thấy người ta công đức một, thì mình phải gấp đôi hoặc gấp ba.

Từ chuyện hiểu sai ý nghĩa thực sự của việc làm thiện nguyện này, nhiều hệ quả đáng tiếc đã xảy ra. Những ngày lễ, tết, tiền lẻ đặt giọt dầu vung khắp nơi. Làm công đức, nhưng lại muốn lưu danh trên “bảng vàng” là các tấm bia đá, lại có giấy chứng nhận tên tuổi cùng số tiền đã đóng góp.

Tréo ngoe đồ công quả

Bên cạnh việc công đức bằng tiền, nhiều nhà hảo tâm có thành ý tặng đền, chùa những đồ thờ cúng, hoành phi, câu đối... nhất là những đền chùa trong quá trình tu bổ. Tuy nhiên, vì nhiều ban quản lý chùa cũng như một số sư trụ trì không đưa ra yêu cầu về niêm luật, quy định, nên nhiều khi đồ cống tiến lại... dở khóc dở cười. Có những người tặng nghê, sư tử đá... cho chùa. Có chùa còn được tặng rất nhiều cây bonsai, ghế đá chi chít chữ quảng cáo cho doanh nghiệp, những đôi lục bình khổng lồ, rất kệch cỡm. Không ít phật tử từng choáng khi nhìn thấy đèn chùm phương Tây tại gian thờ Phật Quan Âm ở chùa Một Cột (Hà Nội), không liên quan cả về kiến trúc và văn hóa. Hỏi ra mới biết, không chỉ có một chùm, mà tới 5 chùm đèn như thế, do một phật tử dâng tặng.

Có đền lại được dân cung tiến rất nhiều vải, dẫn đến thừa mứa, không biết xử lý ra sao, đành chia nhỏ để phát cho khách thập phương, coi như lộc Thánh. Việc tiếp nhận đồ công quả không theo nguyên tắc đã phá vỡ hệ thống bài trí trong nội tự của di tích, khuôn viên. Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã chỉ ra rằng ở một số địa phương xảy ra hiện tượng nhiều nhà chùa, thủ nhang sửa đền, chùa đã được xếp hạng, mua sắm đồ thờ tự, tượng phật để mang vào di tích, từ đó dẫn đến sự biến dạng một số hạng mục của những di tích này. Cụ thể là: xây mới nhà 5 gian tại Lăng mẫu Liễu Hạnh (Phủ Dày - Nam Định), đặt tượng nghê đá tại Đền Gióng (Sóc Sơn - Hà Nội), dựng bia công đức trên lưng Rùa tại chùa Keo (Thái Bình), xây mới nhà trên đường xuống hang Cắc Cớ (Chùa Thầy - Hà Nội)…

PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, nhận định: Theo truyền thống, nếu đền, chùa cần được cung tiến hiện vật, chủ sở hữu, sư trụ trì... đều biết mình cần gì, họ sẽ loan báo trong cộng đồng. Người muốn cung tiến phải xin phép làng, nếu được đồng ý thì mới cung tiến và quá trình đóng góp đó có sự giám sát hết sức chặt chẽ của Ban quản lí di tích. Nhờ vậy, đồ tiến cúng theo đúng nhu cầu của đền, chùa, miếu mạo, không xảy ra chuyện sai khuôn mẫu văn hóa, nghi thức, cũng không bị thừa. Ông Quang cũng cho hay, người cung tiến trước đây hiểu rõ mình được những quyền lợi gì về tinh thần và hiểu tích đức phải thầm lặng, không được kể công, không được trương tên ra. “Có vẻ như ngày nay, ở một đôi chỗ, người làm công quả lại có quyền lớn hơn, có cảm giác như họ đang ban phát, tài trợ lại cho nhà đền”, ông Quang nhận xét.

Công đức cũng phải đúng cách

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: Chúng ta đang bị thiếu nghiêm trọng hiểu biết nghi thức truyền thống, bởi không được thực hành sau mấy chục năm trời cấm đoán vì cho đó là mê tín dị đoan. Cũng vì vậy, đến khi thay đổi chính sách, dù trăm hoa đua nở, nhưng đa số đều không nắm bắt các khuôn mẫu truyền thống, nên hành xử không theo cách nào cả. Ông nhấn mạnh, không chỉ cần thiết nâng cao hiểu biết của dân trí, mà cả “quan trí” nữa.

Trong khi đó, khía cạnh thế tục đang can thiệp vào quá lớn, khiến ý nghĩa nhân văn, đạo đức phai nhạt dần. Theo một thống kê không chính thức, trong số những người làm công đức, nhiều nhất là các tiểu thương, kế đến là doanh nghiệp, dân trung lưu đô thị, cán bộ công chức. Nhiều người thực hiện các nghi lễ tôn giáo theo tâm lý bầy đàn, đua tranh. Lợi dụng tâm lý đó của người đi lễ, nhiều nhà đền, nhà chùa coi di tích như một cỗ máy hái ra tiền. Một số BTC lễ hội lại đi xin tài trợ dựa trên nền tảng công đức, dẫn đến ý nghĩa của việc làm này bị biến chất. Một quan chức ngành văn hóa đã phải lên tiếng cảnh báo: Có ngôi chùa như một “công ty cúng bái”! Bộ trưởng Bộ VH- TT-DL Hoàng Tuấn Anh từng khẳng định: “Ở những nơi linh thiêng như đền chùa mà tồn tại tiêu cực thì đó là điều không chấp nhận được!”.

SỐNG ĐƠN GIẢN


Hoàng Phước Đại

Một thiền sư nổi tiếng người Việt Nam, kể lại câu chuyện về ý thức bảo vệ thiên nhiên của người dân tộc mà ông có dịp tiếp xúc.

Câu chuyện đại ý như sau:

Năm 1951, thiền sư đi cùng vài tu sĩ đến một ngọn núi xa xôi ở khu vực Đại Lào, thuộc tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam để xây dựng trung tâm thiền định. Vì không quen thuộc địa hình và công việc liên quan đến xây dựng thiền viện nên thiền sư đã nhờ một số người dân tộc giúp đỡ. Người dân tộc được thuê làm việc rất chăm chỉ. Nhà sư rất biết ơn về sự trợ giúp của họ. Nhưng sau khi làm việc được ba ngày, họ không đến nữa. Vì không có sự giúp đỡ của họ, công việc xây dựng bị ngừng trệ. Thiền sư đi tìm gặp và hỏi tại sao họ không đến giúp. Họ nói: "Tại sao chúng tôi phải quay lại làm sớm như vậy? Các thầy đã trả đủ tiền để chúng tôi sống trong một tháng rồi. Chúng tôi sẽ trở lại khi chúng tôi hết tiền mua gạo".

Nhiều người chỉ trích tập tục này của người dân tộc. Họ nói rằng người dân tộc rất lười biếng. Họ cho rằng người dân tộc sẽ sống cuộc sống hạnh phúc và thoải mái hơn người xuôi nếu họ chăm chỉ làm việc. Nhưng thiền sư lại đánh giá cao sự khôn ngoan của người dân tộc. Đó là lối sống trí tuệ, hơn hẳn quan điểm về cuộc sống của người văn minh đang đắm mình trong cuộc sống hiện đại và kinh tế tăng trưởng.

Người Thượng sống đơn giản. Họ không lưu trữ nhiều thức ăn, không có ngân hàng tài khoản. Nhưng họ có nhiều hơn sự thanh thản và bình an. Trong khi đó, chúng ta đã phải lao tâm khổ tứ để tìm kiếm hạnh phúc và tiện nghi hưởng thụ. Một số người luôn nghĩ rằng họ cần nhiều nhà, nhiều đất đai - một cái ở thành phố để đi làm, một cái ở thôn quê để nghĩ dưỡng và vài miếng đất để phòng thân. Trong thực tế, nếu sở hữu một ngôi nhà sang trọng, chúng ta cũng hiếm có thời gian để thưởng thức chúng. Ngay cả khi có thời gian, nhiều người lại không biết cách làm thế nào để ngồi thanh thản. Một số người luôn luôn tự tìm phút giây thanh thản thông qua những cuộc vui ở nhà hàng, nhà hát, hoặc bên bữa ăn tối, kỳ nghỉ nhưng thực tế lại làm cho mình mệt mỏi nhiều hơn.

Ngày nay, chúng ta đi đến một quán cà phê chỉ vì buồn, hoặc vì công việc, dự án kinh doanh, chứ không phải để cảm nhận bản thân mình. Chúng ta sở hữu một căn nhà hầu như không có thời gian để sống trong đó. Chúng ta rời khỏi nhà vào buổi sáng sớm sau một bữa ăn nhanh chóng và vội vã đến nơi làm việc. Sau đó, bạn trở về nhà mệt mỏi, ăn tối, xem tin tức, lên giường ngủ để ngày mai có thể dậy sớm làm việc. Trong khi đó, những người dân tộc bằng lòng sống trong căn nhà tre đơn giản, những túp lều lá cọ và giặt quần áo bằng tay. Họ từ chối nô lệ kinh tế. Họ sống đơn sơ, nhưng không phải dành thời gian, tiền bạc để đi khám những căn bệnh liên quan đến stress.

Người dân tộc trồng thực phẩm cho gia đình và trao đổi với người khác. Người dân tộc không làm tổn hại đến thiên nhiên. Họ sử dụng lượng gỗ đủ để xây dựng nhà ở, khai phá đủ quỹ đất để trồng cây. Bởi lối sống đơn giản, họ đã không tàn phá tài nguyên thiên nhiên, không gây ô nhiễm không khí, nước và đất. Việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên đều bị dân làng phạt thông qua các quy định của buôn làng. Ngày này, người hiện đại cũng phải biết học nét đẹp từ người dân tộc.

Chúng ta luôn nghĩ cách làm giàu và tiêu thụ cho bản thân nhưng không nghĩ đến những thiệt hại về môi trường. Chúng ta đang đi trên một con thuyền của hành tinh. Nếu không cố gắng giúp đỡ con thuyền đó, thì chúng ta cũng sẽ bị nhấn chìm bởi nạn hồng thủy, bão tố.

Tăng trưởng kinh tế là cần thiết để đem lại phúc lợi cho người dân, nhưng tăng trường tỷ lệ quá mức so với tỷ lệ hủy diệt môi trường đồng nghĩa với thất bại. Chúng ta là một phần của thiên nhiên, làm hại đến thiên nhiên có nghĩa là làm hại đến bản thân.

THẦY CÚNG LÊN NGÔI, PHƯƠNG TIỆN ĐỘ SANH BỊ LỢI DỤNG ĐỂ KIẾM TIỀN


Trong Phật giáo không có thầy cúng, nhưng do trong quá trình du nhập vào một vùng mới, vì tính dung hoà và giản dị, Phật giáo đã chấp nhận những hình thức cúng bái ngẫu tượng và phong tục thờ cúng địa phương, vì thế những loại hình cúng bái do nhu cầu xã hội bắt đầu bén rễ.

Thầy cúng mượn nhiều hình thức để thu hút sự chú ý và mở rộng dịch vụ tín ngưỡng thờ cúng và phương thức sinh nhai của mình một cách hiệu quả hơn, nên đã bỏ quên và bất chấp sự suy thoái đạo đức và tinh thần xuất gia giải thoát của một tu sĩ. Trong đó có nhiều hạng thầy cúng mang hình thức một tín ngưỡng địa phưong, hay của một tôn giáo khác, trong đó điển hình là của Phật giáo và Đạo giáo.

Trong nhiều thời kì đen tối của Phật giáo thì cũng do thầy cúng gây ra, khi họ đã đưa hình thức cúng vái vào công việc tâm linh để vận hành thế giới của họ thì sự đảo lộn xã hội là một điều chắc chắn, đạo đức cũng từ đó suy đồi, vì bản thân của sự cúng vái không giải quyết một sự thật nào cả, mặt dù có khi được xem là một hình thức nghi lễ tôn giáo hay an ủi người sống, tất cả điều bị lầm lẫn, lầm lẫn ở đây là vô tình đẩy xã hội rơi vào tay của tà giáo. Mà như chúng ta biết, ngày xưa khi xã hộị và trật tự xã hội bị rơi vào tà giáo thì kết quả xã hội ấy đầy thảm hại, mà con người trong xã hội ấy muốn vựt dậy cũng khó.

Hiện nay, thầy cúng hầu hết họ đều tập trung ở đô thị mà chẳng thèm đến vùng nông thôn nghèo khó, vì ở đó không có ai mời cúng. Đồng thời khi xã hội được bày biện bởi sự cúng cấp thì cũng sinh ra nhu cầu của nó, vì thế xã hội cũng chỉ cần thầy cúng là đủ. Vì vậy vai trò của chánh giáo dễ bị đánh tráo, hiểu nhầm và dễ bị kẻ lợi dụng gây tai hại cho xã hội và cho Phật giáo. Hãy nhìn vào Phật giáo Hàn quốc là một ví dụ điển hình, Phật giáo chính thống không đủ sức mạnh để đẩy lùi lực lượng thầy cúng ở đây, đã có gia đình và mọc rễ trong cảnh chùa chiền.

Hơn thế  nữa, hầu hết những chức sắc tôn giáo đều do họ  nắm giữ, bởi những lí do rất đơn giản mà  xã hội đã tạo nên, đó là giàu có về  tiền bạc, sở hữu về vật chất, truyền bá mê tín và những trang phục đắt tiền. Ngoài ra cũng hơn 90% chùa chiền đều do họ nắm giữ cương vị trú trì, để dễ dàng hoạt động phục vụ tín ngưỡng cúng vái.

Ở trong chùa, một tu sĩ mới nhập môn cần phải trải qua các thời kì  đi cúng, đến nỗi không cần học cũng biết nghề, vì sự lập đi lập lại quá nhiều, đến nỗi không còn thời gian để tu học và thực hành. Rồi từ đó họ nghĩ rằng đi cúng cũng là một cách hành trì. Thật nguy hại hết sức.

Thế  rồi Giáo hội khi cần đến cơ sở hạ  tầng để phục vụ cho giáo dục thì hỡi ôi không còn cơ sở nữa, mà muốn có cơ  sở mới thì không đơn giản tí nào. Một cơ sở Giáo hội do bởi một lí do khách quan tạo thành một ngôi chùa, thì từ đó không còn cơ hội để trở lại mục đích ban đầu mà trở thành một trung tâm phục vụ việc cúng vái, chánh điện làm nơi thờ các loại hình tín ngưỡng dân gian, nhà linh nhà cốt ngênh ngang, suốt ngày pháp hội, chẳng thấy một từ giáo lí, mặt dù đọc trong bài cúng thì ngôn từ bằng chữ tàu dù có ngụ ý Phật pháp cũng chỉ là bài ca bài thán sơ sài.

Lại nữa, khi xã hội được vận hành bởi mục đích vật chất thì sức mạnh của nó là tiền bạc, những thứ này vốn tự con người tạo ra chứ  không có tội gì cả, là phương tiện trao đổi, thể hiện tính văn minh của con người, thế nhưng nếu không biết cách sử dụng vật chất và tiền bạc, con người sẽ trở thành kẻ nô lệ. Trong bất cứ môi trường nào, kể cả trong tôn giáo, khi thầy cúng đã nắm toàn bộ cơ sở  vật chất, có sức mạnh về tiền bạc, có  chức có quyền thì dĩ nhiên sự điều hành của họ cũng theo thiên hướng cúng tế.

Một thực tế cho thấy, hầu hết các lễ hội trong Phật giáo đều một hình thức như nhau, thí dụ, một hội thảo khoa học cho Phật giáo hình thức chẳng khác mấy một đám tang của tu sĩ, hoặc một buổi lễ hội tín ngưỡng cũng chẳng khác mấy một lễ chẫn tế. Nội dung không có gì nêu bật ý nghĩa của tổ chức, ngược lại vai trò của “thầy cúng lên ngôi”. Vì trong chương trình của những buổi lễ này toàn là nghi với lễ, đón với rước, lọng che kèn trống om xòm. Mở đầu cho một buổi lễ như vậy bằng một lễ “hưng tác thượng đại tràng phan”, thì thật còn gì là một buổi hội thảo khoa học. Kết thúc chương trình là “đăng đàn chẩn tế”. Thử hỏi có ai đặt vấn đề này với Giáo hội với các chức sắc mà đã được gọi là “tôn sư”, nhưng thực tế họ là những “pháp sư” cúng dạo.

Một sự  thật cay đắng là khi đi tham dự lễ thì  cho dù là vị đó ở địa vị  nào cũng phải đến tham dự, hoặc bằng phương tiện tự túc, hoặc tập trung để cùng đi bằng phương tiện số đông, thế nhưng thầy cúng thì Giáo hội phải đón rước bằng xe hơi, đến từng chùa, lo tiếp  đón long trọng. Chờ cho những bậc thầy cúng này xong phần tiếp đón, vớ tất giày hia, mũ mão đường bệ, y áo gấm lụa, thừ thừ theo kèn trống rinh rang “quang lâm” thì cũng đã quá trưa, vừa mất thời gian, vừa tốn kém, vừa không có lợi gì cho việc tu tập giải thoát.

Trong thực tế, khi phát tâm xuất gia người tu sĩ Phật giáo mong muốn có được một cơ hội học hỏi và tu học cho mục đích giải thoát, thế nhưng do nhu cầu xã hội và hình thức cúng vái đã biến chuyển phẩm chất của họ, rồi họ bỏ học sang đi cúng, thấy lợi trước mắt chứ không thấy được giá trị của con đường giải thoát mà Đức Phật đã dạy. Có lúc không cần tu học mà bước vào con đường đi cúng lấy tiền, có lúc bỏ học để đi cúng, hoặc chuyển hẳn sang nghề đi cúng, nhưng họ không hề hay biết, hoặc không may mắn vào xuất gia với thấy cúng hoặc trong chùa chuyên đi cúng, vì vậy mục đích của họ dần dần bị biến tướng và quên hẳn lí tưởng giải thoát. Nhưng tệ hại nhất là hình thành một ý thức hệ đi cúng, có vai vế và có địa vị trong giáo hội tại địa phương. Đây là một trong những tai hại của Phật giáo, thậm chí làm cho vai trò tôn quí của sự giải thoát bị lu mờ, Phật giáo lâm vào cảnh thế tục hoá.

Sự lạm dụng hình thức cũng như các hoạt động của thầy cúng đã đi đến sự xáo trộn trật tự  trong Phật giáo. Việc đi cúng được họ gọi là làm Phật sự hay Pháp sự, đi cúng được cho là phương pháp hành, rồi từ đó chê bai hiềm khích tu sĩ biết học, biết tu và biết cố gắng bằng những ngôn từ miệt thị như “tiến sĩ” không bằng “tiến linh”, “đi tu không bằng đi cúng”… Còn trao đổi và nói chuyện thì ngôn ngữ của họ khỏi phải bàn…

Về từ  ngữ “thầy cúng”, Tự Điển Việt Nam của soạn giả Lê Ngọc Trụ giải thích là “tiếng gọi một cách mỉa mai những thầy chùa chuyên làm đám ăn tiền chứ không thiết gì đến kinh kệ, giáo lý nhà Phật”. Hiện nay thì số thầy cúng chiếm được chùa, cuộc sống hưởng thụ vật chất, trong lúc đó tu sĩ quan tâm đến đạo Pháp thì bị chèn ép, lại thiếu cơ sở để làm Phật sự. Thời gian dành cho việc tụng đọc kinh điển Phât giáo của những thầy cúng rất ít, họ toàn lợi dụng kinh điển của Đức Phật là “Phật sự siêu độ người chết”, cho rằng đây là Phật sự. Cho nên vừa nghe nói đến tiếng “Phật sự” là rất dễ sinh ra hiểu lầm. Những việc siêu độ vong linh này ở trong Phật giáo xuất hiện rất trễ ..., rất trễ, thời xưa ở Ấn Ðộ chẳng có, sau khi truyền đến Trung quốc, lúc ban đầu cũng chẳng có,, nhưng sau đó do ảnh hưởng Lão giáo mà phát triển và thịnh hành, rồi lan rộng sang Việt Nam.

Chúng ta cần nhận định rõ vấn đề này, bởi vì đây là một vai trò của Phật giáo, quyết không để mê tín tràn lan, vừa hại cho đạo mà cũng vừa ai cho đời. Một tu sĩ Phật giáo đã cạo bỏ râu tóc, mình mặc áo cà sa, là quyết định cuộc đời vì mục đích giải thoát và cứu độ chúng sinh, chứ không có hình thức mang hia đội mão, áo cà sa hoại sắc thô bố chứ không phải gấm tía hài son. Đừng ham danh lợi mà phải mượn nón này mũ nọ, hài son y tía, mà thu hút hoặc tô thêm uy nghi. Đức Phật dạy uy nghi có được là nhờ vào sự giữ gìn Giới luật, đức hạnh là nhờ vào sự trang nghiêm của hành vi đạo đức, chứ không có cái gì tô vẽ nên được.

Thiết nghĩ, Phật giáo vốn chẳng có những việc như thế, nhưng vì Đạo Phật là đạo từ bi, mà phương tiện để độ chúng sanh từ mê sang ngộ, mà Phật giáo từ buổi đầu đã chấp nhận những hình thức tín ngưỡng dân gian địa phương mà truyền bá chánh Pháp. Nhờ những hoạt động uyển chuyển như vậy mà Phật giáo dần dần dạy cho người dân biết được nhân quả, làm lành tránh dữ, ngõ hầu đem lại cuộc sống an lạc hạnh phúc cho người dân. Do đó, dù đạo Phật không chủ trương cúng bái, cầu xin, nhưng khi tới đại phương nào thì cũng tùy thuận chúng sinh mà làm lễ bái cho dân chúng, rồi sẽ nhân đó mà giảng giáo lý nhà Phật, rất minh bạch rõ ràng, rồi còn chỉ cho họ con đường đi đến giác ngộ giải thoát, và chứng đắt đồng với quả vị của Đức Phật.

Nhận thấy  đây là một vấn đề cần phải được xem xét, đề nghị Giáo hội cần phải rõ ràng trong vấn đề tu sĩ và thầy cúng, chớ có  lẫn lộn mà hại cho Phật giáo. Việc nghi lễ cũng là việc cần làm tuy nhiêm đừng để bị lạm dụng không những tai  hại cho Phật  giáo mà xã hội cũng bị ảnh hưởng lây. Cần phải đặt vai trò giáo dục Phật giáo và đào tạo Tăng tài, nâng cao vai trò ý thức việc đi cúng hoặc cấp phát chứng chỉ mới được đi cúng. Những cơ sở xưa là cơ sở của Giáo hội mà nay do các thầy cúng trú trì thì phải cần cử tu sĩ đến thay đổi hoặc làm các cơ sở phục vụ cho mục đích số đông. Việc làm cần thiết hơn nữa là cải cách nghi lễ, những yếu tố có thiên hướng đi xa với ý nghĩa thực tế thì bỏ, đưa các hình thức cầu nguyện đúng đắn.

LỢI DỤNG KHUNG CẢNH TRANG NGHIÊM CỦA NHÀ CHÙA BÁN PHẬT BẰNG NGỌC GIÁ... TRÊN TRỜI

Lợi dụng tâm lý tin vào sự may mắn nơi cửa Phật của khách thập phương, nhiều người lạm dụng khung cảnh trang nghiêm của nhà chùa để bán những vật phật phong thuỷ bằng ngọc, đá cẩm thạch, thạch anh... với giá cao để thu lời. 

Chi bạc triệu mua vòng ngọc chờ... kiểm định

Ngày rằm, tôi và cô bạn đến chùa Thiên Niên (đường lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội) vãn cảnh, đập vào mắt là cảnh tượng một đôi trai gái đang bày bán ngọc phong thuỷ ngay phía trong cổng chùa. Đồ nghề của họ chỉ là một chiếc bàn gỗ nhỏ và những món ngọc được bày bán trên đó. Người bán, kẻ mua tấp nập.

Thấy tôi ghé vào, người bán đon đả chào mời: "Mua lộc đầu năm đi em. Ngọc của chị bán có giấy kiểm định chất lượng đàng hoàng". Sau một hồi được đôi vợ chồng trẻ tư vấn, từng loại ngọc, hợp với từng mệnh, có khả năng chữa... bách bệnh, nhiều người đã không ngại móc hầu bao mua một vài món đồ phong thuỷ. Nhưng điều đáng nói, những món ngọc ấy được bán với giá "cắt cổ". Chỉ gần nửa tiếng đứng quan sát, tôi bắt gặp 4 vị khách đứng mua ngọc phong thuỷ. Nhẩm tính cũng lên tới hơn 20 triệu đồng.

Tôi quá ngạc nhiên và không thể mường tượng vì sao nhiều người lại có thể tiêu tiền không đắn đo. Anh Quang Minh (Ngã Tư Sở, Hà Nội) cầm trên tay 2 món ngọc với giá gần chục triệu đồng hớn hở nói: "Mua lộc ở chùa là may mắn nhất đấy. Ông Di lạc này tôi mua về trưng bày trên xe ô tô có giá 5,5 triệu đồng, Quan âm Bồ tát có giá 4,4 triệu đồng".

Thấy anh Minh có vẻ rất tin vào chuyện mua may nơi cửa Phật, tôi gặng hỏi: "Ngọc này ai dám chắc ngọc xịn?". Anh Minh quả quyết: "Ngọc có giấy kiểm định, họ lấy số điện thoại của tôi rồi, mấy hôm nữa họ mang giấy kiểm định đến tận nhà!?". Anh Minh còn nói với tôi rằng: "Cô mua ngọc lấy may. Nếu mua, người ta sẽ nhờ nhà chùa 'thỉnh' giúp, như thế ngọc mới có linh nghiệm".

Cẩn trọng với những lời rao

Đem câu chuyện ngọc, đá cẩm thạch, thạch anh... được rao bán tại các đình, chùa đến các chuyên gia đá quý, chúng tôi nhận được câu trả lời: "Đó chỉ là những chiêu lừa của những kẻ bịp bợm". Theo ông Hoàng Nguyên - nhà sưu tập ngọc tại Hà Nội, các sản phẩm được quảng cáo, như ngọc phỉ thuý đều có giá, từ vài chục triệu lên tới vài trăm triệu đồng chứ không có giá "bèo" như vẫn rao bán ở một số cổng chùa.

Theo cách phân tích của ông Nguyên, ngay cả những công ty lớn cũng quảng cáo chưa đúng sự thật. Những sản phẩm được gọi là phỉ thuý chỉ có thể có dính một chút phỉ thuý chứ không thể coi toàn bộ sản phẩm là có chất liệu từ phỉ thuý. Họ post lên mạng những tấm hình cẩm thạch na ná ngọc phỉ thuý. Khi những nhà chuyên môn lên tiếng thì họ bao biện hàng của công ty chúng tôi có màu tương tự như phỉ thuý. Còn những loại ngọc, phỉ thuý được bán ở các đền, chùa thì chất lượng... trên trời.

Từ câu chuyện ngọc phỉ thuý, ông Nguyên quả quyết các loại đá cẩm thạch, thạch anh ở chùa Thiên Niên quảng cáo hàng nhập đều là hàng rởm.

Vậy làm thế nào để biết được một sản phẩm có thực sự là ngọc, thạch anh, cẩm thạch hay không? Các chuyên gia cho rằng việc chơi ngọc rất khó, người chơi muốn có được một sản phẩm thực thụ thì cần có thời gian nghiên cứu và đôi khi phải trả giá bằng tiền bạc mới rút ra được các kinh nghiệm xương máu. Theo ông Nguyên, để biết chính xác chỉ có cách giám định bằng máy móc.

Nhiều người kinh doanh đá quý cũng đưa ra cảnh báo hiện trên thị trường đã xuất hiện loại ngọc được dùng công nghệ chiếu tia tạo màu và tạo ánh sáng trong cho sản phẩm, sau đó gắn cho chúng nhiều ngôn từ mỹ miều và thổi giá sản phẩm lên cao hàng chục, thậm chí hàng trăm lần giá trị thực.

Trên trang daquy.com, các chuyên gia tư vấn, với các loại đá quý, người mua nên có những hiểu biết nhất định ít nhất về giá  loại đá mình muốn mua. Có những loại đá giá trị rất bình thường như thạch anh trắng hay hồng, ám khói, caxêđôn hay thiên thạch. Bình thường ở đây nghĩa là bạn có thể bỏ ra một khoản tiền nhỏ mà vẫn có thể sở hữu nó chứ không phải chi ra cả chục triệu đồng. Các loại đá mắc tiền nhất gồm ruby, topal, saphire, emerald. Các loại đá nhân tạo có giá trị cực kỳ rẻ. Nếu bạn mua mặt dây chuyền thì 90% giá trị ở công người chế tạo ra mẫu đóỏ công thợ bạc, thợ inox làm khoen và tạo kiểu và lượng kim loại tạo nên viên đá. Một viên đá nhân tạo đẹp lung linh đủ màu sắc chỉ có giá từ 20.000 - 100.000 đồng.

Dễ là đồ rởm
Theo các chuyên gia, chứng nhận kiểm định của sản phẩm  là bằng chứng của việc sản phẩm đó được mua là hàng xịn hay rởm. Mỗi sản phẩm khi kiểm định sẽ mang một mã số nhất định. Khi bạn đưa mã số này đến các trung tâm họ sẽ cho bạn thêm các thông tin về đá quý, ví dụ màu sắc, độ trong, kiểu cắt và những phương pháp giám định được áp dụng. Do đó, nếu bạn thấy tất cả các sản phẩm của người bán đều mang cùng một mã số, thì rõ ràng họ đã dùng công nghệ làm giả vỉ ép kiểm định.

Saturday, April 7, 2012

ĐỪNG LÀM PHẬT KHÓC

Giao Hưởng

Đó là “tiền công đức” do thập phương bá tánh đến tiến cúng với mục đích cầu phước và nhằm để đóng góp xây dựng, trùng tu, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh như đền Hùng, chùa Hương chẳng hạn. Thế nhưng, những đồng tiền này có nhiều trường hợp bị thất thoát hoặc bị đánh cắp, bị sử dụng không đúng mục đích.

Việc xào xáo vì đồng tiền diễn ra hằng ngày ngoài xã hội là sự thường, nhưng ở đây đồng tiền đã chen vào chốn đền chùa thiêng liêng, vào các di tích của đất nước.
Đó là “tiền công đức” do thập phương bá tánh đến tiến cúng với mục đích cầu phước và nhằm để đóng góp xây dựng, trùng tu, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh như đền Hùng, chùa Hương chẳng hạn. Thế nhưng, những đồng tiền này có nhiều trường hợp bị thất thoát hoặc bị đánh cắp, bị sử dụng không đúng mục đích.

Đứng về mặt “đời”, “tiền công đức” là một loại công quỹ cần được công khai số thu và cách chi dùng rõ ràng. Nếu công quỹ này bị lạm dụng, mất mát, những vị có chức sắc trong công tác quản lý phải gánh trách nhiệm.

Đứng về mặt “đạo”, “tiền công đức” cúng dường vào các đền chùa phải được dùng vào việc ích lợi chung cho nhà chùa và xã hội, như tu bổ, sửa chữa đền điện, tăng phòng và tham gia từ thiện xã hội, giúp đỡ người nghèo khổ neo đơn, bệnh tật...

Song một số trường hợp cho thấy “tiền công đức” ấy từ hàng trăm nghìn, hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng, đã bị đánh cắp, như ở chùa Hàm Long mất tới 4 tỉ đồng, một cán bộ xã ở Hải Dương đã biển thủ tiền công đức ở khu di tích An Phụ 300 triệu đồng...

Trong nhà chùa thường nhắc câu Phật dạy đại ý “một hạt gạo của người đem đến cúng dường nặng như núi Tu Di - ăn gạo ấy tu hành không rõ đạo thì kiếp sau phải mang lông đội sừng mà trả”. Bốn tiếng “mang lông đội sừng” có nghĩa là phải đầu thai làm súc sinh, làm các loài vật như heo, gà, ngỗng, vịt (loài có lông) hoặc làm trâu, dê (loài có sừng) để trả nợ cho những thí chủ đã cúng dường “tiền công đức”.

Luật “đời” về việc biển thủ công quỹ tất nhiên phải bị xử lý, thậm chí bị khởi tố như trường hợp cán bộ xã ở Hải Dương nói trên. Còn về “đạo” có luật nhân quả bất biến, phải “mang lông đội sừng” vậy. Dù người đó là hòa thượng, là thượng tọa, là đại đức tu hành lâu năm mà xâm phạm “tiền công đức” vẫn rơi vào địa ngục như thường. Vì sao? Vì người tu hành vẫn phải chịu sự tác động của luật nhân quả. Và vì lẽ thập phương thí chủ đến cúng dường bằng vật thực như gạo cơm rau quả, dầu thắp thuốc men, hoặc bằng “tiền công đức” với mong muốn được sử dụng số tài vật ấy nhằm tạo chút phước báu cho mình. Nhưng khi biết tiền mình cúng dường bị rơi vào túi riêng của ai đó, hoặc bị mất mát, bị đánh cắp, bị xài phí ngoài mục đích, thì họ không buồn sao được. 

Nhưng nói cho cùng, họ cũng không buồn bằng đức Phật khi nghe Ma vương bảo rằng vào thời mạt pháp Ma vương sẽ cho quyến thuộc và đệ tử của mình cạo trọc đầu, mặc áo cà sa, giả dạng vào chùa tu hành để phá hoại Phật pháp, tựa như một loại trùng sống trong thân sư tử để “ăn thịt sư tử”. Nghe vậy, đức Phật từ bi im lặng và rơi nước mắt. Đó là lần đầu tiên chúng tôi được biết về nguyên do đức Phật đã khóc khi ngài còn tại thế. Đến nay, những hiện tượng không tốt liên quan đến “tiền công đức” khiến nhiều người lo lắng. Nếu là người quản lý di tích hãy có giải pháp chặt chẽ hơn nữa. Nếu là các vị chức sắc ở đền chùa, mong hãy đừng để “tiền công đức” đi sai mục đích phước thiện và hơn nữa - xin đừng làm Phật khóc...

Sunday, March 11, 2012

HT TỊNH KHÔNG CHÍNH THỨC TRẢ LỜI NHỮNG HIỂU LẦM VỀ DỰ BÁO ĐẠI NẠN NĂM 2012


Một số thông tin cho rằng HT Tịnh không nói về ngày tận thế năm 12-2012. Vậy sự việc này ra sao xin mời quý đạo hữu cùng nghe HT. Tịnh Không chính thức trả lời những hiểu lầm về dự báo đại nạn năm 2012.

Câu hỏi số 1: Có một đồng tu tự ý trích đoạn từ tập đĩa này, rút gọn lại thành 1 đĩa, lưu truyền rộng khắp.

HT Tịnh Không trả lời: Đây không phải là một việc tốt, không nên làm như vậy, muốn lưu truyền thì phải lưu truyền trước sau đầy đủ, bởi vì nếu như trước sau người xem đều xem qua hết, thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Cho nên việc này là thuộc về trích dẫn cắt xén, chỉ nghe cái đoạn đó mà những đoạn trước và sau đều không biết, cho nên sẽ sanh ra một số hiểu lầm. Nếu bạn nghe trọn vẹn qua hết một lượt thì vấn đề được giải quyết rồi.

Sự việc này xảy ra vì cho rằng ngày 21 tháng 12 năm 2012 tai nạn “nhất định” sẽ xảy ra. Tôi không hề nói như vậy, tôi trước giờ không hề dám nói từ "nhất định", tôi chỉ nói tôi đã xem qua rất nhiều tin tức bên ngoài nói về việc này, nói là có khả năng xảy tai nạn mà thôi. Thế nhưng dù tin tức bên ngoài nói như vậy, tôi cũng không cho là quan trọng, tại vì sao? Phật đã nói với chúng ta: Pháp vốn dĩ là không cố định, không có định pháp, tại vì sao không có định pháp? Bất cứ sự việc gì trên thế giới đều đang thay đổi mỗi ngày, không có gì là bất biến.

Vận mạng của con người cũng là như vậy, các vị xem “Liễu Phàm Tứ Huấn” thì liền biết được, tiên sinh Viên Liễu Phàm lúc 15 tuổi đã được Khổng tiên sinh đoán mạng rất chính xác, đoán đúng được nhiều năm, đoán cuộc đời ông khi ông đến 53 tuổi thì mạng chung. Trong khoảng 20 năm liên tiếp, mỗi năm tiên sinh Liễu Phàm đều có trải nghiệm nhiều sự việc hoàn toàn đúng với lời tiên đoán của Khổng tiên sinh cho nên tâm lý của ông buông xuôi, không khởi một ý niệm nào, ông nói tôi có ý niệm cũng không ích gì, vận mạng đã định rồi.
Vận mạng từ do đâu mà có? Do đời trước tu mà được, trên thực tế mỗi ngày vận mạng của chúng ta cũng đang có sự tăng giảm, thêm bớt. Khởi lên một niệm thiện thì vận mạng của bạn được thêm vào một điểm tốt, khởi lên một niệm ác thì bị giảm đi một điểm, đại ý là như vậy, nó ngày ngày có thêm bớt cộng trừ, bạn làm sao có thể nói nó là "nhất định" được chứ? Phật cũng không thể nói nhất định, cái đạo lý này chúng ta phải hiểu.

Hiện tại, các nhà khoa học ngành vật lý lượng tử đã phát hiện ra một số bí mật của vũ trụ, đã báo cáo với chúng ta, chúng ta sau khi xem rồi, nhận thấy báo cáo của họ hoàn toàn tương đồng với những gì trên kinh Phật đã nói, trong đó có một nguyên tắc chung, chính là không có định pháp, Phật đã nói: "Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh". Hiện tại khoa học gia lượng tử đã chứng minh. Cái tâm tưởng đó trước một giây cùng sau một giây là không như nhau, thì bạn làm sao có thể nói là "nhất định"? Cách nói khẳng định như vậy thì đã sai quá nghiêm trọng rồi, chúng ta phải biết mọi thứ mỗi ngày đều đang thay đổi.

Tai nạn đó từ nơi nào mà sanh ra? Là từ nơi ý niệm bất thiện mà tạo thành. Chúng ta một niệm hướng thiện, tai nạn liền được hóa giải rồi. Cho nên năm trước có mấy vị khoa học gia tổ chức hội nghị ở Sydney, học viện của chúng ta có phái 8 đồng tu đến tham gia, pháp sư Định Hoằng cũng có tham gia hội nghị này, nghe qua báo cáo của họ. Ngày đầu tiên thì nghe qua báo cáo những thành tựu đạt được của các chuyên gia vật lý lượng tử, suốt ngày hôm sau thì chuyên đề thảo luận vấn đề của năm 2012, đến sau cùng là do một vị tiến sĩ Hoa Kỳ làm báo cáo tổng kết.

Khi tổng kết họ nói với chúng ta, năm 2012 không phải là ngày tàn của thế giới, ngày 21 tháng 12 không phải là ngày tận thế, hy vọng cư dân trên địa cầu từ nay đến thời điểm đó có thể thức tỉnh, mọi người đều có thể làm đến được "bỏ ác dương thiện, cải tà quy chánh, đoan chánh tâm niệm", tai nạn này liền sẽ không còn, liền có thể hóa giải. Cái đạo lý này là căn cứ từ lý luận của lượng tử học mà biết được, chính là tất cả pháp, giống như Phật đã nói với chúng ta: "Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh", nó là từ ý niệm, một niệm ác của chúng ta khởi lên là khởi nguồn cho tai nạn xảy ra, khi một niệm thiện khởi lên, tai nạn này liền không có, hoàn toàn giống như Phật pháp đã nói.

Cho nên không thể nói "nhất định" có thể xảy ra, nói "nhất định" xảy ra ở vào mức độ nào đó cũng đều không thể nói, mỗi ngày đều có tăng giảm thêm bớt. Nếu như cái niệm ác này của chúng ta mà quá nhiều thì tai nạn này có thể sẽ xảy ra sớm hơn, không phải là ở vào ngày hôm đó, có thể sớm hơn nửa năm, có thể sớm hơn mấy tháng v.v…Ngược lại, nếu như khi niệm thiện của chúng ta nhiều, các ác niệm bị đè phục, vậy thì tai nạn sẽ bị đẩy lùi, có thể lùi lại vài năm, lùi lại mười mấy năm, nó sẽ lùi lại, cho nên nó không nhất định. Khi ác niệm của chúng ta hoàn toàn không có, chỉ có niệm thiện khởi lên thì tai nạn này liền sẽ không có, hoàn toàn hóa giải hết.

Cho nên bí mật của niệm lực gần đây được khoa học gia phát hiện, việc này rất có đạo lý. Những gì Phật nói ra 3000 năm trước, hiện tại 30 năm gần đây được các nhà khoa học gia phát hiện, hoàn toàn giống như Phật đã nói trong kinh điển. Ngày trước chúng ta không xem thấy báo cáo của khoa học, đối với những gì Phật nói đều tin tưởng, Phật không vọng ngữ, Phật nói ra chúng ta tin tưởng, thế nhưng cái đạo lý này không thông, luôn là có một chút nghi hoặc. 99% tin tưởng Phật, vẫn còn có một phần trăm nghi hoặc, đó cũng vẫn là nghi hoặc. Ngay khi chúng ta xem thấy báo cáo của các nhà khoa học, cái nghi hoặc này mới dứt hết, chúng ta mới hoàn toàn tin tưởng, không có chút nào nghi hoặc. Cho nên ý niệm làm chủ tất cả, cái đạo lý này chúng ta không thể không biết.

Phần tiếp theo câu hỏi:

…Cho đến có một số người nghe tin này buông bỏ tất cả thế giới, niệm Phật vãng sanh, từ bỏ công việc, gia đình, hoặc tập trung lại một chỗ, hoặc ở trên núi, hoặc ở riêng một mình trong phòng v.v…mọi người tập trung lại cùng nhau không ăn, không uống, không ngủ, muốn học theo pháp sư Oánh Kha niệm Phật vãng sanh, và còn nói đây là phương pháp tốt mà lão pháp sư dạy cho chúng ta tránh khỏi tai nạn năm 2012, tạo ra ảnh hưởng rất xấu cho quốc gia và xã hội. Trong tâm đệ tử có nghi hoặc, kính xin lão pháp sư từ bi giải thích.

HT Tịnh Không trả lời: Đây là do cắt xén lời văn mà sanh ra, nếu đem mấy tập mà tôi giảng trước và sau đại khái có khoảng 6 đến 7 tập, sau khi bạn xem qua hết, thì vấn đề này liền được giải quyết. Không phải là như vậy, trên kệ khai kinh có nói "nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa", ý nghĩa mà tôi giảng các vị không hiểu rõ, các vị đã hiểu sai rồi, đó là cái ý của chính các vị, không phải là ý của tôi.

Nếu như học Phật chân thật vì chính mình, vì tự tư tự lợi, Thích Ca Mâu Ni Phật lại hà tất phải giảng kinh dạy học suốt 49 khổ cực như vậy để làm gì, tại vì sao ngài không vào Đại Niết Bàn sớm? Tại vì sao không đi đến thế giới Cực Lạc sớm hơn? Lại đi làm việc khổ cực này, có ý nghĩa gì, nhà Phật nói Từ Bi ở đâu!

Học Phật, tôi thường hay nói, học Phật việc tốt nhất trước tiên chính là gì: Biết được sinh mạng là vĩnh hằng, ta không hề chết, “chết” - thân thể này thì có sanh diệt, ta thì không có sanh diệt. Thông thường chúng ta nói ta là cái gì? Linh hồn là ta, người nước ngoài cũng thừa nhận, trong Phật pháp gọi là thần thức, đây là cái ta chân thật. Nếu như nói cái ta này có sanh tử, còn đi đầu thai, còn có cái gì là kiếp trước đời sau…Không hề có. Cho nên vấn đề chính ngay chỗ này. Chân thật từ nơi Phật pháp nói, Phật pháp vẫn không gọi là linh hồn, gọi là Linh Tánh. Kỳ thật nếu gọi là linh hồn thì cái hồn đó tuyệt nhiên không linh, nếu như là linh thì nó sẽ chọn thế giới Cực Lạc để đi, hà tất phải đi vào sáu cõi luân hồi chứ? Nó không linh! Không nên gọi là linh hồn mà gọi là mê hồn, quyết định không phải là linh hồn.

Khổng Tử nói rất hay, Khổng Tử đã nói ở trong "Dị Hệ Từ", "Du Hồn Vi Biến", trong đây Ngài nói được rất hay. Bởi vì hồn đích thực là biến hóa của nó quá lớn, tốc độ quá nhanh, nói du hồn là nói được rất chính xác. Có thể thấy được Khổng Tử không phải không biết đối với việc này, ông nói "Du Hồn Vi Biến", chính là nói sáu cõi luân hồi, nói "Tinh Khí Vi Vật", đó chính là nói quan hệ của hiện tượng tinh thần cùng hiện tượng vật chất, ngày nay khi chúng ta từ nơi tri thức của lượng tử lực học để giải thích hai câu nói này thì rất dễ dàng hiểu rõ. Hiện tượng vật chất đích thực là do hiện tượng tinh thần biến hiện ra, cho nên gọi là “tinh khí vi vật, du hồn vi biến”.

Mười pháp giới Y Chánh Trang Nghiêm, Chánh Báo chính là du hồn vi biến, căn cứ vào cái gì để thay đổi? Căn cứ vào ý niệm của chính mình. Cho nên khi ý niệm sanh ra, thánh nhân người xưa nói rất hay: “bổn tánh vốn thiện”, Phật nói lại càng hay hơn: “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, Thích Ca nói vốn dĩ là Phật, tổ tông chúng ta nói bổn tánh vốn thiện, là một ý nghĩa. Vốn thiện không phải là thiện của thiện và ác, “vốn thiện” – cái thiện đó là tán thán, nó quá viên mãn, không có chút kém khuyết nào. Thích Ca Mâu Ni Phật ở trong kinh Hoa Nghiêm đã nói một câu "tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai", đây chính là bổn thiện. Có trí tuệ viên mãn, có đức hạnh viên mãn, có tướng hảo viên mãn, tướng hảo là thuộc về phước báo, cho nên tướng hảo phước báo đều là viên mãn, đây là “vốn thiện”.

Mê mất đi tự tánh thì trí tuệ đức tướng của chúng ta liền bị bóp méo đi, bị biến chất. Có khởi được tác dụng hay không? Có. Tác dụng gì vậy? Hoàn cảnh hiện tiền của chúng ta chính là tác dụng, thế nhưng tác dụng này đã bị biến chất rồi.
Gíao dục của Phật là gì? Không gì khác hơn, dạy bảo chúng ta làm thế nào để quay về với tự tánh, giáo dục truyền thống của chúng ta là dạy cái gì? Dạy chúng ta quay về với bổn tánh, thì sẽ trở thành thánh nhân. Nếu quay chưa về được đến nơi, đó là hiền nhân. Đang trên đường quay trở về, đó gọi là quân tử. Ở trong Phật pháp cũng là như vậy, quay về được viên mãn thì gọi là Phật Đà, quay về chưa được đến nơi, thì gọi là Bồ Tát , đang trên đường quay về đó là A La Hán, cùng đồng một đạo lý. Đây là thánh học, học vấn của thánh nhân, chân thật làm đến được viên mãn cứu cánh triệt để.

Cho nên "Phật pháp ở thế gian thì không thể lìa thế gian giác".Câu nói này quan trọng, hay nói cách khác lìa khỏi thế gian thì bạn không thể giác, bạn không rời thế gian thì bạn mới có thể giác, làm sao mà bạn có thể từ bỏ đi công việc, buông bỏ gia đình? Đó là bạn không gánh vác trách nhiệm, bạn học Phật hiểu biết không thấu triệt, chỉ nghe lời truyền miệng, bạn không nên có cách làm như vậy.

Xuất gia có thể thành Phật là đúng, Thích Ca Mâu Ni Phật đã biểu diễn cho chúng ta xem thấy, xuất gia thành Phật nhưng tại gia cũng có thể thành Phật. Khi Phật Thích Ca còn tại thế, người bên ngoài không biết, người học Phật thì biết, có hai vị Phật đồng thời xuất hiện, một là Thích Ca Mâu Ni Phật, vị thứ hai là một vị Phật ở tại gia, cư sĩ Duy Ma Cật, người không học Phật thì không biết. Cư Sĩ Duy Ma Cật nói pháp, Phật Thích Ca phái Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất…những vị đại đệ tử này đến nghe kinh, đến học tập với cư sĩ Duy Ma Cật. Nhìn thấy cư sĩ Duy Ma Cật, đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu ba vòng, lễ tiết cũng hoàn toàn giống như thấy Phật, việc này các vị xem qua Kinh Duy Ma Cật thì biết.

Mục đích nói rõ cái gì? Phật pháp là sư đạo, trong sư đạo lão sư là lớn nhất, chỉ cần họ có thân phận là lão sư, bạn muốn học tập với họ, vậy thì bạn liền phải tôn sư trọng đạo. Người xuất gia cùng học với người tại gia, người tại gia là lão sư. Ba vị lão sư của tôi, trong ba vị này lão cư sĩ Lý Bĩnh Nam chính là cư sĩ tại gia, tôi xuất gia học Phật với ông, đối với ông cũng là lễ bái, không thể nói ông là người tại gia, ta là xuất gia, cao hơn so với ông một bậc, vậy thì xong rồi! Đây là việc cần phải nên hiểu, không thể nào không biết.

Với người học Phật tại gia, thì bạn phải dùng phương thức của tại gia; xuất gia học Phật, bạn chân thật là xuất gia, bạn phải đem việc gia đình của bạn xếp đặt cho tốt. Xuất gia, việc quan trọng nhất, phải có sự đồng ý của cha mẹ, nếu như bạn còn có vợ, con cái, vợ và con cái của bạn phải đồng ý, không đồng ý thì bạn không thể xuất gia, việc này trên giới luật đều có qui định, cho nên không thể không gánh vác trách nhiệm. Học Phật chính là học làm ra một tấm gương tốt, cá nhân bạn ở trong xã hội là một tấm gương tốt, làm tấm gương tốt cho mọi người, bạn ở gia đình, gia đình của bạn là một tấm gương tốt cho tất cả hết thảy gia đình trên thế giới, bạn từ nơi nghề nghiệp, không luận là ở nơi nghề nghiệp nào, bạn ở nơi nghề nghiệp đó đều là tấm gương tốt nhất, là mô phạm.

Thích Ca Mâu Ni Phật nghề nghiệp của Ngài là giáo dục, là giáo học, ở trong giáo dục Ngài đích thực làm đến được là một thầy giáo tốt nhất, giáo học chưa từng kém khuyết buổi nào, 49 năm như một ngày. Thái độ giáo học cũng giống như Khổng Tử, không phân quốc tịch, không phân chủng tộc, không phân tôn giáo tín ngưỡng, người đến thì không từ chối, người đi thì không lưu giữ, hơn nữa đều xem là nghĩa vụ, không có nhận học phí, thời gian học tập của bạn dài ngắn tùy theo ý bạn. Cho nên bằng lòng trọn đời đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, việc này trên kinh điển có ghi chép: 1255 người, gọi là chúng thường tùy còn số lượng không đi theo trọn đời, thân cận Phật Đà mấy ngày, mấy mươi ngày, hai ba năm thì rất nhiều, số đó thì không có ghi chép. Đủ thứ hạng người đi theo học với Ngài, không có ai là không có được đại hoan hỉ, pháp hỉ sung mãn, việc này nhất định phải biết.

Nói không ăn không uống, Thích Ca Mâu Ni Phật mỗi ngày đi ra ngoài khất thực, Ngài còn phải ăn cơm, Ngài còn phải nghỉ ngơi. Thời xưa Ấn Độ ngày đêm chia làm sáu thời, ngày ba thời, đêm ba thời, buổi tối thời gian nghỉ ngơi là nửa đêm, tính theo thời gian hiện tại là từ 10 giờ tối đến 2 giờ khuya, bốn giờ đồng hồ, thời gian này là nghỉ ngơi, đời sống rất có qui luật, tại gia học Phật cũng không ngoại lệ.

Cho nên nói là muốn học theo pháp sư Oánh Kha thì không học được. Tại vì sao? Bạn không có loại tâm chân thành đó của ông, bạn không có cái tâm cung kính đó của ông, trong ba ngày thì ông có thể niệm ra được Phật, bạn 30 ngày cũng không niệm ra được, không tin thì bạn cứ thử xem, chân thành đến tột điểm! 

Ông cũng là có một nghịch tăng thượng duyên giúp ông. Vì sao vậy? Ông đã tạo ra rất nhiều tội nghiệp, những tội nghiệp đó đều là tội nghiệp đọa địa ngục, ông sợ đọa địa ngục, cho nên bức bách ông không thể không chân thành, vậy thì phải vạn phần chân thành, vạn phần chân thành thì tội của ông liền sám hết.

Ngày nay chúng ta còn có nhiều vọng tưởng tạp niệm như vậy ở trong tâm thì bạn làm sao có thể niệm ra được Phật? Không thể nào! Nếu như tâm thật chân thành rồi, thì bạn sẽ không viết gởi đến đây những lời này, một vọng niệm cũng không có. Bạn vẫn còn viết hỏi tôi nhiều thứ đến như vậy, có thể thấy rằng công phu của bạn chưa được.

Wednesday, February 29, 2012

BÍ MẬT VỀ NGƯỜI SỐNG CHỈ NHỜ "NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI"

Hira Ratan Manek, 69 tuổi, người Bodhavad, Ấn Độ, từ tháng 6/1995 đã sống mà chỉ cần ánh sáng mặt trời và nước. Thỉnh thoảng, vì lòng hiếu khách hay quan hệ xã hội, ông uống trà, cà phê, hay sữa. Manek cho rằng, khi ngắm mặt trời, người ta đã nhận được “sự nuôi dưỡng” từ nó. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia chăm sóc mắt đều khuyên tránh nhìn trực tiếp vào mặt trời. Một vài kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, ở những người thường xuyên luyện tập phương pháp ngắm nhìn mặt trời thì mức hấp thụ năng lượng cao hơn và giảm cảm giác thèm ăn.

1. Nhịn ăn ròng rã, không có bất kỳ một sự tổn thương nào

Năm 2001, Tiến sĩ Sudhir Shah đã từng “khảo sát” một bệnh nhân tên là Hira Ratan Manek, người đã không hề ăn gì từ năm 1995 và không hề uống gì từ 411 ngày trước khi được trở thành đối tượng nghiên cứu khoa học. Ông R. Manek nói rằng, bí quyết để ông có thể duy trì cuộc sống chỉ với chút nước và ngắm mặt trời lâu đến như vậy là do hấp thụ năng lượng mặt trời.

Được biết trước kia, ông R. Manek là một kỹ sư cơ khí cư trú tại Calicut Ấn Độ. Sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu nghiên cứu và thực hành các bài tập nhìn mặt trời để duy trì sự sống. Phương pháp này là một phương pháp cổ xưa, đã từng được người cổ đại luyện tập có hiệu quả nhưng hiện bị lãng quên. Bản thân ông từ thời thơ ấu đã rất tò mò, muốn thử nhưng đến khi về hưu mới có cơ hội luyện.

Bản thân ông R. Manek cũng rất ngạc nhiên về các khả năng có thể nói là phi phàm của mình nên ông đã tự nguyện tham gia các đợt khảo sát và nghiên cứu của các chuyên gia Ấn Độ. Ông chấp nhận trải qua nhiều ca xét nghiệm. Ca xét nghiệm đầu tiên là nhịn ăn 211 ngày liên tục trong thời gian 1995 - 1996 tại Calicut, Ấn Độ, với sự chứng kiến của đội ngũ các bác sĩ chuyên gia, đại diện của khoa học, y tế bao gồm bác sĩ gia đình, các bác sĩ tim mạch, thần kinh, nội tiết, bác sĩ phẫu thuật, bệnh lý học, do bác sĩ CK Ramachandran chủ trì.

Tiếp theo đó là bằng cách ăn chay liên tục cho 411 ngày, theo Jain truyền thống trong thời gian năm 2000 - 2001 tại Ahmedabad, Ấn Độ chỉ đạo bởi một đội ngũ quốc tế gồm 21 bác sĩ và các nhà khoa học, Tiến sĩ Sudhir Shah trực tiếp chịu trách nghiệm về chương trình thử nghiệm này.

Theo đó, ông R. Manek chỉ đun sôi nước tiêu thụ hàng ngày từ 11 amto 04:00 chỉ và không có các chất lỏng khác. Vài ngày trước khi ăn chay, ông R.Manek đã phải trải qua các xét nghiệm về y tế. Hồ sơ kiểm tra y tế này bao gồm: thực trạng hàng ngày của xung, huyết áp, hô hấp, nhiệt độ, lượng nước, lượng nước tiểu, trọng lượng… có liên quan đến huyết học và sinh hóa (ở dạng kiểm tra thông thường được thực hiện định kỳ, tức là hàng tháng hoặc hai tuần/lần).

Sau đó kết quả cho thấy, trong 3 tháng đầu ông R. Manek giảm mất 19 kg trọng lượng cơ thể, tỷ lệ nhịp tim và BP giảm nhẹ, giảm hạn mức hô hấp (từ 18 đến nay 10/minute). Ông đã ngừng đi đại tiện từ ngày thứ 16 của quá trình ăn chay. Lượng nước tiểu được duy trì ở khoảng 600 - 800 cc. Ngoài ra, ông không còn bất cứ biểu hiện bất thường nào.

Ngay cả bộ não và khả năng cảm nhận mọi thứ vẫn hoàn toàn bình thường. Không hề có bất cứ sự chấn động nào. Điều đáng ngạc nhiên nhất là, ông đã tự mình trèo lên núi Shatrunjay nổi tiếng (đồi Palitana) cùng với 500 chuyên gia đi cùng mà không cần sự giúp đỡ của bất cứ ai. Như vậy, phải nói rằng, mặc dù đã tốn khá nhiều công sức và tâm huyết nhưng các nhà khoa học cho tới hôm nay vẫn chưa thể tìm ra bí quyết giúp R. Manek có được những năng lực siêu phàm như hiện nay.

2. Bí quyết là ở chỗ chăm chỉ “ngắm mặt trời”

Riêng theo ông R. Manek lý giải thì bí quyết nằm ở chỗ chăm chỉ “ngắm mặt trời”. Ông cho rằng, khi ngắm mặt trời, người ta đã nhận được “sự nuôi dưỡng” từ nó. Ông và một số người đề xướng “bài thể dục” từ mặt trời cũng cho biết, từ rất lâu, người Ai Cập cổ đại, người Aztec ở Mexico, người Maya và bộ tộc thổ dân châu Mỹ đã luyện tập phương pháp này như hình thức tập Yoga Tây Tạng và Ấn Độ.

“Ánh sáng mặt trời cũng tạo ra sự ấm áp giúp cho các môi trường sinh thái thuận lợi cho mọi vật phát triển. Nếu không có mặt trời thì có thể nói sự sống trên trái đất sẽ hầu như không có. Các tia tử ngoại của mặt trời còn có công năng sát khuẩn rất mạnh, có thể diệt trừ giúp con người các vi khuẩn gây ra bệnh hại, bệnh độc. Đặc biệt hơn, ánh nắng mặt trời có khả năng cung cấp cho cơ thể năng lượng để thực hiện các chức năng thiết yếu. Thức ăn mà chúng ta thường dùng chẳng qua cũng chỉ là một dạng năng lượng thứ cấp của năng lượng mặt trời. Mà cơ thể lại có cơ chế tiếp nhận năng lượng trực tiếp từ mặt trời và dự trữ nó để sử dụng khi cần”, Manek giải thích.

Theo lời Tiến sĩ Sudhir Shah, ông R. Manek không có gì khác biệt về các chỉ số sinh học và cơ thể học so với những người bình thường. Nhưng vì sao ông có thể không hề ăn gì từ năm 1995 và không hề uống gì từ 411 ngày.

Tiến sĩ Shah cũng cho rằng, đối với trường hợp của ông R. Manek cần phải mất vài tháng tiếp tục nghiên cứu các dữ liệu đã thu thập được may ra mới đi tới được một kết luận nào đó. Tiến sĩ Shah cho biết, những khảo sát gần đây vẫn chưa làm cho hiện tượng kỳ dị của ông R.Manek trở nên dễ hiểu hơn. Nhưng vẫn còn hy vọng để lý giải chuyện này vì các phương pháp ưu việt hơn đang được áp dụng. Và các nhà nghiên cứu cũng đã kiểm tra được khả năng hoạt động của toàn bộ các hệ thống ở ông R. Manek.

Trường hợp sống khỏe mạnh 16 năm chỉ nhờ ngắm mặt trời là điều xưa nay không có. Nhất là khi các kết quả kiểm tra lâm sàng, sinh hoá, đo đạc điện tử và các kiểm tra khác đều đã được tiến hành và cho kết quả nằm trong mức an toàn.

Các nhà khoa học đã kết luận trường hợp của ông R. Manek là một hiện tượng vô cùng kỳ lạ của cơ thể con người.

Giải thích khả năng kỳ lạ này của ông R. Manek, các bác sĩ cho rằng rất có thể những bài tập nhìn mặt trời đã khiến cho cơ thể ông R. Manek bị thay đổi về mặt sinh học. Một số nhà khoa học khác thì cho rằng có thể cơ thể ông R. Manek sở hữu một loại gen đặc biệt cho phép ông có khả năng sống mà chỉ cần ánh sáng mặt trời và nước trong một thời gian dài đến như vậy.

Mặc dù đưa ra các giả thiết như vậy, song các nhà nghiên cứu vẫn hoàn toàn bó tay trong việc kiến giải một cách rõ ràng và khoa học hiện tượng vốn được xem rằng “không thể có” trong y học. Bởi theo nghiên cứu khoa học thì phần lớn con người có thể sống sót mà không cần ăn trong 50 ngày.

Trong khi đó, chuyên gia thần kinh học Sudhir Shah, người đã từng chịu trách nhiệm chính trong ca thử nghiệm về trường hợp của ông R. Manek trong năm 2000 - 2001  thì cho rằng nếu ông R. Manek không lấy năng lượng từ thực phẩm thì chắc chắn ông ấy phải lấy năng lượng từ những thứ trong môi trường xung quanh, chẳng hạn như ánh sáng.

Từ đó, Tiến sĩ Sudhir Shah rất tin vào lời giải thích của ông R. Manek. Theo một tờ báo đưa ra dẫn chứng là vào năm 2000 - 2001, bác sĩ Shah cũng đã từng tiến hành thử nghiệm tương tự trên ông R. Manek trong vòng hơn một năm trước khi ông R. Manek tuyên bố rằng ông sống bằng khí trời và nước lọc. Theo tờ báo này, có vẻ như bác sĩ Shah và các cộng sự đang chứng minh cho một giải thiết rằng con người có thể sống sót nhờ các nguồn năng lượng tự nhiên như ánh sáng mặt trời hay năng lương dạng siêu việt kiểu tinh thần thay vì đồ ăn và thức uống.

3. Hy vọng những ứng dụng trong việc giải quyết cái đói của con người

Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quân sự của Ấn Độ còn cho rằng ông R. Manek có thể dạy các binh sĩ cách kéo dài thời gian sống sót mà không cần thức ăn, chỉ cần nhìn mặt trời. Những bí mật của ông cũng có thể giúp những nạn nhân của thảm họa tăng khả năng sống sót trong lúc chờ lực lượng cứu hộ.

“Nếu khẳng định của ông ấy được chứng thực, đó sẽ là một bước ngoặt trong khoa học y học”, bác sĩ G. Ilavazhagan, Giám đốc Viện khoa học và Sinh lý học quốc phòng, nói. “Chúng ta có thể giúp cứu mạng sống trong các thảm họa thiên nhiên, các cuộc leo núi hay các cuộc hành trình trên biển… Chúng ta có thể hướng dẫn mọi người kỹ năng sống trong những điều kiện khắc nghiệt mà không có thức ăn hay nước uống”.

Cũng từ đó mà hiện nay phong trào học dưỡng sinh bằng phương pháp truyền năng lượng mặt trời được giới thiệu khá nhiều trên toàn thế giới. Từ năm 1988, nữ tiến sĩ vật lý Barbara An Brennan, chuyên viên khoa học của NASA đã nghiên cứu và viết quyển “Hands of light” (Những bàn tay ánh sáng).

Cùng năm này, nữ tiến sĩ y học Nga Djouna Davitasvili viết quyển “Tôi nghe đôi tay mình” cũng nói về năng lượng sinh học. Năm 1993, bà Barbara lại viết thêm quyển “Light Emerging” (Chữa bệnh bằng ánh sáng)”. Gần đây nhất có 2 cuốn sách tiêu biểu đề cập đến vấn đề này là:  “Ánh sáng, Y khoa của tương lai” - Jacob Lieberman và “Ánh sáng mặt trời và sức khỏe trong thế kỷ 21” - Richard Hobday.

Một vài kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, ở những người thường xuyên luyện tập phương pháp ngắm nhìn mặt trời thì mức hấp thụ năng lượng cao hơn và giảm cảm giác thèm ăn. Trên trang Pravda.ru cũng có báo viết về một trường hợp “ăn nắng” khác, đó là ông Nikolai Dolgoruky sống ở vùng Dnepr của Ucraina.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, nhìn trực tiếp ánh sáng mặt trời trong một khoảng thời gian ngắn có thể gây mù hay nguy hại cho mắt. Hầu hết các chuyên gia chăm sóc mắt đều khuyên tránh nhìn trực tiếp vào mặt trời.

Mặc dù vậy, là người nghiên cứu tác dụng của việc “ăn” nắng trong nhiều năm, theo Manek, việc nhìn ngắm mặt trời vào lúc bình minh hay hoàng hôn rất tốt cho sức khoẻ. Những người luyện tập phương pháp “tự quang hợp” này thường có đầu óc minh mẫn, khoẻ mạnh hơn về cả thể chất và tinh thần mà không tốn bất kỳ một sự tổn hại nào. Tất nhiên, chỉ nên thực hiện việc này vào những thời điểm an toàn, tức là khoảng 30 phút sau khi mặt trời mọc và 30 phút trước khi mặt trời lặn (một số người khác lại thực hiện vào thời gian khác trong ngày).

CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG KẺ MƯỢN DANH HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG GIẢNG NGÀY TẬN THẾ

Báo Giác ngộ Online
HỎI :

Tôi là một Phật tử, theo tôi được biết, hiện các nhà khoa học đã khẳng định là không có ngày tận thế nào trong năm 2012 hay ngày 21-12-2012. Nhưng thời gian qua tôi có gặp một số đạo hữu nói rằng HT.Tịnh Không người Trung Hoa nói ngày 21-12-2012 là ngày tận thế, rồi nói lung tung nhiều thứ khác thật vô lý. Qua tìm hiểu tôi biết trang web tinhtong.vn đăng toàn bộ sự việc trên. Không biết đây là website do Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) quản lý hay không mà đăng những thông tin gây hoang mang cho xã hội? Xin quý Báo cho biết quan điểm của Phật giáo về vấn đề này.

ĐÁP:

Bạn Võ Quốc Đạo và Thanh Minh thân mến! 

Đúng như các bạn đã phản ánh, trên website tinhtong.vn đã đăng tải loạt bài “Lời nhắn nhủ của HT.Tịnh Không” được giảng vào các ngày 21 – 22 và 31-12-2011 tại Hương Cảng Phật đà Giáo dục Hiệp hội. Trong các “Lời nhắn nhủ…” ấy ghi rằng HT.Tịnh Không đã tiếp nhận tài liệu của NASA (National Aeronautics and Space Administration), tuy không nói tận thế nhưng ngài cho biết vào các ngày 21 – 22 và 23-12-2012 chính là lúc: “Địa cầu thay quý, sẽ không có ánh sáng mặt trời, trái đất đi vào Vòng đai Quang Tử, nhân loại sẽ trải qua ba ngày trong không gian zero chiều. Địa cầu sẽ chuyển từ không gian 3D (chiều) sang không gian 4D (chiều). Đây là một tai nạn to lớn. Đương nhiên sẽ có rất nhiều người chết! Biến cố này sẽ dẫn tới thế giới mới tinh. Những khoa học kỹ thuật hiện tại có thể sẽ bị hủy diệt… Thế giới sẽ trở về thời kỳ đồ đá. Ai niệm Phật thì sẽ vãng sinh Tây phương, ai không tu không niệm Phật thì sẽ đọa ba đường ác. Người có phước duyên sẽ ở lại thế gian để làm Sơ tổ truyền bá Phật pháp… Tôi nghĩ sự chết chóc của con người sẽ chiếm một tỉ lệ rất lớn, bởi vì nhân loại chưa bao giờ gặp phải sự kiện như vậy xảy ra…”. Sau đó là những lời dạy khuyến tu niệm Phật để cầu sanh Tịnh độ.

Hiện chúng ta chưa biết chính xác HT.Tịnh Không có “nhắn nhủ” như vậy hay không? Bởi website tinhtong.vn đưa tin ấy không do GHPGVN quản lý, chỉ là trang web cá nhân nên thông tin vốn mang tính nội bộ, chủ quan của trang nhà mà thôi. Nhưng chắc chắn một điều, ai cũng biết HT.Tịnh Không là vị Pháp sư Thượng thủ Tịnh tông Học hội Thế giới, một cao tăng của Tịnh tông quốc tế đương đại. Do đó chúng tôi nghĩ rằng, HT.Tịnh Không hẳn đã không nói những điều ấy, người ta vì lý do nào đó đã gán ghép cho ngài, vì nếu ngài nói như vậy chẳng những không đúng với khoa học mà còn sai với Chánh pháp.


HT.Tịnh Không hẳn đã không nói những điều ấy, người ta vì lý do nào đó đã gán ghép cho ngài, vì nếu ngài nói như vậy chẳng những không đúng với khoa học mà còn sai với Chánh pháp.

Trước hết, về mặt khoa học, sự tương tác giữa địa cầu với vũ trụ là vấn đề sinh mệnh của nhân loại trên toàn thế giới, có tính toàn cầu. Không chỉ NASA của Hoa Kỳ mà các cơ quan nghiên cứu không gian trên toàn thế giới đều quan tâm, cung cấp và chia sẻ thông tin cho toàn thể nhân loại biết rõ, đồng thời các chính phủ, nhà nước có trách nhiệm phải chính thức thông báo trên các phương tiện truyền thông tất cả mọi biến động của địa cầu cho nhân dân được biết. Đến thời điểm này, các nhà khoa học và thiên văn trên thế giới đã nhiều lần lên tiếng chính thức phủ nhận niềm tin và dự báo tận thế của một số người vào cuối năm 2012, kết thúc chu kỳ lịch (5.126 năm) của người Maya. Nên những “Lời nhắn nhủ…” (được cho là của HT.Tịnh Không) nói đến sự hủy diệt (theo tài liệu báo cáo của NASA, trong khi NASA và giới truyền thông quốc tế đều có thông báo chính thức phủ nhận điều này), là hoàn toàn thiếu cơ sở.

Về phương diện Chánh pháp, Đức Thế Tôn đã dạy vô thường sanh diệt biến chuyển trong từng sát-na. Không ai có thể biết được phút giây sau sẽ thay đổi như thế nào, mạng người trong hơi thở, hàng Phật tử ý thức sâu sắc về vô thường tấn tốc nên tinh tấn tu hành. Kinh Phật không hề nói đến tận thế hay hủy diệt địa cầu vào cuối năm 2012, và cũng không hù dọa “Ai niệm Phật thì sẽ vãng sinh Tây phương, ai không tu không niệm Phật thì sẽ đọa ba đường ác…” theo kiểu phao tin đồn nhảm về tận thế của một số giáo phái thờ Thượng đế cuồng tín ở Âu Mỹ, trong thời gian vừa qua.

Hiện tượng các hành tinh xếp thẳng hàng sẽ không xảy ra vào ngày 21/12/2012. Ngay cả khi hiện tượng đó xảy ra, nó cũng chẳng gây nên bất kỳ vấn đề nào. Don Yeomans, Giám đốc Chương trình Các vật thể gần trái đất của NASA khẳng định.

Hiện nay, một số Phật tử tu tập theo Tịnh Độ tông ở Việt Nam có dấu hiệu hoang mang, lo lắng vì tin vào các “Lời nhắn nhủ…” thiếu cơ sở khoa học và sai với Chánh pháp kia. Vì các “Lời nhắn nhủ…” được gán cho HT.Tịnh Không nên một số người tin nhận liền mà không cần suy xét kỹ lưỡng, đồng thời lại tỏ ra bi quan với cuộc sống, ngừng các dự án làm ăn và học tập để tu niệm mong được vãng sanh trong ngày “tận thế”. ĐĐ.Thích Đạo Thịnh cho biết:

“Ngày 14-1-2012, một phái đoàn Phật tử ở Hà Nội đã tới chùa Khai Nguyên hỏi tôi: Thưa thầy! Có đúng là ngày tận thế sắp đến và sẽ xảy ra không ạ? Chúng con rất tin lời của HT.Tịnh Không nói. Bây giờ chúng con phải làm sao ạ…? Có hai mẹ con trong phái đoàn còn nói: Thực sự mấy ngày nay gia đình chúng con không biết làm gì nữa. Con gái con đã xin nghỉ học để ở nhà niệm Phật, không biết chúng con có còn đủ thời gian để vãng sinh nữa không? Hôm nay mẹ con chúng con đã đem sẵn tư trang rồi, nếu thực có ngày tận thế thì xin thầy cho mẹ con nhà con ở lại chùa để tu tập cầu giải thoát” (HT.Tịnh Không nói gì về ngày tận thế?).

Rõ ràng, các “Lời nhắn nhủ…” đã đem lại những hiệu ứng tiêu cực, bi quan cho một bộ phận đời sống xã hội cũng như chẳng mang đến lợi ích chân thực nào cho sự tu tập của hàng Phật tử. Do đó, người Phật tử chân chính cần phát huy Chánh kiến, tin sâu giáo pháp của Phật Thích Ca, tỉnh giác nhận chân sự thật để không tin theo những điều sai quấy, dù điều ấy được gán cho bất cứ ai. Đành rằng sự tinh tấn trong tu học rất quan trọng và cần thiết nhưng sự siêng năng ấy tuyệt không xuất phát từ sợ hãi, nhất là lo sợ tận thế mà gắng niệm Phật cầu vãng sanh lại càng rối loạn hơn. Đó không phải là Chánh tinh tấn trong Phật giáo.

Mặt khác, có thể đây là một trong những thủ đoạn chống phá uy tín của HT.Tịnh Không nói riêng và Tịnh Độ tông trên thế giới nói chung một cách rất tinh vi nên hàng Phật tử phải đề cao cảnh giác. Vì những ai tin tưởng vào các “Lời nhắn nhủ…” kia thì sau năm 2012 sẽ vỡ mộng, mất niềm tin vào Phật pháp. Cũng như hiện tại có một vài vị giảng sư cũng dựa vào niềm tin tận thế vào cuối năm 2012 để kêu gọi mọi người tu nhân tích đức, tinh tấn niệm Phật. Khuyến hóa tu học theo cách này chỉ lợi bất cập hại, vì Phật dạy “vô thường tấn tốc” nên việc tu niệm từ xưa cho đến giờ phải gấp rút “như cứu lửa cháy trên đầu” chứ không phải vì sợ tận thế vào cuối năm 2012 mới nỗ lực tu học.
Những “Lời nhắn nhủ…” ấy trong chừng mực nào đó đã khiến gây bất an, hoảng hốt cho một số người nhẹ dạ, cả tin, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Do vậy, trước khi GHPGVN và các cơ quan chức năng chính thức can thiệp để làm trong sáng Chánh pháp, thiết nghĩ, ban quản trị website tinhtong.vn và website khác có đăng các “Lời nhắn nhủ…” cần phải nhanh chóng tháo gỡ bài ra khỏi trang nhà để hàng Phật tử sơ cơ bớt hoang mang, lo lắng và tinh tấn tu tập đúng theo Chánh pháp.

Chúc các bạn tinh tấn!

Wednesday, February 22, 2012

NGOẠI CẢM TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI VIỆT

Markus Schlecker 

Một phong trào có tên chủ nghĩa tâm linh bắt đầu nở rộ ở phương Tây từ đầu đến giữa thế kỷ 19
         
Niềm tin vào sự hiện hữu của linh hồn không phải là mới, cũng như các kỹ thuật liên lạc với họ. Nhưng chủ nghĩa tâm linh đánh dấu bước ngoặt quan trọng. Nó thu hút chủ yếu giai cấp trung lưu và thượng lưu có học và mở đường cho sự tìm hiểu có tính hệ thống hơn về hiện tượng siêu nhiên. Lĩnh vực tâm linh, tâm lý học phát triển từ cuối thế kỷ 19, với sự sáng lập Hội Nghiên cứu Ngoại cảm ở London và một hội tương tự ở New York. Triết gia C.S. Peirce cũng rất quan tâm lĩnh vực này, hoạt động độc lập và cố gắng điều tra rộng rãi các hiện tượng siêu nhiên.
         
Trong mấy thập niên sau đó, các nhà tâm linh, tâm lý học xác định và phân loại những hiện tượng không thể giải thích bằng kiến thức khoa học đương thời. Sau một giai đoạn háo hức và nở rộ trong thập niên 1970, người ta bắt đầu ít quan tâm đến lĩnh vực này. Ngày nay, tâm linh tâm lý học vẫn là lĩnh vực nghiên cứu gây tranh cãi, bị nhiều người hồ nghi. Một số, có cả các khoa học gia có tiếng, bảo vệ nó. Những người thực hành và ủng hộ nói đó là nghiên cứu hợp pháp về những hiện tượng mà khoa học chưa có mô hình lý giải.
         
Các nhà nhân học (anthropology) đã nghiên cứu việc lên đồng, và những người nhìn thấy cái vô hình trong nhiều nền văn hóa. Những nghiên cứu ban đầu cho đến cuối thập niên 1950 được dẫn dắt bằng niềm tin cơ bản rằng những tư tưởng và hành vi đó biểu lộ suy nghĩ thô sơ, trái ngược với suy luận hữu lý của phương Tây. Vào đầu thập niên 1960, nhà nhân học người Anh Evans-Pritchard ghi nhận ngành của ông nói chung thù địch trước các niềm tin và hành vi tôn giáo.
         
Thay đổi quan niệm
         
Đầu thập niên 1960 cũng chứng kiến việc ra mắt tác phẩm Savage Mind của Claude Levi-Strauss, khẳng định cách suy luận Tây và phi Tây đơn giản chỉ là biến tấu của cùng một cấu trúc suy nghĩ chung của con người.
         
Kể từ đó, nhiều nhà nhân học cố gắng tìm hiểu những niềm tin không phải từ quan niệm quy ước của mình, mà dựa trên quan niệm của chính nền văn hóa mà họ quan sát. Ngày nay, công thức căn bản của các nhà nhân học là ‘đừng vội không tin’.
         
Các nhà nhân học đã ghi chép sự phục hồi của đời sống tâm linh ở Việt Nam thời Đổi Mới, mà trọng tâm là hành vi và niềm tin tâm linh.
         
Nhiều người nhìn thấy sự liên quan giữa thương mại và chủ nghĩa tiêu thụ gia tăng ở vùng đô thị, cùng với sự nở rộ của dịch vụ tín ngưỡng.
         
Tại một khu nông thôn của Hải Phòng, nơi tôi có một năm nghiên cứu thực địa (2006/07), có vẻ sự phục hồi tâm linh được thúc đẩy không phải vì chủ nghĩa tiêu thụ mà vì nghèo đói và sự tan rã cộng đồng do người ở đó đi ra thành phố.
        
 Người dân làng nhìn những vấn đề này có liên quan đến các oan hồn trong làng. Trước thời cải cách, nhiều ngôi mộ đã bị phá hủy hoặc chưa bao giờ được xây tử tế vì thiếu tiền. Nhiều gia đình không biết nơi chôn các liệt sĩ.
         
Tìm hài cốt
          
Tôi bắt gặp cái tên Nguyễn Văn Liên, là một người đã giúp nhiều gia đình tìm người thân đã chết, chủ yếu là liệt sĩ, ở gần đó và cả những nơi rất xa. Có trường hợp một cụ già lặn lội đến vùng của người K’tu để lấy xương của em trai, nhờ hướng dẫn của ông Liên. Có lúc người dân chỉ việc đến xã bên cạnh để tìm hài cốt một người chết trong cuộc chiến chống Pháp.        

Số lượng khách hàng của ông Liên dường như ngày càng tăng. Chính tôi chứng kiến việc phát hiện một ngôi mộ người dân bên trong xã, nhờ tài ngoại cảm của ông Liên. Nhưng cũng có những sự chỉ trích của những người nghi ngờ sự chính xác. Có một số kể những ví dụ cáo buộc chỉ dẫn của ông Liên đã sai lạc.         

Ông Liên và nhiều nhà ngoại cảm khác (như bà Phan Thị Bích Hằng) đã tham gia những chương trình nghiên cứu do Chính phủ bảo trợ từ thập niên 1990 điều tra khả năng của họ trong việc giúp tìm mộ liệt sĩ. Trong 10 năm, hàng ngàn ngôi mộ được phát hiện và các nhà ngoại cảm được nhà nước phong thưởng.
          
Sự hợp tác giữa nhà ngoại cảm và giới khoa học, đại diện chính quyền thể hiện sự phát triển kinh ngạc. Nhưng bên ngoài các chương trình như vậy, nhà ngoại cảm vẫn cảm thấy cần phải tìm kiếm sự chấp nhận của cộng đồng vì nhiều người bị tố cáo “buôn thần bán thánh”. Ông Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng, cho rằng 90% các nhà ngoại cảm là “đồ rởm”.

Câu hỏi
         
"Là một nhà nhân học, tôi nghĩ khi đặt những câu hỏi như vậy, tôi có thể học được nhiều về sự phức tạp của đời sống xã hội Việt Nam và cách thức người dân ở đây giải thích thế giới chung quanh. Nói cách khác, công việc của các nhà ngoại cảm và nhu cầu có dịch vụ của họ cung cấp điểm tham chiếu vô giá về đời sống người Việt trong thế kỷ 21."
         
Là một nhà nhân học, một câu hỏi tôi đặt ra là nhu cầu tìm nhà ngoại cảm và mong muốn tìm mộ xuất phát từ cái nghèo trong vùng và biến đổi kinh tế - xã hội to lớn ở Việt Nam ở mức độ nào. Cư dân địa phương dường như nhìn thấy sợi dây nhân quả giữa oan hồn trong vùng và sự vất vả của họ.
         
Một câu hỏi khác là tín ngưỡng lâu đời của người Việt – ví dụ niềm tin vào kiếp sau – liệu có được củng cố thêm bởi ngoại lực khi đất nước này tiếp xúc thêm với truyền thông nước ngoài. Tôi đang nghĩ đến các phong trào tôn giáo và tinh thần mới ở Tây phương, cùng xu hướng nghi ngờ các định nghĩa hẹp của khoa học và sự thật. Nhiều nhà ngoại cảm, trong đó có bà Phan Thị Bích Hằng, nhắc đến những nghiên cứu ở nước ngoài.
        
Sau cùng, tôi rất quan tâm đến cách người ta đặt vấn đề ngoại cảm trong quan hệ với kiến thức, sự thật và quan niệm đạo đức. Điều tôi tìm thấy là các nhà ngoại cảm có thể được chấp nhận khi họ chứng tỏ có công lao, điều mà sau đó được chuyển hóa thành bằng chứng rằng kiến thức của họ là có thật. Có thể thấy điều này ở bà Bích Hằng. Cách nhìn nhận rộng rãi về bà như một nhà ngoại cảm thực tài biến chuyển cùng với uy tín người ta dành cho.
        
Ban đầu, bà Bích Hằng thường bị người dân bỏ qua, sợ hãi và nghi ngờ. Khi chuyện này bắt đầu ảnh hưởng đến gia đình bà, cán bộ địa phương yêu cầu bà dùng kỹ năng của mình để “làm điều có ích cho quê hương, để mọi người thừa nhận tài năng của chị”. Một việc quan trọng cho ngôi làng của bà là khi bà tìm thấy mộ của một vị tướng nhà Trần và di tích một ngôi chùa cổ. Trong cả hai trường hợp, người chết đã hướng dẫn bà đến tận nơi, và sau này, cán bộ của Bộ Văn hóa chứng nhận đó là di tích lịch sử.

Sự gắn kết giữa công lao và sự chân thật rõ ràng cũng đóng vai trò quan trọng trong những lần xuất hiện gần đây của bà Bích Hằng. Bà mặc quần áo Phật tử và có mặt ở các buổi lễ và hội nghị Phật giáo. Chuyện này giúp phân biệt công việc của bà với những người “buôn thần bán thánh”. Nói cách khác, sự thật được thiết lập dựa trên lý do thực dụng, theo như triết lý của William James.