Monday, May 16, 2011

MẬT TÔNG

Đức Phật đã giảng dạy rất nhiều pháp môn khác nhau, sau này người ta tạm chia ra ba con đường : Tiểu thừa [Hinayana], Đại thừa [Mahayana], và Kim cang thừa [Vajrayana] hay còn gọi là Mật thừa [Tantra]

-TIỂU THỪA: đặt căn bản trên giới luật để kiểm soát thân, khẩu, ý. Nhờ giữ gìn giới luật nghiêm ngặt nên có một đời sống trong sạch, thanh bình. Thông qua phương pháp Thiền và kiểm soát hơi thở, từng cảm giác, từng ý tưởng... mà nhận ra rằng thế gian này là VÔ THƯỜNG không có gì bền vững. Từ đó mà ý thức tính chất vô ngã, thấy rõ sự lầm lẫn về cái ngã là nguyên nhân của mọi đau khổ. Vì cho rằng có một cái ngã nên con người mới cố gắng tô điểm, bảo vệ, giữ gìn cho nó được lâu dài. Họ nhân danh đủ mọi thứ để đề cao cái bản ngã này. Họ tạo ra hình ảnh Thượng đế hay lý thuyết bất tử để thoả mãn ước vọng thầm kín của mình. Đến khi quán triệt tính chất vô ngã, họ mới nhàm chán bản thân mà tìm cách thoát khỏi vô minh. Tự giác là mục đích của con đường này, từ đó mới mở rộng tình thương đến những người khác, những vật khác. Khi cái ta không còn nữa thì đâu còn phân biệt mình với người, chủ thể với đối tượng.

- ĐẠI THỪA: Con đường rộng rãi của Đại thừa đặt căn bản trên tình thương chúng sinh muôn loài, không còn tìm sự giải thoát cho riêng mình mà còn giúp đỡ tất cả được giải thoát khỏi khổ đau [chúng sinh vô biên thệ nguyện độ]. Kinh điển Đại thừa nhiều như rừng, như biển, cao siêu không lường, nhưng cốt yếu đặt căn bản trên sự phát triển lòng từ bi, không những tự giác mà còn giác tha nữa.

- KIM CANG THỪA: Sở dĩ gọi là Kim Cang Thừa là vì muốn đề cao tính chất cứng rắn, không thể hư hoại của trạng thái giác ngộ. Kim cang là thứ sắc bén có thể xuyên thủng mọi vật, xuyên thủng màn vô minh để đạt tới giác ngộ. Kim Cang Thừa nhằm phát triển trí tuệ, một thứ trí tuệ siêu việt gọi là bát nhã. Muốn vậy phải có lòng từ bi rộng lớn, do đó Kim Cang Thừa có liên quan mật thiết với Đại Thừa, có thể coi như đó là giai đoạn cuối của con đường rộng lớn.

Điều quan trọng cần lưu ý là cả ba con dường tuy khác nhau nhưng vẫn là một, đó là PHẬT THỪA. Vì cả ba con đường đều nhằm vào mục đích là giác ngộ, giải thoát. Khi vượt lên mọi sự phân biệt, ta thấy cả ba là một sự tiếp diễn. Tuy gọi là tiếp diễn, nối tiếp, nhưng thực ra nó là một vòng tròn trong đó có ba đường như ba sợi chỉ màu cùng quấn lại, ta cũng có thể coi đó là những giai đoạn, những trình độ trên một con đường, đó là con đường giải thoát.

Cho nên theo kinh điển của Mật Tông thì con đường Kim Cang Thừa có thể đưa tới quả vị Phật trong một kiếp, trong khi các con đường khác đòi hỏi đến vô lượng, vô số kiếp. Vì vậy, nhiều người gọi Mật Tông là con đường ngắn nhất, con đường tắt. Trong khi đó tham vọng của người đời bao giờ cũng muốn tìm một lối đi thật nhanh, một con đường thật ngắn, một phương pháp thật dễ nhưng có hiệu quả tối đa. Có một số người nghĩ rằng tu theo Kim Cang Thừa chỉ cần tụng vài ba câu chú, thực hành vài phương pháp bí mật là đã có vé phi cơ trở về niết bàn rồi, họ đâu có biết rằng khi chưa giữ được giới, tâm trí còn đầy những tham vọng, những si mê, ích kỷ, ngạo mạn... mà đòi theo Kim Cang Thừa thì chẳng khác gì đón nhận luồng điện cao thế, nếu không điên cuồng thì cũng bỏ mạng.

Kim Cang Thừa, đó là con đường vô cùng khó khăn, chỉ dành cho các bậc Bồ Tát, các vị Tổ đã phát những hạnh nguyện vô cùng lớn lao, có công phu tu hành tinh tấn, mở lòng từ bi, phát triển trí tuệ.
Theo con đường này, các vị tổ Mật Tông đều nhấn mạnh đến việc trì chú như phương tiện đưa đến giác ngộ. Truyền thống Mật Tông xây dựng trên căn bản truyền khẩu giữa thầy và trò, các khẩu quyết phải được giữ kín. Sở dĩ nó phải được giữ bí mật là vì chỉ có thầy mới biết rõ căn cơ, trình độ của học trò mà chỉ dạy một phương pháp thích hợp nhất cho từng học trò, và phương pháp đó chính là chìa khoá để phá tan màn vô minh của con người.

Kim Cang Thừa là như vậy đó, tôi không biết thời nay các thầy tu như thế nào mà dạy các Phật tử chỉ có một câu niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Các thầy có khả năng nhìn rõ căn cơ của từng người không? Để đưa ra những phương pháp tập đem lại hiệu quả nhất. Việc này chỉ có thầy biết rõ hơn ai hết.

Tu theo Mật Tông bắt buộc phải có thầy, mà phải là thầy đã giác ngộ, đã đắc đạo. Không thể tự đọc sách, nghiên cứu lý thuyết rồi đọc vài ba câu chú là xong. Dĩ nhiên người thầy phải là người có đủ kinh nghiệm, có ấn chứng, như vậy hướng dẫn học trò mới có hiệu quả. "GURU" có nghĩa là tan biến bóng tối, thầy phải là người làm tan bóng tối đối với chính mình trước khi ban ánh sáng cho người khác. Tu theo Mật Tông, chẳng may gặp phải thầy thiếu kinh nghiệm, rất dễ lạc vào tà đạo hay cảnh giới huyển hoặc vô cùng nguy hiểm.

Việc hành trì Mật Tông rất khó, đòi hỏi người tu phải có một thân thể cường tráng, ý chí cương quyết, tập trung tư tưởng, khai mở trí tuệ để nhìn xuyên qua màn vô minh, thẳng vào thực tướng của sự vật. Do đó, trước khi tu, phải phát hạnh nguyện rộng lớn để làm kim chỉ nam hướng dẫn đời mình. Nghiêm giữ giới luật, mở lòng từ bi, quán chiếu tánh không, tâm vô sở cầu mới mong tránh được nguy hiểm.

Trong giai đoạn đầu tiên, thường ở nơi hoang vắng để giữ Thân, Khẩu, Ý được thanh tịnh. Nhờ sức gia trì của chư Phật, chư Bồ Tát và các chư Tổ qua sự trì tụng thần chú khẩu quyết, tâm thức trở nên lắng trong, sẳn sàng đón nhận thần lực gia trì. Khi đã thuần thục, tâm thức hoàn toàn tĩnh lặng, dứt mọi vọng niệm thì mới bước vào giai đoạn hợp nhất, không còn phân biệt chúng sanh với pháp giới, quán triệt tánh không. Lúc bấy giờ mới nhập pháp giới giúp đỡ chúng sinh. Mỗi cử chỉ đều là ấn quyết, mỗi lời nói đều là chân ngôn, tâm không còn ô nghiễm. Nói theo hình ảnh của Thiền là "THỎNG TAY VÀO CHỢ".

Riêng ở Tây Tạng, các sách vỡ thường dùng từ "Lạt Ma Giáo" [Lamaism] để chỉ Phật giáo Tây Tạng. Đây là một từ không đúng, bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về phong tục và ngôn ngữ Tây Tạng. Thực tế "Lạt Ma" có nghĩa là học giả đã tốt nghiệp Phật học. Lạt Ma không hẳn là một tu sĩ, nhưng tất cả tu sĩ đều là Lạt Ma, vì họ đã đậu trong các kỳ thi Phật học. Lạt Ma giáo thường được hiểu như một biến thái của Phật Giáo; đây cũng là một sự ngộ nhận vô cùng. Phật Giáo Tây Tạng được xây dựng trên cơ sở Phật Pháp, được áp dụng một trong nhiều phương pháp do Phật Thích Ca giảng dạy, đó là Mật Tông [Tantrism].

Sunday, May 15, 2011

ĐIỀU CẦN BIẾT KHI TU THIỀN

Hành thiền giúp phát triển sự tỉnh thức và năng lực cần thiết để chuyển hóa các thói quen đã ăn sâu vào tâm ý.
Một số người có vấn đề như buồn nản, sợ hãi vô lý hay có biểu hiện của bệnh tâm thần, họ nghĩ rằng thiền là phương cách điều trị tức thời cho những vấn đề này. Họ bắt đầu hành thiền, đôi khi vấn đề của họ trở nên tồi tệ hơn. Khi bạn có vấn đề như thế nên tìm sự giúp đỡ của vị thầy có kinh nghiệm hoặc chuyên gia tâm lý, Sau khi điều trị và cảm thấy tinh thần khá hơn, lúc đó mới hành Thiền.

Thiền là gì?
Thiền là nỗ lực có ý thức để làm thay đổi và chuyển hoá của tâm. Tiếng Phạn là “Bhavana”, nghĩa là làm “Tăng trưởng” hay “Phát triển”.

Thiền có quan trọng không?
Thiền rất quan trọng. Chúng ta muốn tốt đẹp bao nhiêu, khó mà thay đổi tâm ý, không thể thay đổi những tham dục vốn đã tạo nên cách hành xử. Ví dụ, người có thể nhận ra rằng mình hay nóng nảy với vợ, anh ấy tự hứa “Từ đây về sau, tôi sẽ không nóng nảy như thế”. Một giờ sau, anh ấy vẫn có thể la mắng vợ mình, đơn giản là anh ấy không tự biết mình, nóng nảy đã bùng phát mà anh không biết. Hành thiền giúp phát triển sự tỉnh thức và năng lực cần thiết để chuyển hóa các thói quen đã ăn sâu vào tâm ý.

Tôi nghe nói rằng, hành thiền có thể rất nguy hiểm. Điều này có đúng không?
Chúng ta cần ăn muối để sống nhưng ăn một ký-lô muối thì nó sẽ giết bạn. Để sống trong thế giới hiện đại, bạn cần xe ô tô, bạn không tuân theo luật giao thông hay trong lúc lái xe lại say rượu thì xe ô tô trở thành cái máy nguy hiểm. Hành thiền cũng giống như thế, nó cần thiết cho sự an lạc tinh thần, bạn thực hành một cách hời hợt, thiếu phương pháp, nó sẽ tạo ra nhiều vấn đề. Một số người khi hành thiền, lại cố gắng quá mức, thay vì hành thiền từng bước một, họ lại thực hành với quá nhiều sự nỗ lực và đầy tham vọng, chẳng bao lâu họ sẽ chán nản và kiệt sức.

Phần lớn những vấn đề xảy ra trong khi hành thiền  là do loại “Thiền Kăng-ga-ru” hay “Thiền chạy nhảy” (Kangaroo, Đại thử, là loài thú có túi trước bụng đặc biệt ở Úc, có thể nhảy xa bằng hai chân sau rất khỏe). Một số người đến vị thầy để học thiền rồi áp dụng phương pháp thiền của vị ấy trong một thời gian; sau đó họ đọc sách, quyết định thực hành theo sự chỉ dẫn trong sách; một tuần sau, có thiền sư nổi tiếng viếng thăm thành phố, họ quyết định phối hợp một số lời dạy của vị ấy vào việc tu thiền; chẳng bao lâu, họ rơi vào tình trạng hoang mang, thất vọng, chạy nhảy giống như con Kăng-ga-ru, từ phương pháp này sang phương pháp nọ là việc làm sai lầm. Đối với những người này, họ không bao giờ thành công trên bất cứ mọi lĩnh vực nào cả, kể cả việc học Thiền.

Có mấy pháp hành thiền?
Có rất nhiều phương pháp hành thiền khác nhau, mỗi pháp đối trị vấn đề đặc biệt hay để phát triển trạng thái tâm lý đặc biệt. Tuy nhiên, hai pháp thiền phổ thông và hữu dụng nhất là Quán niệm hơi thở (anapana sati) và Quán từ bi (metta bhavana).

Làm thế nào để hành thiền Quán niệm hơi thở?
Bạn làm theo bốn bước đơn giản: Chọn nơi yên tĩnh, thoáng mát, giữ tư thế ngồi, theo dõi hơi thở .Bạn tìm nơi thích hợp, có thể căn phòng không ồn ào và tại nơi đó, bạn không bị quấy rầy. Thứ hai, bạn ngồi trong tư thế thoải mái, tư thế tốt nhất là ngồi với chân xếp lại, dưới mông có kê gối, lưng thẳng, hai bàn tay xếp lên nhau đặt ở vùng bụng dưới, nhắm  khép nhẹ. Cách khác, bạn có thể ngồi trên ghế nhưng phải giữ lưng cho thẳng.
Bước tiếp theo là phần thực hành. Bạn ngồi yên tịnh với mắt khép lại,  cảm nhận  vào sự chuyển động của vùng bụng dưới khi thở ra, thở vào. Thực hiện điều này bằng cách đếm hơi thở [sổ tức]hay theo dõi  [tuỳ tức] sự phồng xẹp của bụng. Trong khi hành thiền, có nhiều vấn đề khó khăn có thể sinh khởi  trong tâm bạn. Bạn có thể thấy ngứa ngáy, khó chịu trong cơ thể hay đau nhức ở đầu gối. Điều này thường xuyên xảy ra, bạn cố gắng giữ cơ thể thư giãn, không nhúc nhích và tiếp tục để tâm vào hơi thở, có nhiều ý nghĩ xuất hiện ở tâm, làm xao lãng việc chú tâm vào hơi thở, cách duy nhất để xử lý vấn đề này là phải kiên nhẫn, tiếp tục đem tâm trở lại với hơi thở. Bạn tiếp tục làm như thế, dần dần các ý nghĩ kia sẽ yếu đi, việc định tâm sẽ dễ dànghơn, bạn sẽ có được những giây phút đi sâu vào an lạc và thanh tịnh nội tâm.

Tôi nên hành thiền bao lâu?
Bạn hành thiền mỗi lần 15 phút trong tuần đầu; rồi gia tăng 5 phút mỗi tuần, cho đến khi có thể hành thiền trong 45 phút là tốt nhất. Sau vài tuần lễ hành thiền đều đặn mỗi ngày như thế, bạn sẽ bắt đầu thấy việc định tâm trở nên tốt hơn, những ý tưởng tán loạn giảm dần, có những giây phút an hòa và tĩnh lặng thật sự.

Còn Quán từ bi thì sao? Phương cách thực hành như thế nào?
Bạn quen thuộc với pháp thiền Quán niệm hơi thở và thực hành đều đặn, có thể bắt đầu hành thiền Quán từ bi. Pháp hành này nên thực hiện hai hay ba lần mỗi tuần, sau khi bạn hành thiền Quán niệm hơi thở. Trước tiên, bạn chú tâm vào chính mình và tự hỏi những lời như: “Xin cho tôi được khỏe mạnh và hạnh phúc. Xin cho tôi được bình an và tĩnh lặng. Xin cho tôi thoát khỏi mọi hiểm nguy. Xin cho tâm tôi không còn sân hận. Xin cho tâm tôi tràn đầy tình thương. Xin cho tôi được khỏe mạnh và hạnh phúc”. Sau đó, bạn nghĩ đến những người khác, từng người một, từ người thân thương cho đến những người bạn bình thường - nghĩa là người mình không thương mà cũng không ghét, cuối cùng là đến những người mà mình không ưa thích; ước nguyện cho họ an vui như bạn đã ước nguyện cho chính mình.

Pháp hành thiền Quán từ bi này có lợi ích gì?
Bạn thực hành thiền Quán từ bi này một cách đều đặn với thái độ đúng đắn, sẽ thấy trong người có nhiều thay đổi tích cực. Bạn sẽ thấy mình có thể chấp nhận và tha thứ cho chính mình, tình cảm dành cho người mình thương gia tăng thêm, mình thân thiện hơn với người mà trước đây mình thờ ơ và không quan tâm; những ác ý hay sân hận mà bạn đã có với người nào đó nay sẽ giảm đi, cuối cùng sẽ tan biến. Thỉnh thoảng, bạn biết ai đó đang lâm bệnh, buồn khổ hay gặp khó khăn, có thể nghĩ đến họ trong lúc hành thiền từ bi, thường thì bạn sẽ thấy tình cảnh của họ được cải thiện.

Điều ấy có thể xảy ra như thế nào?
Tâm ý khi được phát triển đúng đắn là công cụ rất hùng mạnh. Chúng ta biết tập trung năng lực tinh thần và hướng đến người khác, có thể ảnh hưởng đến họ. Hẳn bạn đã có kinh nghiệm như thế. Bạn đang ở trong phòng đông người và có cảm giác rằng ai đó đang chú ý đến mình. Bạn xoay một vòng xem và biết chắc là ai đang nhìn chằm chằm vào mình. Điều này đã xảy ra khi bạn bắt được năng lực tinh thần của người khác. Thiền Quán từ bi cũng giống như vậy. Chúng ta hướng năng lực tinh thần tích cực tới người khác, dần dần sẽ chuyển hóa được họ.

Tôi có cần vị thầy hướng dẫn hành thiền không?
"Không thầy đố mày làm nên". Người thầy là người đã từng trải và cũng tích luỷ rất nhiều kinh nghiệm. Vì vậy phải cần có một vị Thầy thì chắc chắn sẽ có lợi ích cho mình hơn. Bạn phải cố gắng tìm một vị Thầy có danh tiếng tốt, có đủ đạo đức và nhân cách tốt.

Tôi nghe nói rằng, thiền định ngày nay được các chuyên gia về tâm thần, các nhà tâm lý học áp dụng rộng rãi. Điều đó có đúng không?
-  Đúng như thế. Ngày nay thiền được thế giới quan tâm rất nhiều, nó ảnh hưởng  đến đời sống tâm linh và trị liệu được những loại bệnh tâm thần, được nhiều chuyên gia về sức khỏe áp dụng, để giúp làm thư giản, vượt qua những đau khổ và mang đến sự tỉnh thức và bình an cho chính mình.

Friday, May 6, 2011

Ý NGHĨA CỦA PHÓNG SINH

Chúng ta cần phải xét lại việc phóng sinh chim và thả cá. Chim bị bắt nhốt vào lồng, cá bị bắt thả trong chậu bán ngoài chợ là do người giăng lưới vây bắt vì nhu cầu tiêu thụ, để ăn hoặc để phóng sinh. Điều này có nghĩa là nếu không có nhu cầu mua chim cá thì chim cá sẽ không bị giăng lưới và nhốt vào lồng chậu. Qua sự kiện này chúng ta nhận thấy, vì muốn phóng sinh nhằm tạo phước mà người phóng sinh lại vô tình thúc đẩy những người khác giăng lưới bắt chim cá, đến nỗi tự họ lại mắc vào nghiệp sát sinh.

Ngoài ra, chim cá bán ngoài thị trường để cung ứng cho nhu cầu phóng sinh tại các đô thị thường là do người ta bắt ở các ao cá, vườn chim. Những sinh vật này có thể sẽ không thích ứng với hoàn cảnh mới. Hơn nữa, các giống chim, cá đều có thói quen của chúng. Có những loài cá phải sống trong những hoàn cảnh nhất định như chất nước, độ sâu, độ chảy. Cá sông không thể sống dưới biển và cá biển không thể sống dưới sông. Chỉ có những con chim bồ câu bị bắt để phóng sinh thì may ra ít khổ nhất, chúng chỉ bị tù túng mấy ngày, có thể là phải chịu đói khát, nhưng nếu sống sót cho đến lúc được phóng sinh mà còn đủ sức để bay thì cũng có nhiều cơ may có thể “trở về mái nhà xưa”, vì loài chim bồ câu vốn nhớ đường về, chúng sẽ có thể bay về với gia đình, sẽ được chủ nó cho ăn uống bồi bổ lại sau những ngày bị giam cầm tù tội và đói khát.

Trong tình hình như vậy, có nên phóng sinh hay không ? Chúng tôi nghĩ rằng điều này nên để quý vị tự định đoạt. Tuy nhiên, việc bắt, mua bán rồi thả, rồi bắt lại v.v...là không đúng với tinh thần phóng sinh. Phóng sinh chỉ có ý nghĩa khi chúng ta giải thoát được con vật trong hoàn cảnh ngẫu nhiên hay thả chúng sống trong một môi trường thích hợp, tạo cho chúng có cơ hội sống dài lâu hơn. Không nhất thiết phải mang chúng đến chùa mới phóng sinh được. Chỗ nào thích hợp thì thả chúng.

Thật ra việc phóng sinh ai cũng có thể làm, không nhất thiết phải có tiền (mua chim cá) mới thực hành được. Chỉ cần có tấm lòng từ bi thương xót chúng sinh, xem mọi loài chúng sinh đều bình đẳng, đều có quyền sống. Khi đi bộ trên đường thấy con giun đang giẫy giụa trước sức nóng mặt trời, chúng ta mang chúng vào nơi có đất ẩm, hay gặp con sên đang bò trên vỉa hè, chúng ta nhặt chúng đem vào bãi cỏ xanh mát. Hoặc là khi khởi tâm muốn phóng sinh, chúng ta rủ bạn bè, thân nhân, đi ăn một bữa cơm với rau đậu, như thế là chúng ta cũng đã có thể cứu dăm ba mạng tôm, cua, sò, cá, chim câu, vân vân, thế là cũng đã thực hiện hạnh phóng sinh rồi.

Theo quy luật nhân quả, mình có lòng muốn cho chúng sinh khỏi đau đớn, giải thoát chúng sinh, thì mình cũng sẽ được khỏi đau đớn, được giải thoát. Nhưng đó chỉ là kết quả tự nhiên của những hành động từ thiện, không phải mục tiêu của sự phóng sinh trong nhà Phật. Nhà Phật phóng sinh là vì lòng từ bi. Nói như thế không có nghĩa là hành động phóng sinh chỉ đem lại ít lợi ích. Thật ra việc phóng sinh đúng cách và với Tâm Vô Sở Cầu thì sẽ có kết quả vô cùng lớn lao, là vơi đi nghiệp sát đã vướng phải trong vô lượng kiếp.

LÀM CÔNG QUẢ

THÍCH THÔNG LẠC
 
Trong thời Đức Phật còn tại thế, vấn đề làm công quả thì gần như không có. Vì là một du tăng khất sĩ, sống rày đây mai đó, không có ở một chỗ nào quá lâu, nên vấn đề công quả không cần thiết. Các tu sĩ, mỗi buổi sáng đi khất thực để sống ngày một bữa, nên dồn tất cả thời gian rãnh rang vào tu tập và rèn luyện pháp hướng tâm.

Cho nên một số người hiện giờ làm công quả từ chùa nầy đến chùa khác để tìm cầu sự giải thoát thì chắc chắn không bao giờ có được, chỉ uổng cho một đời tu hành bị người khác lừa đảo, làm công không cho họ mà họ không tốn tiền.

"Làm công quả để được phước báo", điều này chúng ta dễ bị lừa. Phước báo của đạo Phật là do chính mình ngăn ác, diệt ác pháp, hoặc ly dục ly ác pháp thì phước báo đến liền với mình ngay tức khắc. Còn làm công quả thì thân thể mệt nhọc, tâm sanh ra buồn ngủ; cơ thể mệt nhọc, tâm sanh ra buồn ngủ là trạng thái mất tỉnh thức. Mất tỉnh thức tức là vô minh, mà vô minh thì làm sao có phước được?

Người làm công quả thì không bao giờ tu được. Nếu suốt đời làm công quả thì cũng chỉ là một người làm công cho kẻ khác, chẳng có ích lợi gì cho mình, chỉ là một người ngu mà thôi.

Khi bước vào đạo Phật trong chiếc áo của người cư sĩ (nghĩa là chưa thọ giới luật) nếu chúng ta có thể làm được những gì để giúp cho chư tăng yên tâm tu hành thì cứ làm. Đó là gieo nhân tu hành cho chúng ta ở ngày mai, chứ không phải làm công quả để cầu phước báo. Nghĩ như vậy là sai lầm.

NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT VỀ THIỀN

HỌC THIỀN ĐỂ LÀM GÌ ?

Ngày nay có rất nhiều người nghe nói  về thiền và cũng rất muốn học một phương pháp thiền nào đó để nhằm cải thiện tình trạng sức khoẻ hoặc giảm stress. Cũng có một số người ham mê những thần thông hoặc phép lạ để trở thành những nhà ngoại cảm tài giỏi, cũng có một số thiền sư tập thiền để phát huy trí tuệ, tiến tới giác ngộ, giải thoát. Nhưng trên thực tế ít có ai thành công trên lĩnh vực thiền hoặc có đủ kiên trì đễ theo đuổi môn này, ngoại trừ đối với những người có căn cơ từ kiếp trước hoặc may mắn thọ giáo được vị thầy có đủ kinh nghiệm.

LÀM SAO ĐỂ BIẾT RẰNG CÓ CĂN CƠ?

Người có căn cơ về thiền thì họ thường có những hiện tượng sau đây: Họ rất thích thú khi ngắm nhìn một người đang ngồi thiền yên lặng trong tư thế hoa sen, hoặc là khi vào chùa họ thường nhìn vào các bức tượng Phật đang ngồi tỉnh toạ. Về sách báo, họ chỉ chọn những loại sách nói vế thiền, và chỉ thường trao đổi thông tin và nói chuyện về thiền. Với những hiện tượng trên, chắc chắn là người này có căn cơ của thiền. Đối với người này nếu họ đi vào con đường Thiền, họ sẽ tiến bộ rất nhanh.

CHỌN MỘT PHƯƠNG PHÁP THIỀN

Có rất nhiều phương pháp thiền, người học thiền cần phải biết rõ mình thuộc loại nào, để chọn cho mình một con đường thiền đúng đắn nhất. Nếu ngay bản thân mình chưa thể chọn cho mình một con đường thì hãy nhờ đến các minh sư chỉ giúp. Người minh sư là người đã từng trải và có nhiều kinh nghiệm, có thể trong những lần trao đổi với mình, người thầy sẽ nhận ra được con đường đúng đắn nhất, và hướng dẫn cho mình một phương pháp thiền đem lại hiệu quả nhất. Tuy nhiên trong thời buổi vàng thau lẫn lộn, ta khó có thể nhận ra được đâu là một vị chân sư chân chính hoặc đắc đạo.

HỌC THIỀN CÓ CẦN PHẢI ĐỌC THÊM SÁCH VỞ KHÔNG?

Trả lời: KHÔNG CẦN và CẦN.

Học thiền là học một "PHƯƠNG PHÁP ĐỂ HÀNH THIỀN", chứ không phải là học "NHỮNG CÁI CHỨNG ĐẮC CỦA VỊ THẦY", dù những chứng đắc ấy là của một vị Phật hoặc của những vị tổ sau này. Điều sai lầm của những người "tu thiền" ngày nay là họ thường đem kinh sách THIỀN ra để mà bàn luận và giảng giải xuyên qua sự hiểu biết của mình, ở trong phật giáo gọi đó là hý luận, hay là sở tri chướng.
-Việc đọc sách sẽ giúp cho ta có thêm kiến thức, chứ không thể giúp cho ta có thêm kinh nghiệm. Khi kiến thức quá nhiều sẽ làm cho ta tưởng là đã có kinh nghiệm. Chính cái kiến thức này sẽ làm lu mờ cái trí vô sư của người tu thiền. Nói chuyện về thiền mà cứ mượn của người khác để nói... ở trong văn học gọi là đạo văn, ở trong âm nhạc gọi là đạo nhạc. Những thiên tài của văn học, họ không bao giờ đọc một tác phẩm của bất kỳ một nhà văn nào, những thiên tài về âm nhạc, họ không cần nghe bất cứ một đoạn nhạc nào của bất kỳ một nhạc sĩ nổi tiếng nào. Và cần đọc sách là khi nào ta đã giác ngộ, khi ấy sách chỉ là chứng minh cho sự giác ngộ của ta mà thôi

CẢM NHẬN VỀ THIỀN
  • Thiền là một trạng thái tâm thức không thể định nghĩa, không thể miêu tả, mà phải do tự mỗi người thực nghiệm. Trong nghĩa này thiền không nhất thiết phải liên hệ với bất cứ tôn giáo nào, kể cả phật giáo. Trạng thái tâm thức vừa nói trên đã được các vị thánh nhân xưa nay của mọi nơi trên thế giới, mọi thời đại và văn hóa khác nhau trực nhận và miêu tả bằng nhiều cách. Thiền giúp con người khám phá bản thể thật sự của mình đang mỗi lúc hiện diện. Người học thiền không cần phải tin theo bất cứ một tôn giáo nào, hay là phải theo một tôn giáo nào. Mà thông qua sự tập luyện, phát triển tâm linh của chính mình để cảm nhận được sự thay đổi của bản thân, và từ đó sẽ trở thành con người hoàn toàn đổi mới từ tinh thần đến thể xác.
  • Thiền là sống, là sáng tạo, luôn luôn mới mẻ tinh khôi, không nằm trong một khuôn khổ chết hay một ước lệ nào. Thiền là mình tự thể nghiệm, đọc luận giải của người khác thường làm cho ta khó hiểu. Vào thiền phải buông bỏ những kiến thức vay mượn ở bên ngoài để phát triển trí vô sư, trí tự nhiên nơi mỗi con người. Đây là con đường thể nghiệm chân lý trực tiếp nơi chính mình, không qua trung gian của ý thức, suy luận.
THIỀN VÀ QUYỀN NĂNG

Quyền năng hay phép lạ đó là những dấu hiệu trong quá trình tu thiền, nhưng đó không phải là mục tiêu mà người tu thiền nhắm đến. Người tu thiền trong nhiều năm có thể chứng nghiệm một vài quyền năng và những năng lực siêu nhiên. Ví dụ như biết được ý nghĩ, ý tưởng của người khác, biết quá khứ vị lai, biết kiếp sống trước của mình. Tuy nhiên những năng lực siêu nhiên này sẽ là chướng ngại trên đường tu tập. Nếu hành giả đam mê quyền năng hoặc để quyền năng chi phối sẽ không thể tiến xa hơn trên đường giác giác ngộ, giải thoát.

TỨC GIẬN

MINH NIỆM

Sau mỗi cơn giận, ta thường cảm thấy hối tiếc và ray rứt bản thân
tại sao lại có những phản ứng thấp kém như vậy...

Mỗi khi nổi giận, ta thường cho rằng chính người kia đã làm cho ta giận, như thể cơn giận đang ở trong ta là do họ đem tới. Vì thế ta luôn tìm mọi cách trả đũa, dù ít nhất là một câu nói hay một hành động khiến người kia phải đau điếng thì ta mới hả dạ. Ta cho rằng mình phải làm như thế thì mới mạnh mẽ, để họ không còn dám chọc giận mình nữa. Sự thật là càng trả đũa thì cơn giận càng lớn mạnh, ta càng đuối sức và chính ta chịu lỗ lã nhiều nhất. Bởi khi giận, năng lượng trong ta bị đốt sạch, cơ thể liên tục phóng thích ra các chất kích thích adrenaline và cortisol gây rối loạn chu trình sinh học của cơ thể, nhất là nhịp tim và hơi thở tăng dồn dập. Tệ hại hơn là ta rơi vào tình trạng “hôn mê tạm thời”, nhìn mọi thứ đều sai lệch, suy nghĩ không còn sáng suốt và không thể kiểm soát nổi mọi hành vi của mình.

Nếu thế hệ phía trước, mà gần nhất là cha mẹ, có tính nóng giận thì ta khó thoát khỏi sự trao truyền từ nhiễm thể (DNA), hay từ sự tưới tẩm hằng ngày của họ qua cách nói năng và hành động. Môi trường lớn lên và làm việc cũng đóng góp đáng kể cho tính cách nóng giận hình thành trong ta. Sự nuông chiều và nể trọng rất dễ khiến ta có thói quen muốn gì được nấy hay muốn chứng tỏ quyền lực trước mọi người, vì vậy chỉ cần có chút việc bất như ý là ta lập tức nổi giận ngay. Đã vậy ta còn bị ảnh hưởng tâm thức xã hội nên cho rằng cơn giận là bản năng tự vệ của con người, nhờ nó mà người khác không dám uy hiếp mình, và đó cũng là cách giải tỏa cảm xúc để ta lấy lại cân bằng khi gặp điều phiền toái. Nhưng thực chất là ta đã thất bại; ta đã không thể bảo quản hạt giống giận của mình; ta chưa thuần phục được bản tính hơn thua cố hữu; ta không biết cách giải bày sự không hài lòng một cách hiểu biết hơn.

Chuyển hóa cơn giận

Sau mỗi cơn giận, ta thường cảm thấy hối tiếc và ray rứt bản thân tại sao lại có những phản ứng thấp kém như vậy. Ta biết mỗi lần tức giận là mỗi lần ta đánh mất hình tượng đẹp và suy giảm niềm tin yêu trong mắt người khác, nên lòng cứ dặn lòng sẽ không để cơn giận thao túng thêm nữa. Nhưng khi gặp chuyện trái nghịch, nhất là tổn hại đến quyền lợi hay danh dự là cơn giận cứ “không hẹn mà đến”. Dù lúc ấy có ai nhắc nhở ta cũng gạt ngang, lý trí cũng đứng lặng chào thua cảm xúc. Từ thất bại này đến thất bại khác, ta trở nên căm ghét cơn giận của mình, trách cha mẹ trao chi cho mình cái tính làm khổ mình khổ người như thế.
Thật ra hạt giống giận trong ta nếu không được nuôi dưỡng thường xuyên thì nó không đủ sức làm ta khổ. Từ những điều bất như ý nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày như bị kẹt xe, xếp hàng mua đồ, gọi điện người thân không nhấc máy, thức ăn không vừa miệng, người kia quên chào hỏi… đến những phiền toái do chính mình gây ra như mở nhầm chìa khóa, uống nước bị bỏng miệng, trượt chân cầu thang, tìm mãi không ra quyển sách, hồi tưởng quá khứ đau buồn… nếu ta không quan sát những phản ứng chống đối tiêu cực như thế để buông xả bớt, thì cơn giận chắc chắn sẽ hình thành như một phản xạ tự nhiên. Khi nguồn năng lượng giận gần như được mặc định trong tâm thức, chỉ cần một hành động không dễ thương cũng đủ kích hoạt vào để nó nhanh chóng biến thành cơn giận to tát mà chính ta cũng rất bất ngờ.

Khi phát hiện ra cơn giận đang nổi lên và sắp sửa “bung” ra lời nói hay hành động, ta hãy mau chóng tìm cách tách ly khỏi đối tượng vừa mới tác động vào cơn giận của mình. Lý tưởng nhất là ngồi trong căn phòng yên tĩnh hay dạo bước trên con đường râm mát. Trong trường hợp không thể tách ly hoàn cảnh thì ta cứ ngồi yên đó, cố gắng đừng mở lời nói thêm một câu hay một từ nào dù ta cho đó là lời giải thích thỏa đáng. Mọi hành vi xảy ra trong cảm xúc giận hờn đều khiến ta hối tiếc sau này. Ta hãy cố quên đối tượng kia đã làm hay đã nói gì với ta, mà chỉ đem hết tâm ý tập trung vào mỗi hơi thở. Nếu ta đã có sẵn kỹ năng theo dõi hơi thở để định tâm thì chỉ cần 15 phút sau là sẽ vượt khỏi. Điều mà ta phải mất nhiều thời gian để luyện tập là mỗi khi nổi giận ta chỉ dành hết mọi ưu tiên cho cơn giận của mình. Cũng như khi căn nhà bị cháy thì ta chỉ lo chữa cháy để cứu lấy những tài sản quý báu bên trong, chứ không vội truy cứu kẻ mà ta tình nghi đã đốt nhà. Chuyện đó “hạ hồi phân giải”.

Hơi thở là điểm tựa rất an toàn mỗi khi ta bị những cơn bão cảm xúc tấn công mà không biết phải làm sao. Tuy nhiên, nếu cứ sử dụng cách này mãi thì ta sẽ không bao giờ hiểu rõ cơn giận của mình. Không hiểu rõ cơn giận thì muôn đời ta cũng không chuyển hóa được nó, sẽ mãi bị nó phiền nhiễu. Cho nên sau khi luyện tập được thói quen nhìn lại mình mỗi khi nổi giận, thay vì trước đây cứ tìm cách trả đũa, ta hãy dành nhiều thời gian để quan sát tiến trình từ khi cơn giận biểu hiện lên bề mặt ý thức, thôi thúc ra hành động, đến khi nó tan biến. Khi có kinh nghiệm ta sẽ phát hiện cơn giận thật ra không có thật, nó chỉ là nguồn năng lượng được sinh ra bởi vài sai sót trong sự vận hành của guồng máy tâm thức. Trong đó có nhận thức sai lầm, trí tưởng tượng phóng đại, cảm xúc bén nhạy, các giác quan không được phòng hộ cẩn thận. Chỉ cần duy trì khả năng quan sát tiến trình ấy lâu bền, bằng thái độ không thành kiến, từ từ sẽ thấy rõ bản chất thật của cơn giận và dễ dàng chuyển hóa.

Tuy nhiên, lỗi thường mắc phải là ta nghĩ mình sẽ hết nóng giận ngay khi đã biết luyện tập. Một thói quen được hình thành trong thời gian quá dài thì không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Tiến trình quan sát cơn giận có thể đem tới cho ta những khó chịu bất ngờ trong giai đoạn ban đầu, nhưng dần dà ta sẽ quen và cảm thấy rất thú vị như xem một bộ phim hành động. Ta cứ ngồi đó quan sát cơn giận của mình như đang ngả người ra sau ghế xem phim vậy. Trong trường hợp bất hại, ta cứ để cơn giận của mình nổi lên một cách tự nhiên, nhưng khác với mọi lần là ta có quan sát. Lẽ dĩ nhiên cơn giận vẫn cứ xảy ra theo tốc độ của riêng nó, ta không có ý rượt đuổi theo để dập tắt, mà chỉ quan sát để thấu hiểu cơ chế hoạt động của nó như thế nào. Mỗi lần quan sát sẽ cho ta một cái thấy mới về bản chất vô thường của cơn giận, nhận thức sai lầm trong ta từ đó sẽ rơi rụng. Ta cần kiên nhẫn để điều chỉnh lại cơ chế hoạt động của tâm thức, chứ không phải muốn điều khiển được cơn giận. Khi ta chưa thấu hiểu cơn giận thì dù có điều khiển được nó cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Có thương đừng giận

Ta cũng đừng vội thỏa mãn cho kết quả thực tập ban đầu dù không còn dễ giận như trước nữa, thậm chí có thể mỉm cười thật tươi để nghe lời quở trách của sếp hay hành động bất cẩn của một bạn đồng nghiệp. Nhưng hãy đợi đấy. Khi về đến nhà, bất ngờ bị người thương nghi ngờ hay phán xét một cách vô căn cớ thì cơn giận “năm xưa” sẽ lập tức quay về. Thế nhưng ta lại biện minh “có thương mới giận”. Đối với người dưng nước lã thì sao cũng mặc kệ, ta chẳng cần quan tâm vì họ chẳng liên quan gì đến ta. Đằng này, một người sống với ta chừng ấy năm trời, lúc nào ta cũng tin yêu và sẵn sàng cho tất cả mà lại đối xử như vậy thì thật xúc phạm. Không giận mới là chuyện lạ. Sự thật là ta đang tức tối trước “đòn tấn công” mà không hề có ý thức phòng thủ, vì tưởng rằng ta đã hết lòng với ai thì người đó không được quyền làm ta tổn thương. Không ngờ chính tự ái quá lớn đã làm ta tổn thương.

Đòi hỏi một người đừng bao giờ có những vụng về, lầm lỡ với ta chỉ vì ta đã từng nâng đỡ hay hiến tặng cho họ quá nhiều thứ thì đúng là một ảo tưởng. Thử đổi lại vị trí ấy ta có chấp nhận không? Đời sống ngày càng nhiều áp lực, chỉ mỗi khó khăn kinh tế cũng đủ khiến người ta “mất hồn”, dễ bỏ quên bản thân mình và thường xuyên sai sót. Nếu ta là người có hiểu biết và đang bình ổn thì hãy giúp họ tươi tỉnh lại để nhận diện ra chính mình và cuộc sống mầu nhiệm đang hiệu hữu, chứ lẽ nào muốn quẳng thêm vào họ cơn thịnh nộ nẩy lửa của ta nữa. Chỉ trừ không tự chủ được mình thôi, chứ ta đừng bao giờ giả bộ nổi giận để mong bên kia thức tỉnh và hành động đúng đắn trở lại. Bởi không ai thích đón nhận những cảm giác nặng nề, khó chịu cả. Dù biết mình có lỗi và không thể phản kháng ra mặt, nhưng họ sẽ rất mệt mỏi và bất mãn ta. Không cẩn thận, cách đó có khi bị hiểu lầm là thái độ trừng phạt không thương tiếc nên họ nuôi hận trong lòng và sẽ làm cho tình trạng càng đi xa hơn.

Phiền não vốn rất tinh tế, nếu không có một kỹ năng quan sát tốt thì khó mà phát hiện hết những “góc khuất”, để một ngày nào đó ta không thể tin cơn giận cuồng điên bỗng từ đâu tràn ra như thác lũ. Bởi do ta chủ quan tưởng mình không còn giận hờn nữa, hoặc chỉ giả bộ để ra uy, hoặc trình diễn để lấy lòng kẻ khác mà không thấy những đợt sóng giận tức đang ngấm ngầm. Mỗi ngày một chút, năng lượng giận hờn kết tinh thành một khối rất lớn mà người ta thường gọi đó là nội kết. “Cục nội kết” này gần như chi phối mọi hành vi của ta, lúc nào cũng khiến ta cau có hay gây sự với đối tượng ấy mặc dù họ chẳng làm gì với ta cả. Hóa ra, ta đã không hiểu hết tâm cố chấp và chưa đủ độ lượng của mình, dù trong ý chí ta cho rằng chuyện ấy không là vấn đề. Thế mới biết, hiểu biết về những ngõ ngách sâu kín trong tâm mình còn quan trọng hơn dập tắt được ngay một cơn giận. Cho nên khi nào ta còn nâng niu cái tôi của mình thì cơn giận vẫn còn, bởi tình thương chính là “khắc tinh” của cơn giận.

Cơn giận cũng vô thường
Nắng bừng vỡ màn sương
Mời lên tâm tỉnh thức
Càng nhìn lại càng thương.

Wednesday, May 4, 2011

KHÁI NIỆM VỀ CÔNG TRUYỀN VÀ BÍ TRUYỀN

Cũng giống như hầu hết các tôn giáo khác, truyền thống tôn giáo Tây Tạng có hai khuynh hướng: CÔNG TRUYỀN VÀ BÍ TRUYỀN. Theo khuynh hướng công truyền, các tu sĩ phải sống trong tu viện, trì giới, học Kinh. Theo khuyng hướng bí truyền, người tu phải tìm nơi hoang vắng để đi sâu vào phần nội tâm.

Mặc dù mục đích của hai khuynh hướng là giải thoát, nhưng phương pháp thì không giống nhau. Tuy nhiên đối với người Tây Tạng thì không có sự phân biệt rõ rệt giữa hai khuyng hướng. Một số tu sĩ sau một thời gian sống trong tu viện, học hỏi qua kinh điển, họ đã tìm những chỗ hoang vắng tu theo bí truyền. Và ngược lai, một số sau khi có một thời gian sống trong hang động, lại trở về tu viện học hỏi thêm. Tuỳ ý thức và trình độ cá nhân mà họ chọn khuynh hướng thích hợp.

Trên thực tế, tu theo khuynh hướng công truyền thí ít bị nguy hiểm hơn; đời sống đạo hạnh, nghiêm túc tuân giữ giới luật, hàng ngày tụng kinh, trì chú, thiền định, thanh lọc bản thân, tuy có hơi chậm nhưng mà chắc, ít gây nguy hiểm. Còn đi theo khuynh hướng bí truyền thường được coi là con đường tắt, rất nguy hiểm... vì vậy rất ít ai theo nổi.

Các danh sư Tây Tạng thường nói: "Có nhiều cách để leo lên đỉnh núi, có thể là theo con đường vòng vo, hoặc là trèo thẳng. Dĩ nhiên, chỉ có những tay thiện nghệ, có nhiều sức khoẻ, can đảm và liều lĩnh mới dám leo thẳng. Trên đường đi, bất cứ lúc nào cũng có thể sẩy tay, trượt chân rơi xuống vực sâu tan xác. Cho nên tu theo bí truyền rất khó khăn và nguy hiểm, có thể đưa tới mạng vong hoặc sa vào tà đạo."

Có điểm quan trọng cần lưu ý là dù theo con đường nào, nỗ lực cá nhân vẫn là yếu tố then chốt; cá nhân phải tự cố gắng, chớ không ỷ lại vào người hay sức mạnh nào khác. Kinh Kanguyr viết: "Đức Phật chỉ là người soi đường, tất cả chúng sinh đều phải cất bước lên đường, phải tự thân nổ lực vào việc hành trì, cộng chung với khả năng và lòng kiên nhẩn của chính mình mà tiến bước". Các vị Tổ hay các vị thầy chỉ là người đi trước, người dẫn đường, người giúp đỡ... chứ không phải là người cứu rỗi, giúp ta được giải thoát. Trên đường đạo, tự lực và tha lực đi đôi. Phải tự nỗ lực rồi sẽ được giúp đỡ khi cần, chẳng hạn như khi bị vấp ngã thì có thể được nâng đỡ, chứ không có ai cõng mình leo lên cả.

Ở tu viện, các tu sĩ phải qua các kỳ thi để có danh hiệu Lạt Ma, Đại Đức, Hoà Thượng hay Trưởng Lão. Còn các tu sĩ bí truyền phải qua các kỳ điểm đạo; việc này chỉ có thầy và trò mới biết mà thôi, nên rất dễ bị lợi dụng. Có một số thầy tự phong cho mình một danh hiệu nào đó, mục đích là để kiếm tiền. Học đạo mà không có sự chọn lựa một cách thông minh, hay bị sự tuyên truyền, vận động khéo léo của một số giáo phái tà đạo nào đó, thì rất dễ bị rơi vào chỗ tối tăm không thoát ra được. Cho nên vai trò của người thầy rất quan trọng, ta không thể đi vào con đường bí truyền mà không có người thầy đắc đạo hướng dẫn.

Phần lớn các đạo sư thử thách học trò rất kỹ trước khi truyền dạy, và ngược lại, người học trò cũng cần phải tìm hiểu kỹ càng người thầy trước khi thọ giáo. Trong việc truyền dạy, người thầy bị hao tốn rất nhiều công sức, nên đa số các thầy rất ít nhận học trò. Thầy phải theo dõi từng học trò, thấy rõ căn cơ từng người và từ đó đưa ra những giáo án thích hợp với căn cơ người đó, nhờ đó mà học trò tiến bộ nhanh hơn.

Thầy không khi nào giảng dạy nhiều người cùng một lúc, mà chỉ hướng dẫn tuỳ theo khả năng của từng người, giao cho mỗi người một đề tài riêng, một bí quyết riêng biệt để quán tưởng tu tập, rồi tuỳ theo kết quả thẩm xét của vị thầy mà chỉ bảo thêm những bước kế tiếp. Cũng có khi thầy không dạy bằng lời, mà là bằng ngay lối sống của chính thầy. Khi trò đã đạt tới trình độ nhất định nào đó, thầy cho vào nơi hoang vắng để nhập thất. Đối với người thường, thì đây có thể là một căn nhà riêng biệt, một căn phòng kín, hoặc một hang động nào đó. Đối người người tu cao, thì nó có thể là một cảnh giới nội tâm, chứ không hẳn là những địa điểm ở bên ngoài.

Lúc nhập thất, người tu phải sống cách biệt để thực hành một phương pháp nào đó. Họ không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, phát nguyện tịnh khẩu, các cửa đều được đóng kín, thực phẩm được đưa qua một lỗ nhỏ. Thời gian nhập thất có thể kéo dài vài ngày đến một năm, chỉ có một số ít người mới nhập thất trong vài năm đến trọn đời.

Trong không gian yên tĩnh, người tu tha hồ tham thiền, quán tưởng, nghiên cứu kinh sách hoặc bảo dưỡng tinh thần. Đối với người thường, sống đơn giản trong một hang động hay một am thất thì rất nhàm chán, nhưng đối với người cầu giải thoát thì không thấy buồn chán hay cô đơn, lẽ loi. Họ cảm thấy một niềm an lạc tuyệt vời qua những buổi thiền định.

Tuỳ theo công phu mà họ chứng đắc. Nhưng đối với các bậc chân tu chân chính, chứng đắc không phải là một nhãn hiệu, nên ít người nhận ra, đôi khi họ giả điên, giả dại để khỏi bị quấy rầy.