Sunday, April 8, 2012

LỢI DỤNG KHUNG CẢNH TRANG NGHIÊM CỦA NHÀ CHÙA BÁN PHẬT BẰNG NGỌC GIÁ... TRÊN TRỜI

Lợi dụng tâm lý tin vào sự may mắn nơi cửa Phật của khách thập phương, nhiều người lạm dụng khung cảnh trang nghiêm của nhà chùa để bán những vật phật phong thuỷ bằng ngọc, đá cẩm thạch, thạch anh... với giá cao để thu lời. 

Chi bạc triệu mua vòng ngọc chờ... kiểm định

Ngày rằm, tôi và cô bạn đến chùa Thiên Niên (đường lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội) vãn cảnh, đập vào mắt là cảnh tượng một đôi trai gái đang bày bán ngọc phong thuỷ ngay phía trong cổng chùa. Đồ nghề của họ chỉ là một chiếc bàn gỗ nhỏ và những món ngọc được bày bán trên đó. Người bán, kẻ mua tấp nập.

Thấy tôi ghé vào, người bán đon đả chào mời: "Mua lộc đầu năm đi em. Ngọc của chị bán có giấy kiểm định chất lượng đàng hoàng". Sau một hồi được đôi vợ chồng trẻ tư vấn, từng loại ngọc, hợp với từng mệnh, có khả năng chữa... bách bệnh, nhiều người đã không ngại móc hầu bao mua một vài món đồ phong thuỷ. Nhưng điều đáng nói, những món ngọc ấy được bán với giá "cắt cổ". Chỉ gần nửa tiếng đứng quan sát, tôi bắt gặp 4 vị khách đứng mua ngọc phong thuỷ. Nhẩm tính cũng lên tới hơn 20 triệu đồng.

Tôi quá ngạc nhiên và không thể mường tượng vì sao nhiều người lại có thể tiêu tiền không đắn đo. Anh Quang Minh (Ngã Tư Sở, Hà Nội) cầm trên tay 2 món ngọc với giá gần chục triệu đồng hớn hở nói: "Mua lộc ở chùa là may mắn nhất đấy. Ông Di lạc này tôi mua về trưng bày trên xe ô tô có giá 5,5 triệu đồng, Quan âm Bồ tát có giá 4,4 triệu đồng".

Thấy anh Minh có vẻ rất tin vào chuyện mua may nơi cửa Phật, tôi gặng hỏi: "Ngọc này ai dám chắc ngọc xịn?". Anh Minh quả quyết: "Ngọc có giấy kiểm định, họ lấy số điện thoại của tôi rồi, mấy hôm nữa họ mang giấy kiểm định đến tận nhà!?". Anh Minh còn nói với tôi rằng: "Cô mua ngọc lấy may. Nếu mua, người ta sẽ nhờ nhà chùa 'thỉnh' giúp, như thế ngọc mới có linh nghiệm".

Cẩn trọng với những lời rao

Đem câu chuyện ngọc, đá cẩm thạch, thạch anh... được rao bán tại các đình, chùa đến các chuyên gia đá quý, chúng tôi nhận được câu trả lời: "Đó chỉ là những chiêu lừa của những kẻ bịp bợm". Theo ông Hoàng Nguyên - nhà sưu tập ngọc tại Hà Nội, các sản phẩm được quảng cáo, như ngọc phỉ thuý đều có giá, từ vài chục triệu lên tới vài trăm triệu đồng chứ không có giá "bèo" như vẫn rao bán ở một số cổng chùa.

Theo cách phân tích của ông Nguyên, ngay cả những công ty lớn cũng quảng cáo chưa đúng sự thật. Những sản phẩm được gọi là phỉ thuý chỉ có thể có dính một chút phỉ thuý chứ không thể coi toàn bộ sản phẩm là có chất liệu từ phỉ thuý. Họ post lên mạng những tấm hình cẩm thạch na ná ngọc phỉ thuý. Khi những nhà chuyên môn lên tiếng thì họ bao biện hàng của công ty chúng tôi có màu tương tự như phỉ thuý. Còn những loại ngọc, phỉ thuý được bán ở các đền, chùa thì chất lượng... trên trời.

Từ câu chuyện ngọc phỉ thuý, ông Nguyên quả quyết các loại đá cẩm thạch, thạch anh ở chùa Thiên Niên quảng cáo hàng nhập đều là hàng rởm.

Vậy làm thế nào để biết được một sản phẩm có thực sự là ngọc, thạch anh, cẩm thạch hay không? Các chuyên gia cho rằng việc chơi ngọc rất khó, người chơi muốn có được một sản phẩm thực thụ thì cần có thời gian nghiên cứu và đôi khi phải trả giá bằng tiền bạc mới rút ra được các kinh nghiệm xương máu. Theo ông Nguyên, để biết chính xác chỉ có cách giám định bằng máy móc.

Nhiều người kinh doanh đá quý cũng đưa ra cảnh báo hiện trên thị trường đã xuất hiện loại ngọc được dùng công nghệ chiếu tia tạo màu và tạo ánh sáng trong cho sản phẩm, sau đó gắn cho chúng nhiều ngôn từ mỹ miều và thổi giá sản phẩm lên cao hàng chục, thậm chí hàng trăm lần giá trị thực.

Trên trang daquy.com, các chuyên gia tư vấn, với các loại đá quý, người mua nên có những hiểu biết nhất định ít nhất về giá  loại đá mình muốn mua. Có những loại đá giá trị rất bình thường như thạch anh trắng hay hồng, ám khói, caxêđôn hay thiên thạch. Bình thường ở đây nghĩa là bạn có thể bỏ ra một khoản tiền nhỏ mà vẫn có thể sở hữu nó chứ không phải chi ra cả chục triệu đồng. Các loại đá mắc tiền nhất gồm ruby, topal, saphire, emerald. Các loại đá nhân tạo có giá trị cực kỳ rẻ. Nếu bạn mua mặt dây chuyền thì 90% giá trị ở công người chế tạo ra mẫu đóỏ công thợ bạc, thợ inox làm khoen và tạo kiểu và lượng kim loại tạo nên viên đá. Một viên đá nhân tạo đẹp lung linh đủ màu sắc chỉ có giá từ 20.000 - 100.000 đồng.

Dễ là đồ rởm
Theo các chuyên gia, chứng nhận kiểm định của sản phẩm  là bằng chứng của việc sản phẩm đó được mua là hàng xịn hay rởm. Mỗi sản phẩm khi kiểm định sẽ mang một mã số nhất định. Khi bạn đưa mã số này đến các trung tâm họ sẽ cho bạn thêm các thông tin về đá quý, ví dụ màu sắc, độ trong, kiểu cắt và những phương pháp giám định được áp dụng. Do đó, nếu bạn thấy tất cả các sản phẩm của người bán đều mang cùng một mã số, thì rõ ràng họ đã dùng công nghệ làm giả vỉ ép kiểm định.

No comments: