Sunday, April 8, 2012

CÔNG ĐỨC CŨNG PHẢI HƠN NGƯỜI


Đã đến đền, chùa là phải làm công đức. Nhiều người đã có suy nghĩ như vậy. Thậm chí, theo một nhà nghiên cứu, có người khi được hỏi còn thốt lên: “Không công đức thì sợ thánh vật!”. Ngoài ra, còn có tâm lý đua tranh, thấy người ta công đức một, thì mình phải gấp đôi hoặc gấp ba.

Từ chuyện hiểu sai ý nghĩa thực sự của việc làm thiện nguyện này, nhiều hệ quả đáng tiếc đã xảy ra. Những ngày lễ, tết, tiền lẻ đặt giọt dầu vung khắp nơi. Làm công đức, nhưng lại muốn lưu danh trên “bảng vàng” là các tấm bia đá, lại có giấy chứng nhận tên tuổi cùng số tiền đã đóng góp.

Tréo ngoe đồ công quả

Bên cạnh việc công đức bằng tiền, nhiều nhà hảo tâm có thành ý tặng đền, chùa những đồ thờ cúng, hoành phi, câu đối... nhất là những đền chùa trong quá trình tu bổ. Tuy nhiên, vì nhiều ban quản lý chùa cũng như một số sư trụ trì không đưa ra yêu cầu về niêm luật, quy định, nên nhiều khi đồ cống tiến lại... dở khóc dở cười. Có những người tặng nghê, sư tử đá... cho chùa. Có chùa còn được tặng rất nhiều cây bonsai, ghế đá chi chít chữ quảng cáo cho doanh nghiệp, những đôi lục bình khổng lồ, rất kệch cỡm. Không ít phật tử từng choáng khi nhìn thấy đèn chùm phương Tây tại gian thờ Phật Quan Âm ở chùa Một Cột (Hà Nội), không liên quan cả về kiến trúc và văn hóa. Hỏi ra mới biết, không chỉ có một chùm, mà tới 5 chùm đèn như thế, do một phật tử dâng tặng.

Có đền lại được dân cung tiến rất nhiều vải, dẫn đến thừa mứa, không biết xử lý ra sao, đành chia nhỏ để phát cho khách thập phương, coi như lộc Thánh. Việc tiếp nhận đồ công quả không theo nguyên tắc đã phá vỡ hệ thống bài trí trong nội tự của di tích, khuôn viên. Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã chỉ ra rằng ở một số địa phương xảy ra hiện tượng nhiều nhà chùa, thủ nhang sửa đền, chùa đã được xếp hạng, mua sắm đồ thờ tự, tượng phật để mang vào di tích, từ đó dẫn đến sự biến dạng một số hạng mục của những di tích này. Cụ thể là: xây mới nhà 5 gian tại Lăng mẫu Liễu Hạnh (Phủ Dày - Nam Định), đặt tượng nghê đá tại Đền Gióng (Sóc Sơn - Hà Nội), dựng bia công đức trên lưng Rùa tại chùa Keo (Thái Bình), xây mới nhà trên đường xuống hang Cắc Cớ (Chùa Thầy - Hà Nội)…

PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, nhận định: Theo truyền thống, nếu đền, chùa cần được cung tiến hiện vật, chủ sở hữu, sư trụ trì... đều biết mình cần gì, họ sẽ loan báo trong cộng đồng. Người muốn cung tiến phải xin phép làng, nếu được đồng ý thì mới cung tiến và quá trình đóng góp đó có sự giám sát hết sức chặt chẽ của Ban quản lí di tích. Nhờ vậy, đồ tiến cúng theo đúng nhu cầu của đền, chùa, miếu mạo, không xảy ra chuyện sai khuôn mẫu văn hóa, nghi thức, cũng không bị thừa. Ông Quang cũng cho hay, người cung tiến trước đây hiểu rõ mình được những quyền lợi gì về tinh thần và hiểu tích đức phải thầm lặng, không được kể công, không được trương tên ra. “Có vẻ như ngày nay, ở một đôi chỗ, người làm công quả lại có quyền lớn hơn, có cảm giác như họ đang ban phát, tài trợ lại cho nhà đền”, ông Quang nhận xét.

Công đức cũng phải đúng cách

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: Chúng ta đang bị thiếu nghiêm trọng hiểu biết nghi thức truyền thống, bởi không được thực hành sau mấy chục năm trời cấm đoán vì cho đó là mê tín dị đoan. Cũng vì vậy, đến khi thay đổi chính sách, dù trăm hoa đua nở, nhưng đa số đều không nắm bắt các khuôn mẫu truyền thống, nên hành xử không theo cách nào cả. Ông nhấn mạnh, không chỉ cần thiết nâng cao hiểu biết của dân trí, mà cả “quan trí” nữa.

Trong khi đó, khía cạnh thế tục đang can thiệp vào quá lớn, khiến ý nghĩa nhân văn, đạo đức phai nhạt dần. Theo một thống kê không chính thức, trong số những người làm công đức, nhiều nhất là các tiểu thương, kế đến là doanh nghiệp, dân trung lưu đô thị, cán bộ công chức. Nhiều người thực hiện các nghi lễ tôn giáo theo tâm lý bầy đàn, đua tranh. Lợi dụng tâm lý đó của người đi lễ, nhiều nhà đền, nhà chùa coi di tích như một cỗ máy hái ra tiền. Một số BTC lễ hội lại đi xin tài trợ dựa trên nền tảng công đức, dẫn đến ý nghĩa của việc làm này bị biến chất. Một quan chức ngành văn hóa đã phải lên tiếng cảnh báo: Có ngôi chùa như một “công ty cúng bái”! Bộ trưởng Bộ VH- TT-DL Hoàng Tuấn Anh từng khẳng định: “Ở những nơi linh thiêng như đền chùa mà tồn tại tiêu cực thì đó là điều không chấp nhận được!”.

No comments: