Monday, May 16, 2011

MẬT TÔNG

Đức Phật đã giảng dạy rất nhiều pháp môn khác nhau, sau này người ta tạm chia ra ba con đường : Tiểu thừa [Hinayana], Đại thừa [Mahayana], và Kim cang thừa [Vajrayana] hay còn gọi là Mật thừa [Tantra]

-TIỂU THỪA: đặt căn bản trên giới luật để kiểm soát thân, khẩu, ý. Nhờ giữ gìn giới luật nghiêm ngặt nên có một đời sống trong sạch, thanh bình. Thông qua phương pháp Thiền và kiểm soát hơi thở, từng cảm giác, từng ý tưởng... mà nhận ra rằng thế gian này là VÔ THƯỜNG không có gì bền vững. Từ đó mà ý thức tính chất vô ngã, thấy rõ sự lầm lẫn về cái ngã là nguyên nhân của mọi đau khổ. Vì cho rằng có một cái ngã nên con người mới cố gắng tô điểm, bảo vệ, giữ gìn cho nó được lâu dài. Họ nhân danh đủ mọi thứ để đề cao cái bản ngã này. Họ tạo ra hình ảnh Thượng đế hay lý thuyết bất tử để thoả mãn ước vọng thầm kín của mình. Đến khi quán triệt tính chất vô ngã, họ mới nhàm chán bản thân mà tìm cách thoát khỏi vô minh. Tự giác là mục đích của con đường này, từ đó mới mở rộng tình thương đến những người khác, những vật khác. Khi cái ta không còn nữa thì đâu còn phân biệt mình với người, chủ thể với đối tượng.

- ĐẠI THỪA: Con đường rộng rãi của Đại thừa đặt căn bản trên tình thương chúng sinh muôn loài, không còn tìm sự giải thoát cho riêng mình mà còn giúp đỡ tất cả được giải thoát khỏi khổ đau [chúng sinh vô biên thệ nguyện độ]. Kinh điển Đại thừa nhiều như rừng, như biển, cao siêu không lường, nhưng cốt yếu đặt căn bản trên sự phát triển lòng từ bi, không những tự giác mà còn giác tha nữa.

- KIM CANG THỪA: Sở dĩ gọi là Kim Cang Thừa là vì muốn đề cao tính chất cứng rắn, không thể hư hoại của trạng thái giác ngộ. Kim cang là thứ sắc bén có thể xuyên thủng mọi vật, xuyên thủng màn vô minh để đạt tới giác ngộ. Kim Cang Thừa nhằm phát triển trí tuệ, một thứ trí tuệ siêu việt gọi là bát nhã. Muốn vậy phải có lòng từ bi rộng lớn, do đó Kim Cang Thừa có liên quan mật thiết với Đại Thừa, có thể coi như đó là giai đoạn cuối của con đường rộng lớn.

Điều quan trọng cần lưu ý là cả ba con dường tuy khác nhau nhưng vẫn là một, đó là PHẬT THỪA. Vì cả ba con đường đều nhằm vào mục đích là giác ngộ, giải thoát. Khi vượt lên mọi sự phân biệt, ta thấy cả ba là một sự tiếp diễn. Tuy gọi là tiếp diễn, nối tiếp, nhưng thực ra nó là một vòng tròn trong đó có ba đường như ba sợi chỉ màu cùng quấn lại, ta cũng có thể coi đó là những giai đoạn, những trình độ trên một con đường, đó là con đường giải thoát.

Cho nên theo kinh điển của Mật Tông thì con đường Kim Cang Thừa có thể đưa tới quả vị Phật trong một kiếp, trong khi các con đường khác đòi hỏi đến vô lượng, vô số kiếp. Vì vậy, nhiều người gọi Mật Tông là con đường ngắn nhất, con đường tắt. Trong khi đó tham vọng của người đời bao giờ cũng muốn tìm một lối đi thật nhanh, một con đường thật ngắn, một phương pháp thật dễ nhưng có hiệu quả tối đa. Có một số người nghĩ rằng tu theo Kim Cang Thừa chỉ cần tụng vài ba câu chú, thực hành vài phương pháp bí mật là đã có vé phi cơ trở về niết bàn rồi, họ đâu có biết rằng khi chưa giữ được giới, tâm trí còn đầy những tham vọng, những si mê, ích kỷ, ngạo mạn... mà đòi theo Kim Cang Thừa thì chẳng khác gì đón nhận luồng điện cao thế, nếu không điên cuồng thì cũng bỏ mạng.

Kim Cang Thừa, đó là con đường vô cùng khó khăn, chỉ dành cho các bậc Bồ Tát, các vị Tổ đã phát những hạnh nguyện vô cùng lớn lao, có công phu tu hành tinh tấn, mở lòng từ bi, phát triển trí tuệ.
Theo con đường này, các vị tổ Mật Tông đều nhấn mạnh đến việc trì chú như phương tiện đưa đến giác ngộ. Truyền thống Mật Tông xây dựng trên căn bản truyền khẩu giữa thầy và trò, các khẩu quyết phải được giữ kín. Sở dĩ nó phải được giữ bí mật là vì chỉ có thầy mới biết rõ căn cơ, trình độ của học trò mà chỉ dạy một phương pháp thích hợp nhất cho từng học trò, và phương pháp đó chính là chìa khoá để phá tan màn vô minh của con người.

Kim Cang Thừa là như vậy đó, tôi không biết thời nay các thầy tu như thế nào mà dạy các Phật tử chỉ có một câu niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Các thầy có khả năng nhìn rõ căn cơ của từng người không? Để đưa ra những phương pháp tập đem lại hiệu quả nhất. Việc này chỉ có thầy biết rõ hơn ai hết.

Tu theo Mật Tông bắt buộc phải có thầy, mà phải là thầy đã giác ngộ, đã đắc đạo. Không thể tự đọc sách, nghiên cứu lý thuyết rồi đọc vài ba câu chú là xong. Dĩ nhiên người thầy phải là người có đủ kinh nghiệm, có ấn chứng, như vậy hướng dẫn học trò mới có hiệu quả. "GURU" có nghĩa là tan biến bóng tối, thầy phải là người làm tan bóng tối đối với chính mình trước khi ban ánh sáng cho người khác. Tu theo Mật Tông, chẳng may gặp phải thầy thiếu kinh nghiệm, rất dễ lạc vào tà đạo hay cảnh giới huyển hoặc vô cùng nguy hiểm.

Việc hành trì Mật Tông rất khó, đòi hỏi người tu phải có một thân thể cường tráng, ý chí cương quyết, tập trung tư tưởng, khai mở trí tuệ để nhìn xuyên qua màn vô minh, thẳng vào thực tướng của sự vật. Do đó, trước khi tu, phải phát hạnh nguyện rộng lớn để làm kim chỉ nam hướng dẫn đời mình. Nghiêm giữ giới luật, mở lòng từ bi, quán chiếu tánh không, tâm vô sở cầu mới mong tránh được nguy hiểm.

Trong giai đoạn đầu tiên, thường ở nơi hoang vắng để giữ Thân, Khẩu, Ý được thanh tịnh. Nhờ sức gia trì của chư Phật, chư Bồ Tát và các chư Tổ qua sự trì tụng thần chú khẩu quyết, tâm thức trở nên lắng trong, sẳn sàng đón nhận thần lực gia trì. Khi đã thuần thục, tâm thức hoàn toàn tĩnh lặng, dứt mọi vọng niệm thì mới bước vào giai đoạn hợp nhất, không còn phân biệt chúng sanh với pháp giới, quán triệt tánh không. Lúc bấy giờ mới nhập pháp giới giúp đỡ chúng sinh. Mỗi cử chỉ đều là ấn quyết, mỗi lời nói đều là chân ngôn, tâm không còn ô nghiễm. Nói theo hình ảnh của Thiền là "THỎNG TAY VÀO CHỢ".

Riêng ở Tây Tạng, các sách vỡ thường dùng từ "Lạt Ma Giáo" [Lamaism] để chỉ Phật giáo Tây Tạng. Đây là một từ không đúng, bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về phong tục và ngôn ngữ Tây Tạng. Thực tế "Lạt Ma" có nghĩa là học giả đã tốt nghiệp Phật học. Lạt Ma không hẳn là một tu sĩ, nhưng tất cả tu sĩ đều là Lạt Ma, vì họ đã đậu trong các kỳ thi Phật học. Lạt Ma giáo thường được hiểu như một biến thái của Phật Giáo; đây cũng là một sự ngộ nhận vô cùng. Phật Giáo Tây Tạng được xây dựng trên cơ sở Phật Pháp, được áp dụng một trong nhiều phương pháp do Phật Thích Ca giảng dạy, đó là Mật Tông [Tantrism].

No comments: