Wednesday, May 4, 2011

KHÁI NIỆM VỀ CÔNG TRUYỀN VÀ BÍ TRUYỀN

Cũng giống như hầu hết các tôn giáo khác, truyền thống tôn giáo Tây Tạng có hai khuynh hướng: CÔNG TRUYỀN VÀ BÍ TRUYỀN. Theo khuynh hướng công truyền, các tu sĩ phải sống trong tu viện, trì giới, học Kinh. Theo khuyng hướng bí truyền, người tu phải tìm nơi hoang vắng để đi sâu vào phần nội tâm.

Mặc dù mục đích của hai khuynh hướng là giải thoát, nhưng phương pháp thì không giống nhau. Tuy nhiên đối với người Tây Tạng thì không có sự phân biệt rõ rệt giữa hai khuyng hướng. Một số tu sĩ sau một thời gian sống trong tu viện, học hỏi qua kinh điển, họ đã tìm những chỗ hoang vắng tu theo bí truyền. Và ngược lai, một số sau khi có một thời gian sống trong hang động, lại trở về tu viện học hỏi thêm. Tuỳ ý thức và trình độ cá nhân mà họ chọn khuynh hướng thích hợp.

Trên thực tế, tu theo khuynh hướng công truyền thí ít bị nguy hiểm hơn; đời sống đạo hạnh, nghiêm túc tuân giữ giới luật, hàng ngày tụng kinh, trì chú, thiền định, thanh lọc bản thân, tuy có hơi chậm nhưng mà chắc, ít gây nguy hiểm. Còn đi theo khuynh hướng bí truyền thường được coi là con đường tắt, rất nguy hiểm... vì vậy rất ít ai theo nổi.

Các danh sư Tây Tạng thường nói: "Có nhiều cách để leo lên đỉnh núi, có thể là theo con đường vòng vo, hoặc là trèo thẳng. Dĩ nhiên, chỉ có những tay thiện nghệ, có nhiều sức khoẻ, can đảm và liều lĩnh mới dám leo thẳng. Trên đường đi, bất cứ lúc nào cũng có thể sẩy tay, trượt chân rơi xuống vực sâu tan xác. Cho nên tu theo bí truyền rất khó khăn và nguy hiểm, có thể đưa tới mạng vong hoặc sa vào tà đạo."

Có điểm quan trọng cần lưu ý là dù theo con đường nào, nỗ lực cá nhân vẫn là yếu tố then chốt; cá nhân phải tự cố gắng, chớ không ỷ lại vào người hay sức mạnh nào khác. Kinh Kanguyr viết: "Đức Phật chỉ là người soi đường, tất cả chúng sinh đều phải cất bước lên đường, phải tự thân nổ lực vào việc hành trì, cộng chung với khả năng và lòng kiên nhẩn của chính mình mà tiến bước". Các vị Tổ hay các vị thầy chỉ là người đi trước, người dẫn đường, người giúp đỡ... chứ không phải là người cứu rỗi, giúp ta được giải thoát. Trên đường đạo, tự lực và tha lực đi đôi. Phải tự nỗ lực rồi sẽ được giúp đỡ khi cần, chẳng hạn như khi bị vấp ngã thì có thể được nâng đỡ, chứ không có ai cõng mình leo lên cả.

Ở tu viện, các tu sĩ phải qua các kỳ thi để có danh hiệu Lạt Ma, Đại Đức, Hoà Thượng hay Trưởng Lão. Còn các tu sĩ bí truyền phải qua các kỳ điểm đạo; việc này chỉ có thầy và trò mới biết mà thôi, nên rất dễ bị lợi dụng. Có một số thầy tự phong cho mình một danh hiệu nào đó, mục đích là để kiếm tiền. Học đạo mà không có sự chọn lựa một cách thông minh, hay bị sự tuyên truyền, vận động khéo léo của một số giáo phái tà đạo nào đó, thì rất dễ bị rơi vào chỗ tối tăm không thoát ra được. Cho nên vai trò của người thầy rất quan trọng, ta không thể đi vào con đường bí truyền mà không có người thầy đắc đạo hướng dẫn.

Phần lớn các đạo sư thử thách học trò rất kỹ trước khi truyền dạy, và ngược lại, người học trò cũng cần phải tìm hiểu kỹ càng người thầy trước khi thọ giáo. Trong việc truyền dạy, người thầy bị hao tốn rất nhiều công sức, nên đa số các thầy rất ít nhận học trò. Thầy phải theo dõi từng học trò, thấy rõ căn cơ từng người và từ đó đưa ra những giáo án thích hợp với căn cơ người đó, nhờ đó mà học trò tiến bộ nhanh hơn.

Thầy không khi nào giảng dạy nhiều người cùng một lúc, mà chỉ hướng dẫn tuỳ theo khả năng của từng người, giao cho mỗi người một đề tài riêng, một bí quyết riêng biệt để quán tưởng tu tập, rồi tuỳ theo kết quả thẩm xét của vị thầy mà chỉ bảo thêm những bước kế tiếp. Cũng có khi thầy không dạy bằng lời, mà là bằng ngay lối sống của chính thầy. Khi trò đã đạt tới trình độ nhất định nào đó, thầy cho vào nơi hoang vắng để nhập thất. Đối với người thường, thì đây có thể là một căn nhà riêng biệt, một căn phòng kín, hoặc một hang động nào đó. Đối người người tu cao, thì nó có thể là một cảnh giới nội tâm, chứ không hẳn là những địa điểm ở bên ngoài.

Lúc nhập thất, người tu phải sống cách biệt để thực hành một phương pháp nào đó. Họ không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, phát nguyện tịnh khẩu, các cửa đều được đóng kín, thực phẩm được đưa qua một lỗ nhỏ. Thời gian nhập thất có thể kéo dài vài ngày đến một năm, chỉ có một số ít người mới nhập thất trong vài năm đến trọn đời.

Trong không gian yên tĩnh, người tu tha hồ tham thiền, quán tưởng, nghiên cứu kinh sách hoặc bảo dưỡng tinh thần. Đối với người thường, sống đơn giản trong một hang động hay một am thất thì rất nhàm chán, nhưng đối với người cầu giải thoát thì không thấy buồn chán hay cô đơn, lẽ loi. Họ cảm thấy một niềm an lạc tuyệt vời qua những buổi thiền định.

Tuỳ theo công phu mà họ chứng đắc. Nhưng đối với các bậc chân tu chân chính, chứng đắc không phải là một nhãn hiệu, nên ít người nhận ra, đôi khi họ giả điên, giả dại để khỏi bị quấy rầy.

No comments: