Tuesday, December 28, 2010

YOGA VÀ VIỆC CHẤN HƯNG ĐẠO ĐỨC

Ở nước Việt Nam ta, phần đông mọi người đều có đạo. Nhưng có một điều đáng buồn là những người có đạo nếu tự vấn lương tâm, có ai dám tự hào là người sáng suốt hiểu đạo?

Đạo đức suy đồi chính vì ta không biết cách tin hay thiếu đức tin. Mà ta thiếu đức tin thì chân lý của tôn giáo trải qua bao không gian và thời gian đã bị hiểu sai lạc. Chúng ta lấy cái phụ làm chính. Các tôn giáo đều có 3 phần chính: Phần thần thoại, phần triết học và phần nghi lễ.

-Phần thần thoại kể lại những phép lạ của đấng khai sinh ra đạo.

-Phần triết học giải thích nguyên tắc căn bản của đạo, mục đích và đường lối để đạt đạo.

-Phần nghi lễ gồm có các thủ tục như đi nhà thờ hay đi chùa để cầu kinh lễ phật, dâng hương v.v...

Phần nghi lễ đúng ra là một phương tiện sử dụng thị giác và thính giác để giúp con người hiểu được cái tế nhị hơn, cái cao siêu hơn của đạo. Nhìn vào ảnh Chúa hay tượng Phật là để tưởng niệm đến các đức tin cao cả của các ngài mà noi theo. Nghe giảng đạo hay nghe thuyết pháp là để lĩnh hội giáo lý cao siêu của các ngài. Nhưng phần nghi lễ dần dần bị hiểu sai lạc đi, nên việc đi nhà thờ hay đi lễ Phật bây giờ có thể tạm ví như là một thói quen. Từ nhỏ đến lớn cứ đi nhà thờ, hay đi lễ Phật, mà rốt cuộc người ta cũng không thấy tiến bộ hơn chút nào về mặt tinh thần. Lúc nhỏ đọc kinh, lúc già cũng vẫn đọc kinh, và những câu kinh chỉ còn lại là những tiếng vang đập vào tai rồi đi mất, không để lại dấu vết gì. Chính vì lẽ đó nên Swami Vivekananda mới nói rằng " Lúc nhỏ không đi chùa là có tội, nhưng đến lúc già mà vẫn đi chùa cũng là có tội".

Nghi lễ giúp người ta theo đạo, và sống theo đạo là chính, nghi lễ chỉ là phần phụ. Nhưng tại sao ta phải sống theo đạo? Có lý do gì vững chắc không? Đối với các nhà tri thức tin theo khoa học, thì những chuyện thần thoại hay các phép lạ chỉ là những chuyện mê tín, hoang đường hoặc không được kiểm chứng v.v...còn đối với những người có óc thực tế thì họ quan niệm rằng: Tôn giáo đặt ra chỉ cốt để dạy người ta làm việc lành, tránh những việc ác, ngoài ra thì không còn gì hết.

Hai quan niệm trên cũng một phần nào có lý, vì nếu chỉ tin vào thượng đế mà không có cách nhìn thấy, hay cảm thông được, thì làm sao có thể tin. Chính vì không nhìn thấy, hay cảm thông được nên mỗi người tin theo một cách, và mỗi người đều thích bắt người khác phải tin theo những gì mà mình tin. Đó cũng là nguyên nhân gây ra sự đổ máu và bất hòa của các tôn giáo.

 Đi ngược giòng thời gian để tìm hiểu tôn giáo, thì ta thấy rằng, các tôn giáo đều có mục đích truyền lại kinh nghiệm của các đấng khai sinh ra đạo.

1/ Đức chúa Giê-su nói rằng "Ngài đã trông thấy thượng đế", các môn đệ ngài nói rằng: đã cảm thấy thượng đế.

2/"Đức Phật có kinh nghiệm về sự thật, đã trông thấy sự thật, và tiếp xúc với sự thật".

Những người tin theo đạo, tùy theo tôn giáo của mình, có lẽ cũng đồng ý với một trong hai điểm trên. Nhưng bởi bản chất hướng ngoại của con người, nên việc nghiên cứu tìm hiểu nội tâm dần dần bị xao lãng, vì vậy chỉ có một số ít người tìm hiểu được, để làm sống lại một phần nào các kinh nghiệm quý báu xưa. Người ta cho rằng các phép lạ trong chuyện thần thoại của mỗi tôn giáo đều thuộc về quá khứ, và không thể làm cho tái diễn lại được. Mặc dù ngày nay không thiếu gì những người có thể biểu diễn các hiện tượng lạ để các nhà khoa học kiểm chứng như không ăn mà vẫn sống, làm cho tim ngừng đập, phổi không thở mà vẫn sống. Những hiện tượng khác thường đó tuy có thật, nhưng các nhà khoa học vì không giải thích được nên không chịu công nhận. Trái lại khoa học Yoga không vì lẽ không giải thích được mà bảo cái đó không có. Khoa học Yoga quả quyết rằng các hiện tượng xuất hiện cách đây mấy ngàn năm, vẫn còn có thể xuất hiện lại, và mọi người đều có thể tìm thấy kinh nghiệm của chúa Giê-su, hay của sự thật mà Đức Phật truyền lại với điều kiện là phải theo một đường lối tu tập thích ứng.

Mỗi một môn khoa học đều có một lối nghiên cứu riêng. Muốn hiểu về vi trùng, nhà bác học phải chuyên học về vi trùng, vì vậy nên không thể hiểu hết những cái gì có thể xảy ra cho môn hóa học hay thiên văn học. Chúng ta đi vào phần chuyên môn, và ai muốn hiểu bộ môn nào thì phải dùng phương pháp, nghiên cứu của bộ môn đó. Điều này cũng áp dụng cho YOGA, vậy muốn tìm hiểu Yoga phải nghiên cứu Yoga và tập Yoga. Nếu chúng ta tập đúng đường lối mà không có kết quả, lúc đó ta mới có quyền bảo Yoga là chuyện không có thực.

YOGA dùng sự "tập trung tư tưởng" hướng vào nội tâm để tìm hiểu những điều bí ẩn còn đang ẩn dấu trong người, những bí ẩn ấy rất vi tế nên không thể dùng máy móc đo lường được. Tuy nhiên Swami Vivekananda đã xác nhận rằng: "Có thể trong một vài tháng tập YOGA, người ta có thể đọc được tư tưởng của người khác.

Để kết luận, Yoga là một môn khoa học hướng về nội tâm, hướng về tôn giáo, để làm sống lại những kinh nghiệm của các đấng khai sinh ra đạo. Chỉ khi nào người ta có những kinh nghiệm ấy hay là những tâm linh ấy, người ta mới thực sự tin theo đạo, thực tin rằng các tôn giáo đều là những phương tiện, những con đường, cùng đưa đến mục đích là CHÂN, THIỆN, MỸ và không còn xung đột lẫn nhau. Đến khi đó con người mới yêu nhau thực sự, và khi đó người ta mới không còn cho tôn giáo là mê tín dị đoan.

No comments: