Wednesday, May 2, 2012

BỖNG DƯNG MUỐN... ĐI TU


Bùi Hiền
Giới trẻ ở Hà Nội đang có xu hướng lên chùa tu thiền với mong muốn cho tâm tĩnh lặng và thảnh thơi.
Thiền cho tâm an ổn, thanh tịnh
Những người chưa biết đến đạo Phật đều nghĩ “chỉ có thất tình, chán công việc mới đi tu”, đi tu là phải vào chùa xuống tóc, phải hạn chế nhiều điều so với cuộc sống đời thường.
Đó là một quan niệm không chính xác, chưa hiểu hết về Phật. Theo đạo Phật thì tu chính là dần sửa mình, là tu thân tích đức, tu tâm dưỡng tính, chỉ làm cho mỗi người tốt lên chứ không gây thiệt thòi gì.
Bạn Trần Minh Trang (Ngân hàng Á Châu) cho hay: “Làm trong ngành tài chính với nhiều áp lực nên lúc nào cũng mệt mỏi và căng thẳng nhưng từ ngày tu thiền mình cảm thấy thảnh thơi, giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực. Đặc biệt, tu thiền đã giúp mình hạn chế được sự nóng giận, tham lam ích kỷ và nhất là dẹp được si mê”.
Ở Hà Nội hiện có gần 10 địa chỉ tu thiền được sinh hoạt dưới hình thức câu lạc bộ Phật tử rồi mở rộng như Đoàn Thanh niên Phật tử (TNPT) chùa Quán Sứ, Đoàn TNPT Về Nguồn chùa Đình Quán, Đoàn TNPT chùa Lý Triều Quốc Sư, Đoàn TNPT Trần Thái Tông Thiền viện Sùng Phúc...
“Sau một thời gian dài sinh hoạt ở chùa Đình Quán, tôi đã tự tin lên rất nhiều. Không sợ đối mặt với những điều không hay sẽ xảy đến với mình. Nhờ tu thiền mà tôi tìm thấy sự yên tĩnh trong tâm hồn, không còn cáu gắt, nổi nóng và lo nghĩ như trước nữa” - chị Hoàng Phương Thảo (Từ Liêm - Hà Nội) tâm sự.
Theo chị Thảo, đến chùa ngoài việc được nghe các Sư Thầy hướng dẫn tu thiền, còn được nghe giảng về Phật pháp, được giải đáp những khúc mắc trong cuộc sống và trao đổi kiến thức để thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, đồng thời tạo sợi dây kết nối chặt chẽ trong cộng đồng Phật tử nói chung, tình đạo hữu nói riêng.
Từ tu thiền đến sự giác ngộ
Nhịp sống hiện đại ngày càng gấp gáp khiến con người nhiều lúc cảm thấy “hụt hơi”. Sau một đợt bận rộn, chật vật để mưu sinh, nhiều người trẻ bắt đầu cảm thấy dường như cơ thể không còn biết “nghe lời”.
Đại đức Thích Thiện Tài (Quản chúng tại Thiền viện Sùng Phúc) chia sẻ: “Khi con người có dấu hiệu của sự không làm chủ được suy nghĩ, bản thân mà cứ mải mê lao theo những mục đích không nằm trong những nhu cầu căn bản nhất như: ăn, ngủ, mặc, ở... rồi đau khổ vì chính những điều phù phiếm đó, ấy là khi ta cần tìm đến tu thiền”.
“Tu thiền là một phương pháp tu luyện bản thân theo tinh thần Phật giáo, để cái tâm không tán loạn, không còn tham, sân, si... Đặc biệt là tu thiền còn để tâm bình, khí hòa, biết chắt lọc những điều hay dở” - Đại đức Thiện Tài khẳng định.
Trong xã hội ngày càng nhiễu loạn giữa các luồng thông tin, tu thiền theo Phật giáo cũng đang là cách mà nhiều phụ huynh đang hướng cho con cái họ để tiếp nhận được sự an lạc.
Người biết tu thiền sẽ biết nhìn nhận một cách thấu đáo về bản thân mình, không xét nét lỗi lầm của người khác mà chỉ tập trung hoàn thiện bản thân nhằm đạt được cái đích cuối cùng. Đó là trí thông minh tuệ giác và cái tâm thanh tịnh, an bình.

CÕI ÂM VÀ VẤN ĐỀ NGOẠI CẢM


Thời gian gần đây, báo chí có đưa tin về việc các nhà ngoại cảm đi tìm mộ liệt sĩ và tiếp xúc được với người “cõi âm”. Phật giáo giải thích hiện tượng này thế nào? Quan điểm của Phật giáo là thần thức sau khi chết tối đa là 49 ngày thì tái sanh vào một thế giới tương ứng với nghiệp thức. Nếu đã tái sanh vào cõi khác thì “ai” tiếp xúc với các nhà ngoại cảm? Tại sao có những người chết cách nay hàng trăm năm vẫn tiếp xúc được với các nhà ngoại cảm? “Cõi âm” mà các nhà ngoại cảm tiếp xúc được nằm ở đâu trong lục đạo.
Việc các nhà ngoại cảm tìm được hài cốt của những người chết nhờ tiếp xúc với người “cõi âm” được báo chí công bố gần đây là điều có thật và rất đáng trân trọng. Thực ra, khả năng ngoại cảm của con người được biết đến từ thời xa xưa. Các nước trên thế giới, từ lâu, đã nghiên cứu và ứng dụng ngoại cảm vào nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó có cả quân sự.
Và các nhà khoa học Việt Nam, từ khoảng 15 năm nay, đã bắt đầu nghiên cứu một cách nghiêm túc về các hiện tượng đặc biệt của con người, trong đó có ngoại cảm. Tiên phong trong lĩnh vực này là các cơ quan như Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, Trung tâm Bảo trợ Văn hóa truyền thống và Bộ môn Cận tâm lý Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người.
Trước hết, Phật giáo không hề có quan niệm về một dạng sống được gọi là “cõi âm”. Thế giới quan của Phật giáo là vô lượng vô biên thế giới, hằng hà sa số thế giới, trong đó có thế giới Ta bà gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Hai cõi Sắc và Vô sắc là cõi giới của thiền định. Cõi Dục gồm lục đạo là các loài Trời, A tu la, Người, Ngạ quỷ, Súc sanh và Địa ngục. Cõi âm hoặc âm phủ chỉ là quan niệm dân gian dùng để chỉ thế giới của người chết đối lập với cõi người sống (cõi dương).
Đối với các bậc chân sư Phật giáo đã chứng đạo, khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm là chuyện bình thường, không có gì xa lạ cả. Những thiền sư, nhờ tu tập thiền định mà thành tựu Tam minh và Lục thông. Trong đó, khả năng của các nhà ngoại cảm hiện nay có thể xem như là một phần nhỏ của Thiên nhãn thông (năng lực thấy rõ mọi thứ, không ngăn ngại), Thiên nhĩ thông (năng lực nghe được tất cả các dạng âm thanh) và Tha tâm thông (năng lực biết được tâm ý của người cùng các chúng sanh khác).
Chỉ có điều, các hành giả Phật giáo hiếm khi tuyên bố về thần thông, bởi thần thông thường thành tựu trước trí tuệ (chứng đắc Tứ thiền đã có năng lực của Ngũ thông, trừ Lậu tận thông) và chấp thủ hay lạm dụng vào thần thông sẽ chướng ngại giải thoát tối hậu. Vì vậy, các hành giả Phật giáo khi có sở đắc về thần thông thì đa phần thường im lặng. Đối với giới khoa học, Thiếu tướng Chu Phác, Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, khá am tường Phật giáo khi nhận định: “Việc ‘thấy’ của các nhà ngoại cảm xét dưới góc độ khoa học hiện đại thực ra là hiện tượng Thiên nhãn thông, một trong mười lợi ích của thiền định”.
Sau khi chết, thần thức thường trải qua giai đoạn trung gian, chuyển tiếp trước khi tái sanh. Khoảng thời gian cho giai đoạn mang thân trung ấm này tối đa là 49 ngày, ngoại trừ hai trường hợp cực thiện và cực ác thì tái sanh ngay lập tức vào cõi Trời hay cõi Địa ngục. Tuy nhiên, còn có trường hợp đặc biệt của thân trung ấm do chết đột ngột (đột tử) và chết một cách oan ức thì thần thức hoặc “không biết” mình đã chết, hoặc do oán hận ngút ngàn mà cận tử nghiệp bám chặt, chấp thủ kiên cố vào trạng huống “hiện tại”, được gọi là các “oan hồn”, cần phải khai thị (giải nghiệp) mới có thể chuyển kiếp, tái sanh.
Ngoài các thân trung ấm, những “oan hồn”, các nhà ngoại cảm còn tiếp xúc được với những chúng sanh trong loài Ngạ quỷ. Nhà ngoại cảm Bích Hằng đã nói rất chính xác: “Thế giới người âm rất đa dạng, phong phú, chia thành nhiều giai tầng”. Chúng sanh loài Ngạ quỷ chiếm nhiều nhất so với các loài khác trong lục đạo. Những đối tượng mà con người gọi là “ma, quỷ, thần linh nói chung…” đều thuộc “những giai tầng” của loài Ngạ quỷ này.
Như vậy, “cõi âm” mà các nhà ngoại cảm tiếp xúc được bao gồm các chúng sanh đang ở giai đoạn thân trung ấm, các “oan hồn” và loài Ngạ quỷ. Nhà ngoại cảm Bích Hằng cũng nói rõ là “tôi chưa thấy địa ngục của người cõi âm bao giờ”, bởi chỉ những người tạo các ác nghiệp và các bậc Đại Bồ tát có đầy đủ thần lực mới vào được địa ngục mà thôi.
Hiện nay, các nhà ngoại cảm thường tìm kiếm hài cốt theo hai hướng.
Khuynh hướng thứ nhất là các nhà ngoại cảm “thấy” được hài cốt, vẽ lại sơ đồ chi tiết khu vực ấy và hướng dẫn thân nhân tìm kiếm. Trường hợp này nhà ngoại cảm chỉ sử dụng khả năng “thiên nhãn thông” của mình để tìm kiếm và phát hiện hài cốt mà không cần trợ giúp của “chủ nhân” chính hài cốt ấy. Bởi hầu hết những hài cốt này chỉ là phần thân xác vật chất đơn thuần (địa đại-đất), còn thần thức đã theo nghiệp tái sanh.
Tuy nhiên, vì các nhà ngoại cảm chưa thành tựu Đại định (tam muội) nên năng lực “thấy” của họ thường chập chờn. Tùy thuộc vào cấp độ định tâm hay trạng thái tâm của họ khi làm việc mà “thấy mờ hoặc tỏ” khác nhau, phải điều chỉnh nhiều lần mới tìm ra vị trí chính xác của hài cốt. Năng lực thấy rõ không có gì ngăn ngại này của các nhà ngoại cảm còn được vận dụng để tìm kiếm khoáng sản, thăm dò lòng đất (ngành mỏ-địa chất), khả năng khám, chữa bệnh (ngành y khoa) v.v… hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, khai thác và ứng dụng.
Khuynh hướng thứ hai thì ngược lại, nhà ngoại cảm tiếp xúc với người “cõi âm” và họ chỉ cho nhà ngoại cảm thấy hài cốt của chính họ hoặc những người khác. Trường hợp này, sự trợ giúp của người “cõi âm” vô cùng cần thiết, do đó nhà ngoại cảm và thân nhân phải có lòng thành. Vì người “cõi âm” biết được tâm ý của chúng ta cho nên nếu lòng không trong sáng, tâm không thành khẩn, làm việc vì danh lợi thì sẽ thất bại. Những chúng sanh mang thân trung ấm, những “oan hồn” và loài ngạ quỷ đều có thể tiếp xúc được với nhà ngoại cảm để truyền thông những thông tin cần thiết.
Ở đây, trường hợp đặc biệt cần lưu tâm là các “oan hồn”. Như đã nói những người chết “bất đắc kỳ tử”, chết trong oán hận tột cùng rất khó tái sanh. Mặc dù phần lớn các luận sư Phật giáo đều cho rằng thời gian thích hợp cho tái sanh của thân trung ấm thường tối đa là 49 ngày nhưng “oan hồn” là một ngoại lệ. Theo luận sư Pháp Cứu (Dharmatrata), tác giả Tạp A tỳ đàm tâm luận (Samyutara Abhidharmahridaya) thì thân trung ấm tồn tại không hạn chế thời gian nếu nhân duyên chưa đủ để đầu thai (xem thêm Đại cương luận Câu xá, tác giả Thích Thiện Siêu, NXB Tôn Giáo, 2000, tr.109).
Kế thừa quan điểm này, về sau vị chân sư Phật giáo Tây Tạng Sogyal Rinpoche, bằng tuệ giác chứng ngộ của mình, trong Tạng thư sống chết (Thích nữ Trí Hải dịch) khẳng định: “Toàn thể trung ấm tái sanh kéo dài trung bình 49 ngày, và ít nhất là một tuần. Nhưng cũng còn tùy, giống như hiện tại có người sống tới trăm tuổi, trong khi kẻ khác chết non. Một số lại còn bị kẹt trong thế giới trung gian để thành ma quỷ (18- Bardo tái sanh)” hay “Những người đã có cái chết kinh khủng hay đột ngột rất cần được giúp đỡ. Những nạn nhân của ám sát, tự sát, tai nạn, chiến tranh, thường rất dễ rơi vào sợ hãi đau đớn, hoặc ở mãi trong kinh nghiệm khủng khiếp về cái chết của họ, do đó không thể tiến đến giai đoạn tái sanh (19- Giúp đỡ sau khi chết)”. Vì những lý do trên, có những trường hợp tuy đã chết rất lâu nhưng vẫn chưa được tái sanh.
Phần lớn những người “cõi âm” mà nhà ngoại cảm tiếp xúc, mô tả hình dáng, tính cách của họ đúng như dáng vẻ, tâm trạng lúc chết đều ở trong trường hợp này. Chính việc thần thức “ở mãi trong kinh nghiệm khủng khiếp về cái chết”, “bị kẹt trong thế giới trung gian” (lời của Sogyal Rinpoche), sự chấp thủ kiên cố, bám chặt vào trạng huống “hiện tại” trước khi chết đã tạo ra một dạng sống gọi là “oan hồn”. Do đó, Phật giáo thường lập đàn tràng Giải oan bạt độ và Chẩn tế âm linh cô hồn. Giải oan là tháo gỡ sự chấp thủ, khai thị cho “oan hồn” hiểu giáo pháp mà buông xả, tỉnh ngộ để tái sanh. Chẩn tế là ban phát thực phẩm cho loài ngạ quỷ được no đủ, đồng thời khuyến hóa họ hồi tâm hướng thiện để sớm chuyển nghiệp, siêu thăng.
Như vậy, thế giới “cõi âm” vô cùng đa dạng và phức tạp, những nhà ngoại cảm nhờ có nhân duyên đặc biệt nên tiếp xúc được với họ, giúp họ truyền thông với con người. “Thông điệp” của người “cõi âm” cũng không ngoài tình thương, sự trân trọng, quan tâm lẫn nhau và đề cao các giá trị đạo đức, tâm linh. Chính những tâm tư của người “cõi âm”, nhất là các “oan hồn” đã góp phần tạo nên khí vận quốc gia, hồn thiêng sông núi. Do đó, việc cầu nguyện cho âm siêu dương thái theo pháp thức Phật giáo là điều cần làm.
Ngày nay, các nhà khoa học đang nỗ lực khám phá hiện tượng ngoại cảm theo hướng trường sinh học hay năng lượng sinh học. Tuy nhiên, nếu chỉ thiên về nghiên cứu “vật chất” thì sẽ khó tiếp cận trọn vẹn vấn đề, bởi “sắc tức thị không, không tức thị sắc” (Tâm kinh). Đó là chưa kể đến hoạt dụng của tâm thức A lại da bao trùm khắp cả pháp giới, siêu việt cả tâm lẫn vật, theo Duy thức học, chỉ có tu tập thiền định mới có thể khai mở và thành tựu kho tàng tuệ giác này.

(Theo Giác Ngộ)